Kinh tế

Duy trì điểm sáng đầu tư nước ngoài

H.Hương 15/01/2024 08:46

Năm 2024, dòng vốn ngoại (FDI) được dự báo sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực vi mạch bán dẫn, công nghệ cao, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng.

anhthay.jpg
Nhiều doanh nghiệp FDI thành công ở Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.

Hội tụ nhiều yếu tố để thu hút FDI

Ông Ahmed Yeganeh - Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp HSBC cho biết, HSBC vẫn duy trì tâm thế lạc quan và tham vọng về triển vọng của Việt Nam trong những năm tới. Đại diện của HSBC kỳ vọng nhìn thấy sự phục hồi ở các đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong năm 2024. Điều đó sẽ mang lại chút thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế trong ngắn và trung hạn.

Trong khi khu vực Bắc Á đang đối mặt với thử thách kép: dân số suy giảm và già đi, Việt Nam lại đang hưởng lợi nhờ một nền dân số trẻ và đang phát triển với với tốc độ đô thị hóa gia tăng và tầng lớp thu nhập trung lưu gia tăng nhanh chóng.

Một thống kê cũng chỉ ra trong thời gian qua nhiều nhà sản xuất hàng điện tử Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đã chuyển sản xuất sang Việt Nam, trong khi Intel và Amkor đã tham gia mở rộng các cơ sở lắp ráp và thử nghiệm ở công đoạn phía sau. Điều đó cũng hỗ trợ cho lộ trình phát triển thành phố tương lai cho Việt Nam.

Những nỗ lực số hóa của Việt Nam đã thổi một luồng gió mới vào các doanh nghiệp (DN) startup, kiến tạo cơ hội và nhu cầu cho những DN khởi nghiệp có thể cung cấp giải pháp trên nền tảng công nghệ nhằm cải thiện hệ thống hiện tại trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ tài chính, logistics… Google và Temasek dự báo nền kinh tế internet của Việt Nam sẽ đạt quy mô giá trị 45 tỷ USD vào năm 2025.

Chuyển dịch năng lượng cũng là một lĩnh vực tiềm năng cho tăng trưởng và cơ hội. Việt Nam công bố cam kết mạnh mẽ tại COP26 sẽ chuyển dịch sang cân bằng phát thải vào năm 2050 và điều này đòi hỏi lượng đầu tư không hề nhỏ.

Trong khi đó nhìn lại năm 2023 cho biết việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài ghi nhận một số dự án có số vốn đăng ký rất cao. Có thể kể đến: dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình đến từ Nhật Bản, có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,99 tỷ USD với mục tiêu sản xuất điện khí từ khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG); dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện JINKO SOLAR HẢI HÀ VIỆT NAM (Hồng Kông - Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,5 tỷ USD tại Quảng Ninh; dự án nhà máy LITE-ON QUẢNG NINH, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 690 triệu USD với mục tiêu sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tại Quảng Ninh; dự án nhà máy LG INNOTEK HẢI PHÒNG (Hàn Quốc), điều chỉnh vốn tăng thêm 1 tỷ USD.

Bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài 2023 quả thật khá nổi bật với nhiều gam sáng. Đặc biệt, tổng vốn đăng ký FDI năm 2023 tăng 32,1% so với cùng kỳ 2022. Đây là mức tăng cao nhất và ấn tượng tính từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát từ năm 2020, được kiểm soát hoàn toàn vào năm 2022.

Theo Tổng cục Thống kê, kết quả này có được là do môi trường đầu tư luôn được cải thiện, hấp dẫn với nhiều ưu thế vượt trội. Đồng thời, trong năm 2023, các hoạt động ngoại giao kinh tế của Đảng, Chính phủ được tăng cường, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản và Hoa Kỳ được kỳ vọng đưa đến làn sóng đầu tư mới, chất lượng vào Việt Nam. Đây có thể sẽ là xu hướng lạc quan và tin tưởng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Niềm tin được khẳng định

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Nhất là trong bối cảnh, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), trở thành quốc gia đã ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga... Nổi bật trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Cùng với đó, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường đầu tư của Việt Nam thông thoáng, an toàn; Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh; nhiều chính sách tài khoá, tiền tệ nhằm hỗ trợ DN đã được thực thi hiệu quả. Các yếu tố này đã và sẽ tác động tích cực đến các nhà đầu tư nước ngoài quyết định đến đầu tư mới, cũng như mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đầu tư nước ngoài trong tình hình mới cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là việc vận dụng, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, trước những thay đổi của bối cảnh toàn cầu và khu vực, cạnh tranh chiến lược nước lớn, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu. Dù thời gian qua Việt Nam là điểm sáng toàn cầu trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước còn yếu, thiếu gắn kết, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển giao công nghệ và cải thiện vị trí trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sẽ hoàn thiện đề án đào tạo nhân lực cho ngành chíp, bán dẫn để sẵn sàng, chuẩn bị đón nhận những cơ hội, dự án phát triển ngành bán dẫn… Mục tiêu chiến lược là xanh hóa nền kinh tế, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Những nỗ lực số hóa của Việt Nam đã thổi một luồng gió mới vào các doanh nghiệp (DN) startup, kiến tạo cơ hội và nhu cầu cho những DN khởi nghiệp có thể cung cấp giải pháp trên nền tảng công nghệ nhằm cải thiện hệ thống hiện tại trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ tài chính, logistics… Google và Temasek dự báo nền kinh tế internet của Việt Nam sẽ đạt quy mô giá trị 45 tỷ USD vào năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Duy trì điểm sáng đầu tư nước ngoài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO