Đứt gãy nguồn cung xăng dầu: Trách nhiệm thuộc về ai?

T.Hằng – P.Vân 03/11/2022 06:54

Ngày 2/11, Bộ Tài chính cho biết, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa nhận được báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về các chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.

Thị trường xăng dầu bộc lộ nhiều điểm yếu trong quản lý. Ảnh: Quang Vinh.

Theo Bộ Tài chính, căn cứ quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu trên cơ sở đề nghị của Bộ Công thương tại công văn số 6436/BCT-TTTN, Bộ Tài chính đã có văn bản số 10856/BTC-QLG ngày 21/10/2022 gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam; Premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng và chi phí kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên cho đến nay, Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo của đơn vị.

Bộ Tài chính cho biết, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chưa gửi báo cáo chi phí, bao gồm Công ty cổ phần dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát, Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV, Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam S.W.P, Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm, Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam, Công ty TNHH Trung Linh Phát, Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh, Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro.

Để kịp thời tổng hợp, rà soát và đánh giá, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị trên khẩn trương báo cáo các nội dung theo yêu cầu về Bộ Tài chính chậm nhất trong ngày hôm nay (3/11).

Cũng trong ngày 2/11, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công thương về việc phối hợp cung cấp thông tin theo đề nghị tại công văn số 10859/BTC-QLG. Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Bộ Công thương tại công văn số 6436/BCT-TTTN ngày 18/10/2022 về tiếp tục rà soát và điều chỉnh các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, Bộ Tài chính đã có công văn số 10859/BTC-QLG ngày 21/10/2022 gửi Bộ Công thương đề nghị phối hợp cung cấp thêm các thông tin số liệu cụ thể và đánh giá làm rõ mức độ biến động tăng bất thường của các khoản chi phí. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, chưa nhận được công văn của Bộ Công thương. Để kịp thời, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương phối hợp có công văn gửi Bộ Tài chính trước ngày 5/11 để có đủ cơ sở tổng hợp, đánh giá mức độ biến động, có phương án điều chỉnh theo quy định.

Mới đây, tại buổi giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, so với nhu cầu xăng dầu của nước ta khoảng 19,2 triệu tấn/năm, nguồn từ sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu không đạt kế hoạch đề ra. Trong quý III, nhập khẩu xăng dầu giảm 35 - 40% nên vẫn thiếu hụt nguồn cung. Thời gian qua, để giúp ổn định giá các mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc giảm thuế bảo vệ môi trường với tổng mức giảm khoảng 28.000 tỷ đồng, giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống 10%. Chi phí xăng dầu, premium cũng đã được tăng 2 lần trong năm nay.

Ông Phớc cho biết, Bộ cũng sẽ đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 95 theo hướng giao toàn bộ công tác quản lý mặt hàng xăng dầu về Bộ Công thương, kể cả việc quyết định về giá và chi phí định mức để đảm bảo tăng cường điều hành chủ động nguồn cung, chủ động trong điều chỉnh chi phí định mức, tháo gỡ các khó khăn để đảm bảo nguồn cung xăng dầu tốt nhất cho đời sống và sản xuất kinh doanh.

Trao đổi với báo chí bên lề hành lang kỳ họp Quốc hội ngày 2/11, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhìn nhận, tình trạng hết xăng, dầu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương vẫn tiếp tục xảy ra những ngày gần đây là hiện tượng bất thường. Theo ông Lâm, ngay cả khi nguồn cung thế giới lên cao, giá tăng, xăng dầu khan hiếm cũng không có hiện tượng bất thường như hiện nay. Ông Lâm cho rằng, để xảy ra đứt gãy, thiếu hụt nguồn cung là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong nắm bắt thông tin, điều phối thị trường và nguồn cung một cách hài hòa, hợp lý. Bộ Công thương cần nhạy bén, thu thập đầy đủ thông tin, căn cứ để đề xuất cơ chế, gỡ bất cập của thị trường và đề xuất cấp có thẩm quyền những vấn đề vượt thẩm quyền.

Còn ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, thì cho rằng, nguồn cung xăng dầu đứt gãy là do cơ chế quản lý. Sự phối hợp quản lý giữa hai cơ quan quản lý là Bộ Công thương về nguồn cung, xuất nhập khẩu xăng dầu và Bộ Tài chính trong quản lý giá, chi phí... chưa tốt.

Tình trạng hết xăng hoặc dầu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương vẫn tiếp tục xảy ra những ngày gần đây. Như tại TP HCM, thống kê của Sở Công thương cho thấy, gần 20% cửa hàng thiếu xăng để bán.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đứt gãy nguồn cung xăng dầu: Trách nhiệm thuộc về ai?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO