Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Các toa tàu tiêu thụ ít năng lượng, chỉ bằng 1/3 so với xe buýt và 1/4 so với xe ô tô cá nhân.
Sức chứa hơn 900 hành khách
Sáng 8/8, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại. Đây là tuyến metro thứ hai được đưa vào khai thác tại Hà Nội, có tổng chiều dài 12,5 km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm.
Trong đó, đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - Ga Hà Nội) dài 4 km.
Cụ thể: đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy, bao gồm 8 ga: Nhổn (S1); Minh Khai (S2); Phú Diễn (S3); Cầu Diễn (S4); Lê Đức Thọ (S5); Đại Học Quốc Gia Hà Nội (S6); Chùa Hà (S7); Cầu Giấy (S8).
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, hệ thống toa tàu của dự án này được sản xuất theo công nghệ hiện đại nhất của Pháp và các nước châu Âu hiện nay.
Ông Gilles Machelon, Giám đốc Liên doanh dự án (Alstom - Thalès - Colas Rail) cho biết, metro Nhổn - Ga Hà Nội sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Các toa tàu tiêu thụ ít năng lượng, chỉ bằng 1/3 so với xe buýt và 1/4 so với xe ô tô cá nhân.
Công nghệ của đoàn tàu đặc biệt quan tâm lợi ích của người sử dụng, đã được sử dụng tại 25% hệ thống metro trên thế giới.
Tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội vận hành 10 đoàn tàu liên tục trên đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, sử dụng công nghệ hàn liền đảm bảo tốc độ chạy tàu cao, chống ồn, chống rung và lắp đặt các thiết bị chống trật bánh tàu.
Mỗi đoàn tàu có 4 toa do Alstom (Pháp) sản xuất, sử dụng động lực phân tán với động cơ đặt dưới gầm tàu, chạy bằng điện áp thấp một chiều 750V DC được cấp ở đường ray thứ ba để đảm bảo tính an toàn, tính ổn định và mỹ quan đô thị, theo tiêu chuẩn an toàn của thế giới.
Vỏ tàu được làm bằng hợp kim nhôm có trọng lượng nhẹ, tuổi thọ cao, được chế tạo tại Pháp. Mỗi toa tàu ở cả hai tuyến đều có chiều dài trung bình 20 m, chiều cao và chiều rộng lần lượt là 3,69 m và 2,7 m. Có 8 cửa trong đó 4 cửa ra vào ở mỗi bên thân toa, độ rộng cửa hơn 1,4 m.
Trên tàu có đủ điều hòa, loa phát thanh, hệ thống camera quan sát, tay nắm đứng bằng đai cao su mềm và nhiều trang bị khác. Bên trong có chỗ dành riêng cho xe lăn, chỗ cho người cao tuổi. Các hàng ghế được làm bằng chất liệu composite, tăng sự thoải mái cho hành khách trong quá trình di chuyển và tránh được cảm giác lạnh vào mùa đông.
Do có thiết kế ga ngầm nên tuyến Nhổn – Ga Hà Nội được trang bị đèn Led tự động điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp khi đi vào đoạn ngầm.
Mỗi đoàn tàu có khả năng chở 944 hành khách. Vận tốc tối đa đạt 80 km/h, vận tốc khai thác trung bình là 35 km/h.
Khác biệt thế nào với tàu Cát Linh - Hà Đông?
Chia sẻ về sự khác biệt giữa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội, TS Vũ Hồng Trường Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (HMC) cho hay, về đoàn tàu của tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội đều có 4 toa tàu.
Tuy nhiên, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có sức chứa là 960 hành khách, bao gồm cả hành khách ngồi và hành khách đứng thì tỷ lệ là ghế ngồi là 144/960 chiếm 15%.
Còn tuyến Nhổn - Ga Hà Nội có sức chứa 944 hành khách, bao gồm cả hành khách đứng và hành khách ngồi nhưng tỷ lệ ghế ngồi lại chỉ có 94/944 ghế ngồi, chiếm 10%.
Tính năng gia tốc của tàu tuyến Nhổn - Ga Hà Nội cao hơn Cát Linh - Hà Đông nên có thể đi trải nghiệm thấy phanh hơi giật nhưng sẽ quen bởi đây là theo tiêu chuẩn của tàu châu Âu.
Đặc biệt, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội còn có nút chống ngủ gật nên kiểm soát được an toàn ở quy trình tác nghiệp của lái tàu khi đến bến.
Về hệ thống thu soát vé tự động, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội theo tiêu chuẩn châu Âu, bố trí bán vé cả hai bên. Trong khi đó, tuyến Cát Linh - Hà Đông bố trí một bên.
Hơn nữa, vé tháng ở tuyến Nhổn - Ga Hà Nội có nhận dạng, tức là hành khách mua vé tháng thì có nhận dạng đúng người đó mới được đi.