Từ Kinh Lớn, đổi tên thành kênh đào Charner nối liền sông Sài Gòn, về sau, người Pháp lấp kênh, mở đại lộ Charner rồi thành đường Nguyễn Huệ. Từ đó đến nay, đường Nguyễn Huệ vẫn là con đường đẹp nhất Thành phố Hồ Chí Minh với muôn loại hoa được bày biện mỗi khi Tết đến Xuân về.
Trước đây, đường hoa Nguyễn Huệ được gọi là chợ hoa Nguyễn Huệ. Thuyền, ghe chở hoa từ muôn phương dập dìu cập bến Bạch Đằng. Các cành, cây mai vàng cùng các chậu bông lớn nhỏ được đưa lên bờ, xếp ngay ngắn trong từng khu đã được phân chia, bán trên đường. Người dân thành phố tập trung đông tại chợ hoa, vừa để mua sắm, lựa chọn, vừa để thưởng thức không khí hương xuân rạng rỡ. Nhìn ảnh tư liệu xưa, có thể thấy người dân đi chợ hoa thường mặc đồ đẹp, cùng những thiếu nữ diện áo dài thướt tha bên các khóm hoa.
Lộng lẫy đường hoa
Từ năm 1975 khi sống tại TPHCM, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bắt đầu được đi chơi Noel và Giao thừa ở đường Nguyễn Huệ. Ông nhớ về giao thừa đầu tiên sau 1975 ở thành phố tự nhiên rất lạnh. Các chàng trai cô gái được dịp khoe áo rét đi chơi trên phố. Khu vực quanh Nhà thờ Đức Bà, Đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi cũng ngăn xe cho người đi bộ, du Xuân. Lúc đó không có tụ điểm ca nhạc hát hò, cũng không có quán xá gì nhiều, ông đi bộ vòng vòng ngắm người, ngắm cảnh, cảm giác khá giống thú đi vòng quanh Bờ Hồ và Nhà thờ Lớn ở Hà Nội.
Đến năm 2004, thì có đường hoa Nguyễn Huệ. “Tổ chức đường hoa ở đây theo tôi là hợp lý nhất”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ: “Vì đường rộng, có tới bốn làn đường, vỉa hè cách nhau hợp lý, lại có thể đi hết vòng này đến vòng khác ngắm hoa mà như chưa đến điểm cũ vì chỗ nào cũng như mới đến lần đầu. Hơn nữa, các toà nhà lung linh xung quanh vây lấy chợ hoa cũng rất đẹp, khi chụp ảnh rất ra đặc trưng Sài Gòn. Đi đường hoa ngắm hoa thì phải chụp ảnh. Trước đây, chúng tôi chụp ảnh rồi đi rửa ảnh tặng nhau. Thợ chụp ảnh dạo lúc đó rất có giá, còn bây giờ ai cũng tự chụp được bằng điện thoại nên thợ chụp ảnh dạo hết dần”. Với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, gắn bó với TPHCM đã 46 năm nay, anh thấy ở Nguyễn Huệ là tổ chức đường hoa đẹp nhất, hợp lý nhất.
Khi Tết đến Xuân về, đường hoa Nguyễn Huệ có chủ điểm theo linh vật của năm. Bước chân vào đường hoa, là bước vào không gian văn hoá rất riêng, từ phong nhã thanh cao của các loại lan, đến tràn ngập màu vàng giản dị của mai, cúc, hướng dương... màu đỏ của nhiều loại hoa thân mềm. Có những khi, một mảnh trời sông nước miền Tây được dựng lên, với mái nhà tranh vắt qua con kênh cùng chiếc cầu khỉ, hai bên bờ là bắp đang trổ cờ cùng lúa phất đòng đòng. Cũng theo nét văn hoá xưa từ những năm 60, như ông bà từng đi chợ hoa, người dân thành phố cũng mặc đồ đẹp, thời trang, nô nức đi dạo vườn hoa vừa ngắm, vừa giao lưu trò chuyện vừa chụp ảnh. Đường hoa Nguyễn Huệ dịp Tết, sẽ ít thấy nhóm bạn bè như thường khi, thay vào đó là những gia đình đủ thế hệ, ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt đi thành từng nhóm đông, mặc đồ khá tương đồng, thậm chí còn có cả đồng phục. Đường hoa là nơi gắn kết người thân trong gia đình, lưu giữ những ký ức bên những bồn hoa tiểu cảnh đẹp. Chính vì thế, đường hoa Nguyễn Huệ rất đông người đến, nhiều khi là len kín, dập dìu đi lại, nhất là vào buổi tối, trời trong gió mát, đèn điện chiếu sáng, lấp lánh càng làm rực rỡ lên những nhành hoa giữa các tòa nhà cao tầng lộng lẫy, sang trọng.
Rộn ràng đường sách
Bên cạnh đường hoa Nguyễn Huệ, TPHCM còn có thêm một con đường đặc biệt, đó là đường sách Nguyễn Văn Bình. Là một người sống đã khá lâu năm tại TPHCM, họa sĩ Ngô Đồng thấy vui và tự hào khi thành phố có đường sách. “Thú thật, ngày xưa thấy con đường mang tên Nguyễn Văn Bình ấy chỉ để giữ xe đạp, xe máy, rất phí. Tôi có nói chuyện với họa sĩ Đào Minh Tri, lúc đó đang là Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM về việc Hội xin thành phố cho thành lập một “đường tranh” ở đấy, như các nước hay làm. Có “đường tranh” là thêm một sản phẩm du lịch. Một thời gian sau nghe tin nơi đó thành đường sách, tôi thật sự rất vui mừng. Tôi tin nhiều người dân Sài Gòn - TPHCM cũng vui mừng như tôi.
Với nhà văn Phương Huyền, mọi hoạt động ở đường sách gắn với công việc của cô. Đáng nhớ nhất là khi Phương Huyền làm MC cho chương trình giao lưu trực tuyến trong Ngày Sách Việt Nam: “28/4/2020, đường sách ngưng hoạt động do tình hình dịch Covid-19. Ngày sách cũng được tổ chức mọi thứ qua nền tảng trực tuyến. Trong chuỗi hoạt động đó, có chương trình tọa đàm kết nối các điểm cầu: Hà Nội, Khánh Hòa, Đắk Lắk, và điểm cầu chính ngay tại đường sách TPHCM. Anh Lê Hoàng - Giám đốc đường sách và tôi ngồi đối diện với chiếc máy tính. Đường sách chỉ có những gian hàng lặng thinh. Tôi nhớ khi đang nghe chia sẻ của các điểm cầu khác, một cơn gió thổi qua, tôi đã nói cho mọi người nghe chúng tôi vừa hứng một đợt “mưa lá me”. Vâng, lá me bay trên đầu, trên mặt chúng tôi. Điều dễ thương ấy với không gian tĩnh lặng những ngày dịch Covid-19 ở đường sách TPHCM làm tôi nhớ mãi”.
Khi đường sách mới bắt đầu hoạt động, hầu như tuần nào nhà văn Phương Huyền cũng có mặt. Lúc chị làm MC, lúc dự sự kiện viết bài, đưa tin với vai trò là nhà báo, có khi thì đưa con gái đi chơi, mua sách, cà phê. Cũng như bao người dân thành phố, Phương Huyền chọn đường sách là nơi thư giãn sau thời gian làm việc căng thẳng.
“TPHCM đã có sáng kiến, lập ra đường sách rất đẹp, rất văn hoá, rất sang trọng và trẻ trung cho giới yêu sách báo nói chung và giới trẻ nói riêng” - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhận xét: “Giờ đây đường sách đã trở thành mô hình đầu tiên và được nhiều tỉnh thành học tập tổ chức đường sách cho tỉnh thành của mình. Việc tổ chức ra mắt sách ở đó là phù hợp tôn chỉ mục đích và đáp ứng được các nhu cầu truyền thông, quảng bá rộng rãi, tạo được sự chú ý”...