Giới lãnh đạo châu Âu và Thủ tướng Anh Theresa May hôm 22/3 cuối cùng đã phải chấp nhận giải pháp tạm hoãn tiến trình “ly hôn” khỏi Liên minh châu Âu (EU) nhằm đảm bảo Brexit diễn ra một cách trật tự.
Giới lãnh đạo Anh và EU nhất trí lùi thời hạn cuộc “ly hôn”. (Nguồn: Reuters).
Cần có thời gian
Nước Anh trước đó đã phải đối mặt với thời hạn chót hoàn thành tiến trình Brexit vào ngày 29/3, tuy nhiên các nhà lập pháp Anh nói rằng phải chờ tới hết ngày 22/5 tới họ mới có thể thông qua một thỏa thuận Brexit, và chỉ trong trường hợp thỏa thuận này được chấp nhận trong cuộc bỏ phiếu tổ chức vào tuần tới.
Nhưng nếu Hạ viện Anh một lần nữa bác bỏ thỏa thuận này - như họ đã làm 2 lần trước - Brexit sẽ diễn ra vào ngày 12/4, trừ khi vào thời điểm đó Anh quyết định tham gia vào các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm nay. “Ngày 12/4 là thời điểm quan trọng, để xem liệu nước Anh có tổ chức bầu cử Nghị viện châu Âu hay không” - Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói.
Anh sẽ cần có thời gian để quyết định xem có tham gia vào kỳ bầu cử diễn ra từ ngày 23-26/4 hay không. Trong lúc đó, Thủ tướng May khẳng định rằng bà sẽ không làm vậy, bởi muốn giữ vững cam kết với các cử tri trong nước rằng sẽ chấm dứt tư cách thành viên EU của Anh.
“Tôi thực sự tin rằng, sẽ là sai lầm nếu như yêu cầu người dân Anh tham gia vào các kỳ bầu cử này, 3 năm sau khi họ bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi EU” - bà May tuyên bố.
Trách nhiệm thuộc về Anh
Ông Tusk nói rằng, nếu cuộc bầu cử này khong được tổ chức, “việc tiếp tục kéo dài thời hạn Brexit sẽ là điều không thể”. Và ngay cả trong trường hợp Anh tham gia bầu cử, tất cả 27 nước thành viên còn lại của EU cũng đồng lòng không muốn kéo dài tiến trình Brexit.
“Hạn chót 29/3 đã không còn. Hiện tại, ngày 12/4 tới mới là thời hạn chót để Anh rời khỏi EU” - một quan chức EU nói.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người có quan điểm cứng rắn về vấn đề Brexit - tuyên bố rằng: “Trách nhiệm giờ thuộc về nước Anh, và tôi nghĩ rằng đó là một thành tựu lớn ngày hôm nay”.
Dù hàng loạt doanh nghiệp và hiệp hội Anh đã cảnh báo rằng, Brexit không có thỏa thuận sẽ làm dấy lên tình trạng khẩn cấp ở nước này, nhưng Thủ tướng May đến nay vẫn không loại trừ khả năng Brexit không thỏa thuận. Ngay trong lúc bà May đang tham gia Hội nghị thượng đỉnh EU, một thỉnh cầu thư trực tuyến mà chính Quốc hội Anh đưa ra kêu gọi ngăn chặn Brexit đã đạt được 2 triệu chữ ký.
Điều bất ổn nhất hiện nay chính là, không ai biết rõ liệu thỏa thuận Brexit mà bà May ký với EU hồi tháng 11/2018 có thể được Hạ viện phê chuẩn trong cuộc bỏ phiếu tuần sau hay không. Nhưng bà đã chuyển sức ép này lên chính các nghị sỹ tại Hạ viện.
“Quyết định được đưa ra ngày hôm nay đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hạ viện trong việc thông qua thỏa thuận Brexit vào tuần tới” - bà May nói - “Ngay trong ngày mai, tôi sẽ trở về Anh và nỗ lực hết mình để thu hút sự ủng hộ giúp thỏa thuận được thông qua”.
Được biết, bà May và EU đã nhất trí lùi thời hạn chót Anh rời khỏi EU tới ngày 30/6 để có thời gian thuyết phục Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit.
Chia rẽ sâu sắc
Dù được xem là đã giành chiến thắng trong việc được EU chấp nhận lùi thời hạn chót, nhưng bà May khó có thể giúp thỏa thuận Brexit được thông qua tại Hạ viện. Hồi đầu tuần này, bà đã kêu gọi tổ chức bỏ phiếu về Brexit một lần nữa nhưng đã bị Chủ tịch Hạ viện bác bỏ.
Bà May đang hy vọng rằng, việc EU chấp nhận lùi thời hạn chót sẽ giúp thuyết phục Hạ viện tổ chức bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit. Nhưng dù được đem ra bỏ phiếu, thỏa thuận này cũng khó được giới lập pháp chấp nhận.
Thỏa thuận của bà May bị phần lớn các nghị sỹ trong Quốc hội phản đối, họ cho rằng thỏa thuận này vẫn níu kéo nước Anh lại quá gần EU, trong khi những người khác lại cho rằng mối quan hệ Anh-EU chưa đủ gần gũi. Bởi vậy mà sự chia rẽ sâu sắc vẫn tồn tại trong Quốc hội nước này.
Nhiều nghị sỹ thân EU muốn kéo dài thời hạn Brexit, tin rằng nó sẽ gây sức ép trong nước để tiến tới một cuộc tổng tuyển cử, hoặc một cuộc trưng cầu dân ý lần hai để đảo ngược Brexit. Phe còn lại là những người muốn rời EU ngay lập tức, họ tỏ ra bất bình về việc Brexit bị tạm hoãn.