Theo số liệu từ Bộ Y tế, 2 tuần qua, số ca mắc Covid-19 mới gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố với ngày cao nhất lên tới 42.000 ca. PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch…
Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế cho biết, số ca mắc mới Covid-19 có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong 2 tuần qua, ngày cao nhất là hơn 42.000 ca; Trung bình số ca mắc mới trong nước 7 ngày qua là 34.696 ca/ngày.
Bệnh nhân nặng, nguy kịch gia tăng
Tuần qua, riêng số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng mạnh với trung bình 4.000 ca mắc một ngày, đặc biệt trong ngày 19/2, Hà Nội ghi nhận 4.869 ca mắc mới, cao nhất tại thành phố này từ trước tới nay.
Sở Y tế thành phố Hà Nội cho biết, số ca mắc mới từ 18h ngày 18/2 đến 18h ngày 19/2 Hà Nội ghi nhận 4.869 ca bệnh (1.206 ca cộng đồng; 3.663 ca đã cách ly). Hiện có gần 168.000 ca đang điều trị, theo dõi, trong đó có 801 ca nặng, nguy kịch. Bệnh nhân phân bố tại 468 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện nay, hơn 97% F0 ở Hà Nội thuộc nhóm thể nhẹ hoặc không có triệu chứng. Khoảng 3% còn lại (hơn 4.500 ca) phải nhập viện điều trị, trong đó có hơn 4.200 ca điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3); 351 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Không chỉ riêng tại Hà Nội, trên phạm vi cả nước cũng ghi nhận xu hướng gia tăng số người dương tính với SARS-CoV-2. Theo số liệu từ Bộ Y tế, 2 tuần qua, số ca mắc mới Covid-19 gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố với ngày cao nhất là 42.000 ca, trong đó, tăng nhiều ở nhóm chưa tiêm vaccine phòng Covid-19, đặc biệt là nhóm trẻ em dưới 12 tuổi. Hệ quả của sự tăng nhanh số ca mắc mới là số trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng. Thống kê từ Bộ Y tế cũng cho biết, trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 34.696 ca/ngày, hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.017 ca. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 80 ca...
Trước số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao trong những ngày gần đây, nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã khẩn trương triển khai các biện pháp để nhanh chóng kiểm soát dịch. Cụ thể, TP Hà Nội tạm dừng việc đón học sinh từ lớp 1 tới lớp 6 trở lại trường từ 21/2 như dự kiến; Lào Cai yêu cầu tạm dừng việc dạy học đối với cấp học mầm non trên địa bàn toàn tỉnh, riêng TP Lào Cai sẽ tạm dừng việc tổ chức dạy và học trực tiếp đối với tất cả các cấp học trên địa bàn kể từ ngày 19/02/2022 cho đến khi có thông báo mới (gồm: mầm non, tiểu học, THCS, THPT, GDTX-GDNN); Bắc Ninh tạm dừng các hoạt động không thiết yếu; Nam Định tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội, không tổ chức hoạt động tập trung đông người. Yêu cầu người dân hạn chế di chuyển ngoại tỉnh khi không cấp thiết…
Diễn biến dịch vẫn còn phức tạp
Mặc dù vậy, Bộ Y tế đánh giá số ca tử vong vẫn đang ở mức ổn định, dưới 100 ca/ngày trên cả nước do tỉ lệ bao phủ vaccine ở mức cao. Tương tự, số ca tử vong vì Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng có dấu hiệu giảm khi ngày 19/2 ghi nhận 5 trường hợp, mức thấp nhất trong những ngày gần đây.
Nhận định về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, ông Vũ Cao Cương- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay: Sau kỳ nghỉ Tết, thành phố ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao do Hà Nội mở cửa lại một số dịch vụ, ngành nghề và trường học. Dự đoán, tình hình dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp tại Hà Nội trong thời gian tới, khi các hoạt động vận tải, du lịch, giáo dục, giao thương quốc tế…được mở cửa trở lại. Tuy nhiên công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố vẫn bảo đảm khi tỉ lệ bệnh nhân nặng, tỉ lệ tử vong vẫn trong tầm kiểm soát.
Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lý giải, mầm bệnh Covid-19 vốn đã có sẵn trong cộng đồng, việc người dân gia tăng đi lại khi các hoạt động xã hội, kinh tế được phục hồi góp phần khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn, trong khi đó, tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch đã xuất hiện ở một bộ phận người dân. Thậm chí, đã ghi nhận nhiều trường hợp có triệu chứng nhưng không khai báo y tế, không xét nghiệm và vẫn sinh hoạt bình thường.
Ghi nhận thực tế của PV Báo Đại Đoàn Kết tại một vài quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh, đa số các biện pháp phòng, chống dịch như mã QR, sát khuẩn đều được đặt ở vị trí dễ thấy nhưng hiếm có khách hàng nào thực hiện quét mã, rửa tay đúng quy định.
Đa phần các nhân viên phục vụ đều cho biết, tâm lý lơ là, chủ quan nằm chủ yếu ở lứa tuổi thanh niên. Mặc dù họ có hướng dẫn và yêu cầu khách hàng vị trí thực hiện quét mã QR và rửa tay khi tới quán, nhưng thường thì các bạn thanh niên hiếm khi thực hiện những biện pháp này.
Khi được hỏi về nguyên nhân không thực hiện các biện pháp phòng dịch đã được khuyến cáo khi vào quán cà phê, anh Cao Vân L. (Hà Nội) thừa nhận: “Tâm lý chủ quan là có thật, trước đó, bản thân tôi đã trải qua nhiều lần là F1, có tiếp xúc với nhiều F0 nhưng chưa bị lây bệnh, tôi cho rằng là do hiệu quả của vaccine vì bản thân đã được tiêm 3 mũi. Nhưng chính suy nghĩ này có lẽ đã khiến mình lơ là các biện pháp phòng, chống dịch”.
Còn đối với anh Vũ Hồng Cường (32 tuổi, Hà Nội), đây là thời điểm cần thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19: “Chỉ còn 2 tuần nữa là gia đình tôi đón con đầu lòng nên chúng tôi đều cố gắng thực hiện thật nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Những thú vui trước đó như uống cà phê, ăn uống, nhậu nhẹt tôi đều tạm dừng vì nhận thấy dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thêm nữa là cũng thấy những người xung quanh chủ quan với dịch bệnh hơn trước, việc đeo khẩu trang được thực hiện hạn chế, rửa tay thì hầu như không ai thực hiện nên tránh tiếp xúc được với ai thì tránh”.
Mỗi người tự nâng cao ý thức phòng dịch
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch để tự bảo vệ bản thân và gia đình, xã hội mặc dù dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát, hệ thống y tế cơ sở vẫn đang được hoạt động tốt. Bởi lẽ, những người khỏe mạnh, trẻ tuổi có thể không quá lo lắng khi mắc Covid-19 nhưng trong gia đình vẫn có thể có người già yếu, người mắc bệnh nền hay trẻ nhỏ chưa được tiêm vaccine. Đây là những đối tượng có nguy cơ cao.
“Các biện pháp phòng, chống dịch cơ bản nhưng hiệu quả như 5K là rất cần thiết. Dù chúng ta đã tiêm phủ vaccine ở tỉ lệ cao, nhưng vẫn không được buông xuôi, lơ là các biện pháp phòng dịch đơn giản nhất. Khi mắc Covid-19, có những trường hợp nhẹ, nhưng cũng có trường hợp nặng, đặc biệt những trường hợp không được tư vấn, hướng dẫn và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong. Bởi vậy, người dân phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi, hạn chế tiếp xúc với đám đông, giảm đi lại không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập... Bên cạnh đó, các bệnh viện cần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch ở trong và ngoài cộng đồng; hướng dẫn các biện pháp cụ thể để người dân tự phòng bệnh cho bản thân và gia đình, không buông xuôi, thả lỏng tạo điều kiện cho dịch lây lan, bùng phát”.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trong cộng đồng, Bộ Y tế tiếp tục “thúc” các địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19. Trong văn bản mới nhất, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương nhanh chóng rà soát lập danh sách từng đối tượng, đảm bảo không bỏ sót đối tượng tiêm chủng trên địa bàn quản lý. Tổ chức các điểm tiêm chủng cố định hoặc điểm tiêm chủng lưu động, tiêm chủng tại nhà phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để tiêm vét cho người dân đủ điều kiện tiêm chủng mà chưa được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế:
Xác định chung sống an toàn, có hiểu biết với dịch Covid-19
Thời gian tới, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn Hà Nội có thể tiếp tục gia tăng, thậm chí, con số mắc 3.000-4.000 ca một ngày trong thời gian qua có thể vẫn chưa hoàn toàn đúng, bởi có những trường hợp phát hiện dương tính nhưng không khai báo và nhiều trường hợp là F0 nhưng không có triệu chứng.
Bởi vậy, người dân cần xác định giai đoạn hiện nay là chung sống an toàn với dịch. Để làm được điều này thì trước hết mỗi người trong chúng ta phải nâng cao ý thức phòng, chống dịch để bảo vệ bản thân, gia đình và những người xung quanh. Tiếp đó là những kiến thức cần thiết về Covid-19 và các hướng dẫn để theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà, không nên quá hoảng loạn mà tìm đến các cơ sở y tế nếu không có những diễn biến nặng, điều này có thể khiến hệ thống y tế bị quá tải, dẫn đến những người thực sự cần điều trị không được đáp ứng, số ca tử vong cũng sẽ theo đó mà tăng cao. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cần đổi mới và cập nhật khuyến cáo phù hợp với tình hình mới đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, hướng dẫn cho người dân phù hợp với tình hình hiện tại.
BS Đỗ Quốc Phong- Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện E:
Ý thức phòng dịch của người dân vẫn là quan trọng nhất
Với tỉ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 như hiện nay, dù số ca mắc Covid-19 có tăng cao trong thời gian qua nhưng tỉ lệ bệnh nhân nặng và số ca tử vong vẫn đang ở mức kiểm soát được. Tuy nhiên, nếu lượng F0 tăng quá cao thì số ca nặng cũng sẽ tăng theo, cùng với đó là nguy cơ quá tải của hệ thống y tế. Bên cạnh đó, vẫn còn những trường hợp người già yếu, người có bệnh nền chưa tiêm vaccine, những đối tượng này có nguy cơ tử vong cao nếu mắc Covid-19. Chúng ta đều biết, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Chính vì lẽ đó mà mỗi người dân cần tránh lơ là thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã được quy định.
Đức Trân(ghi)