Tại Quảng Nam công tác xóa đói giảm nghèo vùng miền núi ngày càng đạt được những kết quả tích cực, đáng mừng nhất là kết quả thực hiện theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam.
Theo đó, để triển khai hiệu quả Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 cùng với đó là Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi của Tỉnh ủy Quảng Nam, tại tỉnh Quảng Nam đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các nội dung nói trên cùng với những chính sách quan trọng khác.
Cụ thể, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã ban hành những văn bản chỉ đạo UBND tỉnh phân công trách nhiệm cụ thể cho Sở, Ban, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, theo dõi việc triển khai thực hiện các đề án, cơ chế, chính sách, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra.
Từ đó, các Sở, Ban, ngành đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg và Nghị quyết 12-NQ/TU, tích cực tham mưu thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của UBND tỉnh. UBND các huyện miền núi chú trọng tập trung triển khai thực hiện, xây dựng và ban hành các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương; đồng thời, phối hợp với MTTQ Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội vận động, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân ở địa phương. Đến nay, các nhiệm vụ triển khai có hiệu quả, đạt một số kết quả nhất định.
Tại huyện miền núi Tây Giang, ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện cho biết, địa phương đã xác định được lĩnh vực kinh tế chủ lực dựa trên lợi thế vốn có của huyện, đó là đẩy mạnh phát triển cây dược liệu như: ba kích, đảng sâm cùng một số loài dược liệu quý trên địa bàn, đồng thời phát triển mạnh kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với chế biến, liên kết quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, nâng dần giá trị các sản phẩm đặc trưng của huyện.
Qua triển khai nghị quyết của HĐND huyện về 2 lĩnh vực này, hầu hết người dân 10/10 xã đã tập trung cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mới, phát triển chăn nuôi; một số mô hình đã mang lại thu nhập ổn định, điển hình số hộ, mô hình như: Mô hình cam Gari, thôn pứt của hộ Poolong Côi, diện tích 10.000 m2; mô hình Đảng sâm, thôn Achoong, xã Ch'ơm của hộ Alăng Nhên, diện tích 10.000 m2; mô hình Ba kích, thôn Voong, xã Tr'hy của hộ Poolong Thái, diện tích 20.000 m2. Mô hình chăn nuôi heo cỏ địa phương thôn Tr'lee, xã Atiêng của hộ Alăng Nho, quy mô trên 50 con...
Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện cho biết cụ thể: “Cùng với phát triển của các hộ dân, UBND huyện Tây Giang đã giao Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện hỗ trợ, hướng dẫn cho nhân dân các vườn mẫu về cây ăn trái, cây dược liệu với tổng kinh phí được duyệt trong 2 năm 2022-2023 là hơn 3,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ hơn 1,7 tỷ, nhân dân đối ứng là hơn 1,9 tỷ đồng, hỗ trợ 13 vườn mẫu, trong đó 9 vườn cây ăn quả, 4 vườn dược liệu, kết quả ban đầu khá tốt, đây cũng chính là các mô hình để nhân rộng ra các hộ khác trên địa bàn”.
Điển hình như anh Riah Dung, bí thư xã đoàn Ga Ry, huyện Tây Giang, anh đã nhận thấy ở địa phương có tiềm năng phát triển du lịch từ kinh tế, mô hình trang trại vườn nên đã quyết tâm khởi nghiệp với sản phẩm trồng cây cam đặc trưng của vùng cao xứ Quảng. Năm 2020 anh Dung đã trồng gần 10 ha trồng cam và kết hợp với chăn nuôi chuồng trại, bước đầu đem lại hiệu quả. Mô hình của anh Dung nằm trong dự án “Du lịch sinh thái gắn kết cam bản địa Tây Giang” được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2019.
Anh Riah Dung nói thêm, giai đoạn đầu thực hiện mô hình trồng cây cam bản địa kết hợp du lịch sinh thái anh bỏ ra số tiền hơn 1 tỷ đồng, từ việc sắm xe múc, thuê nhân công, cho đến mua giống bò, gà vịt và giống cây cam đảm bảo chất lượng. Để có khoản đầu tư này, ngoài số tiền tích cóp của gia đình, anh còn vay vốn ngân hàng và bà con hàng xóm. Quá trình khởi nghiệp có lúc thật sự khó khăn tưởng chừng như bỏ cuộc, vì ngoài thiếu vốn, còn thiếu cả kinh nghiệm trong việc trồng trọt và thiếu kiến thức về chăn nuôi chuồng trại. Thế nhưng vượt qua những khó khăn bây giờ anh đã có trong tay tài sản lớn.
“Đích đến cuối cùng của dự án này, chính là phát triển du lịch sinh thái từ cây cam bản địa Ga Ry. Bây giờ Nhà nước đã đầu tư mở đường giao thông thuận lợi, vườn cam cũng đang phát triển rất tốt. Tôi hy vọng ngày càng đón được nhiều du khách tham quan trải nghiệm theo mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng”, anh Riah Dung thông tin.
Còn tại huyện Phước Sơn, sau thời gian trồng và chăm sóc, hơn 300 gốc chanh không hạt của gia đình ông Phạm Hoàng Lực ở thôn 2, xã Phước Chánh đã bắt đầu cho trái. Đây chính là sự thành công ban đầu của mô hình trồng chanh không hạt được hỗ trợ từ chương trình kết nghĩa của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam và các đơn vị phối hợp với xã Phước Chánh.
Ông Lực cho hay: “Gia đình không chỉ được hỗ trợ giống cây, mà từ khi thực hiện thí điểm mô hình này gia đình tôi luôn nhận được sự hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây trồng từ các đơn vị kết nghĩa. Qua hơn một năm, vườn chanh bắt đầu ra trái. Mô hình cây chanh không hạt này, chúng tôi nhận thấy khả năng sinh trưởng tốt, rất phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương. Hy vọng đây sẽ là giống cây mới giúp người dân mở hướng thoát nghèo”.
Ông Hồ Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phước Chánh cho biết, ngoài mô hình trồng chanh không hạt, nhiều năm qua, thông qua hoạt động kết nghĩa, Ban Dân tộc tỉnh cùng các đơn vị phối hợp còn hỗ trợ người dân địa phương phát triển chăn nuôi heo đen, bò sinh sản, cùng một số mô hình phát triển kinh tế mới. Nhiều mô hình đang cho kết quả khá khả quan nên địa phương kỳ vọng sẽ tạo ra giá trị kinh tế thực sự giúp người dân có thêm nhu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 với tổng diện tích khoảng 64.000ha, trong đó diện tích đã trồng gần 2.500ha; diện tích quy hoạch trồng mới hơn 61.000ha. Như việc UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo di thực cây sâm Ngọc Linh về 5 huyện miền núi để trồng thử nghiệm gồm: Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang và Phước Sơn. Trong năm 2021, đã hỗ trợ cây giống sâm Ngọc Linh cho 5 huyện nêu trên, mỗi huyện 1.000 cây giống để thực hiện trồng thử nghiệm, làm cơ sở để khảo sát, đánh giá tiềm năng, khả năng thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu.
Để nhân rộng các mô hình trồng dược liệu đạt hiệu quả, ngành chức năng của tỉnh đang tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây dược liệu cho người dân.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Phải quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn các huyện miền núi, phù hợp với tình hình thực tế; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH, kêu gọi đầu tư, nhất là lĩnh vực giao thông, nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư Khu cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc, vì việc phát triển kinh tế cửa khẩu tạo động lực mới cho phát triển KT-XH miền núi, đưa khu vực này thành trung tâm thương mại quốc tế, kết nối liên vùng theo trục hành lang kinh tế Đông - Tây giữa các nước Thái Lan - Lào và Việt Nam, đặc biệt là các khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển ở Chu Lai và TP Đà Nẵng.