Theo Bộ GDĐT, việc bỏ quy định đuổi học để hướng tới mục tiêu giáo dục tích cực trong nhà trường, đảm bảo sự tôn trọng, bao dung, nhất quán, không định kiến…
Bộ GDĐT vừa ban hành dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh (HS) trong các cơ sở giáo dục phổ thông để xin ý kiến góp ý đến hết ngày 31/10 trước khi ban hành chính thức. Dự thảo này sẽ thay thế cho Thông tư 08 được ban hành từ hơn 30 năm trước, năm 1988.
Theo Bộ GDĐT, việc bỏ quy định đuổi học để hướng tới mục tiêu giáo dục tích cực trong nhà trường, đảm bảo sự tôn trọng, bao dung, nhất quán, không định kiến…
Không còn bêu trước lớp, trước trường
Theo ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HS, SV của Bộ GDĐT cho biết: Về hình thức khen thưởng, kỷ luật học sinh, Thông tư 08 năm 1988 đang có hiệu lực quy định khen thưởng là: Khen trước lớp.
Riêng đối với HS các lớp cấp I, ngoài hình thức khen trước lớp còn hai hình thức khen thưởng sau đây: Thưởng phiếu khen và ghi tên vào bảng danh dự của lớp. Bên cạnh đó là: Khen trước toàn trường; Danh hiệu HS khá; Danh hiệu HS giỏi; Ghi tên vào bảng danh dự của trường; Danh hiệu HS xuất sắc; Được khen thưởng đặc biệt. Còn trong Dự thảo mới chỉ tuyên dương trước lớp, trước toàn trường, tặng giấy khen. Và các hình thức tuyên dương, khen thưởng khác phù hợp với mục đích và nguyên tắc khen thưởng HS.
Cũng theo ông Linh: Về khen thưởng, sẽ không khen tràn lan, đảm bảo thực chất, tránh hình thức. Theo đó, cuối năm học hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh xuất sắc đối với tiểu học, học sinh giỏi với THCS-THPT. Học sinh khá sẽ không có giấy khen. Đặc biệt chú trọng tuyên dương nhân rộng gương người tốt, việc tốt như học sinh nhặt được của rơi tìm người trả lại; cõng bạn đến trường; cứu bạn… Ngoài ra, tiếp tục duy trì những hình thức khen cũ như: Tuyên dương trước lớp, trường, giấy khen, thư khen.
Về kỷ luật HS, Thông tư 08 có các hình thức: Khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần, đuổi học 1 năm. Dự thảo mới chỉ còn 3 hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, tạm dừng học tối đa 2 tuần để giáo dục riêng.
Trong dự thảo mới, đặc biệt coi trọng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực. Giáo viên có thể thu thập các thông tin khách quan, xác định đúng nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả và đặc điểm tâm lý của học sinh mắc khuyết điểm để lập kế hoạch giáo dục cho học sinh sửa chữa khuyết điểm. Giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp để giáo dục kỷ luật tích cực phù hợp đối với từng học sinh như: Khuyên bảo, động viên, nhắc nhở, phê bình riêng đối với học sinh mắc khuyết điểm; Phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh để cùng thực hiện kế hoạch giáo dục, hỗ trợ học sinh sửa chữa khuyết điểm.
Ngoài ra có thể tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý. Yêu cầu học sinh thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện đã được học sinh thỏa thuận, cam kết thực hiện theo nội quy của nhà trường như: Hoàn thành bài tập còn thiếu, viết lại bài cần học thuộc, viết lại quy ước của lớp học, nội quy, quy định của nhà trường và các quy định khác của pháp luật liên quan đến khuyết điểm của HS…
Để học sinh phát huy phẩm chất, năng lực
Theo nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, Thông tư 08 được ban hành từ năm 1988 đến nay đã hơn 30 năm. Mặc dù Thông tư trên đã có hiệu quả, tác dụng nhất định, nhưng qua quá trình phát triển cũng đã có những điều không còn phù hợp, cần điều chỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội chia sẻ sự đồng tình cơ bản của dự thảo này, đặc biệt là những điểm mới so với quy định hiện hành.
Theo ông Khang, mục đích của khen thưởng là tạo động lực cho HS phát huy hơn nữa phẩm chất và năng lực. Mục đích của kỷ luật là phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi không nên, không phải của HS. Từ mục đích có tính giáo dục trên, các hình thức khen thưởng, kỷ luật đã được cân nhắc kỹ lưỡng khi áp dụng.
“Hình thức kỷ luật trong dự thảo mới có những điểm đáng lưu ý. Vẫn có hình thức khiển trách, cảnh cáo nhưng không “bêu” trước lớp, trước toàn trường như bấy lâu vẫn làm. Thời đại 4.0, nếu cảnh cáo trước toàn trường sẽ là cảnh cáo “trước toàn thế giới”. Học trò mắc lỗi bị áp lực nặng nề, khó có thể vươn lên. Hơn nữa, hình thức kỷ luật tạm dừng học tập trên lớp đã thay thế cho cụm từ đuổi học thường dùng hiện nay… Với biện pháp giáo dục HS vi phạm kỷ luật, lần này yêu cầu nhà trường, giáo viên tăng cường giáo dục nhiều hơn, có nhiều nội dung cụ thể, kiên trì hơn trong việc giúp HS sửa lỗi”- ông Khang nói.
Khá nhiều phụ huynh, giáo viên cũng đồng tình với dự thảo lần này, trong đó đặc biệt ủng hộ quan điểm không đuổi học 1 năm đối với HS.
Anh Nguyễn Văn Tài (Phụ huynh một HS tại Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: Tôi ủng hộ điều đó vì việc đuổi HS là không phù hợp. HS là tuổi cắp sách đến trường, nhiều khi có cử chỉ, hành động, lời nói không đúng chuẩn, cần phải giáo dục. Nếu đuổi học thì vô hình trung nhà trường đuổi các em ra khỏi môi trường giáo dục. Đó là hình phạt nặng, thể hiện sự bất lực trong việc giáo dục các em.
Tuy nhiên, dự thảo mới có quy định về việc “tạm dừng học tập trên lớp đối với HS”, trong đó ghi rõ: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của HS, căn cứ đề xuất của Hội đồng kỷ luật HS của nhà trường, Hiệu trưởng nhà trường xem xét, quyết định thời hạn tạm dừng học tập trên lớp đối với HS tối đa là 2 tuần lễ để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm. Về quy định này, nhiều giáo viên, phụ huynh còn cảm thấy băn khoăn. Vì nếu nghỉ học 2 tuần, việc học của các HS bị gián đoạn. Khi HS quay lại trường học sẽ có tâm lý chán chường do theo không kịp bạn bè. Trường hợp xấu hơn là các em có thể sa vào những thú vui vô bổ.
Theo ông Bùi Văn Linh, trong dự thảo, hình thức kỷ luật tạm dừng học tập không đặt ra đối với HS tiểu học; với HS trung học, dựa vào Điều lệ trường THCS và trường THPT hiện nay, mỗi HS không được phép nghỉ học quá 45 ngày/năm học. Do vậy, thời gian buộc HS phải tạm dừng học tập mỗi lần là không quá 2 tuần, bởi vì không loại trừ trường hợp trong 1 năm học, 1 HS cụ thể nào đó có thể vi phạm nhiều lần và phải tạm dừng học tập không chỉ 1 lần. Nếu tạm dừng học tập quá 45 ngày thì sẽ vi phạm Điều lệ trường học và HS có thể không được lên lớp. Vì vậy, thông tư này sẽ phải tránh đẩy HS vào tình huống đó khi các em đang tiến bộ và thay đổi.
Hiện, Bộ GDĐT vẫn đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo.