Ngày 27/10, tờ Financial Times dẫn lời các nhà ngoại giao Ủy ban châu Âu, cho biết khối các nước Liên minh châu Âu (EU) có thể kéo dài biện pháp giới hạn giá khí đốt khẩn cấp đã được đưa ra vào mùa đông năm 2022, để tránh một đợt tăng giá mới trong mùa đông năm nay.
Biện pháp khẩn cấp
Cùng với việc giá nhiên liệu có thể tăng đến từ xung đột Israel - Hamas, thì EU còn lo ngại về các hành động phá hoại tiềm tàng đối với cơ sở hạ tầng khí đốt, đặc biệt là sau vụ rò rỉ gần đây tại đường ống Balticconnector. Đường ống dẫn khí đốt dưới biển nối Phần Lan và Estonia này đã bị đóng cửa hồi đầu tháng 10 và được cho là do hành động cố tình phá hoại dẫn đến thiệt hại.
Lo ngại giá khí đốt leo thang khi mùa đông đang đến, đại diện 10 trong số 27 quốc gia thành viên EU đã gửi thư tới Ủy ban châu Âu (EC) để yêu cầu gia hạn các biện pháp khẩn cấp. Một trong những biện pháp này là "cơ chế điều chỉnh thị trường", sẽ giới hạn giá khí đốt ở mức 180 Euro/MW giờ trong trường hợp hợp đồng khí đốt tương lai giao dịch ở mức cao hơn trong 3 ngày liên tiếp.
Trong khi đó, Đức và Pháp đã yêu cầu EC mở rộng những quy định khẩn cấp cho phép các quốc gia thành viên cung cấp trợ cấp cho người tiêu dùng khi phải đối mặt với giá năng lượng tăng cao. EC dự kiến sẽ công bố những biện pháp khẩn cấp mà họ cho là nên được gia hạn vào tháng 11 tới, khi mà lo ngại nguồn cung cấp khí đốt vào mùa sưởi ấm có thể gặp rủi ro. EC cũng kêu gọi các nước gấp rút phê duyệt các trang trại điện gió và năng lượng mặt trời mới, cũng như nới lỏng quy định viện trợ của nhà nước cho các dự án năng lượng tái tạo.
Đức là một trong những nước đi đầu trong nỗ lực “đoạn tuyệt năng lượng” từ Nga khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, nhưng tới nay nhiều ý kiến cho rằng cần đưa nhánh còn lại của đường ống Nord Stream vào hoạt động và tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Nga. Nghị sĩ Bundestag Steffen Kotre cho rằng việc từ bỏ năng lượng của Nga và thay thế nguồn cung cấp khí đốt khác là một sai lầm. Ông Kotre cũng là thành viên của Ủy ban Quốc hội Đức về bảo vệ năng lượng và khí hậu.
Dòng chảy phương Bắc là tuyến đường dẫn khí đốt giữa Nga và Đức chạy qua biển Baltic, bao gồm các đường ống Nord Stream 1 và 2, mỗi đường ống gồm hai nhánh riêng biệt. Đức từng nhận khí đốt của Nga thông qua Nord Stream 1, trong khi Nord Stream 2 chưa bao giờ được chứng nhận do những trở ngại thủ tục.
Giá năng lượng có thể bị đẩy lên cao
Trong khi đó, xung đột ở Trung Đông có thể khiến châu Âu nối lại nhập khẩu dầu Nga, khi mà giá dầu được dự báo sẽ tiến tới mốc 100 USD/thùng. Còn việc dỡ bỏ cấm vận đối với xuất khẩu dầu của Iran vẫn chỉ là mây khói. Điều này có nghĩa là thị trường toàn cầu sẽ không được bổ sung nguồn cung từ Iran và do đó giá dầu sẽ tiếp tục biến động.
Tới thời điểm này hoạt động cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga sang châu Âu, cũng như việc áp trần giá dầu của nước này đã cho thấy không hiệu quả. Phó Giáo sư Valery Andrianov (Đại học Tài chính Liên bang Nga) đồng thời là chuyên gia tại tổ chức tư vấn Infotek cho rằng, cơ chế trần giá dầu Nga đã mất hiệu quả, vì trong thực tế dầu của Nga đang được giao dịch tự do ở mức cao hơn giá trần. Còn theo ông John Kilduff (tổ chức Again Capital có trụ sở tại New York, Mỹ) cho biết, khi mùa đông đang đến gần, bất chấp các kho dự trữ năng lượng của EU đã lấp đầy thì áp lực khí đốt sưởi ấm là rất lớn. Vì thế, việc một số quốc gia châu Âu tìm kiếm nguồn khí đốt từ Nga “cũng là điều dễ hiểu”.
Nhận định này được củng cố khi Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng nguồn cung dầu ở Trung Đông có thể bị gián đoạn nếu xung đột Israel - Hamas leo thang đến mức lôi kéo các nước khác trong khu vực.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian cũng đã làm thị trường năng lượng "sôi sục" khi ông dẫn lại “chuyện xưa” hồi năm 1973, khi lệnh cấm vận dầu mỏ của Arab đã dẫn đến tình trạng xếp hàng dài tại các máy bơm xăng và gây ra tác động kinh tế nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu.
Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế Fatih Birol đưa ra dự báo, thị trường dầu mỏ quốc tế vẫn không ổn định vì bất ổn ở Trung Đông khiến khai thác giảm có thể đẩy giá dầu lên cao hơn. “Không chỉ các nước đang phát triển dựa vào dầu thô và sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu sẽ bị tổn thương nặng nề, mà cả châu Âu cũng bị ảnh hưởng lập tức khi mùa đông đến và tình hình cho thấy sẽ khó được cải thiện” - ông Birol nói.
Các quan chức cấp cao của EU cho biết, dù lượng khí đốt dự trữ của EU đang ở mức cao kỷ lục nhưng nguồn cung mùa Đông này có thể bị ảnh hưởng bởi xung đột tại Trung Đông, cũng như sự cố xảy ra với cơ sở hạ tầng khí đốt ở vùng biển Baltic. Vì vậy EC cần gia hạn các biện pháp pháp lý khẩn cấp ngăn chặn việc tăng giá, có hiệu lực đến ngày 31/12 năm nay. Trong đó bao gồm cả việc tự nguyện cắt giảm nhu cầu khí đốt 15% được gia hạn đến tháng 3/2024.