Facebook, Google, Microsoft, TikTok... nộp thuế thế nào?

T.Hằng 20/06/2023 07:10

Ông Nguyễn Bằng Thắng - Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết, từ ngày 21/3/2022 đến nay, các nhà cung cấp nước ngoài như Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple... nộp 7.363 tỷ đồng tiền thuế, trong đó năm 2022 là 3.478 tỷ đồng, năm 2023 là 3.919 tỷ đồng.

Theo ông Thắng, thời gian qua Tổng cục Thuế đã chủ động tham mưu báo cáo Bộ Tài chính, trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành đầy đủ các các văn bản quy phạm pháp luật để các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có nghĩa vụ đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế đầy đủ theo quy định về pháp luật.

Theo đó, Điều 42 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã quy định đối với các nhà cung cấp nước ngoài phải có trách nhiệm đăng ký, kê khai thuế trực tiếp qua Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc ủy quyền cho các tổ chức trong nước kê khai nộp thay theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.

Quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh: Hữu Đức.

Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn khẳng định, trên cơ sở quy định pháp luật về thuế nhà cung cấp nước ngoài và các tổ chức trong nước được ủy quyền có trách nhiệm tự xác định doanh thu và phải kê khai nộp thuế tương ứng.

Ông Bằng chia sẻ, ngay từ sau khi mở Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài để đăng ký kê khai thuế trực tiếp, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục thuế thực hiện chủ động nắm bắt thông tin về tình hình kê khai của các tổ chức được ủy quyền trong nước để kịp thời áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp. Đồng thời cơ quan thuế cũng đã chủ động yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp danh sách các tổ chức trong nước được ủy quyền kê khai thay, thường xuyên rà soát, phân tích dữ liệu để phối hợp với các cơ quan có liên quan như Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các ngân hàng thương mại để thu thập, rà soát dữ liệu nhằm áp dụng biện pháp quản lý thuế phù hợp đối với các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện nghĩa vụ thuế.

Cơ quan thuế cũng đã làm việc và tới đây sẽ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp nước ngoài để hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các nhà cung cấp nước ngoài từ đó tạo điều kiện cho các nhà cung cấp nước ngoài tuân thủ tốt chính sách pháp luật thuế Việt Nam, trong đó bao gồm cả trách nhiệm của các nhà cung cấp nước ngoài đối với nghĩa vụ kê khai, nộp thuế của các tổ chức kinh tế mà họ đã ủy quyền kê khai, nộp thay.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, mô hình và cách thức vận hành của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) có nhiều thay đổi so với mô hình kinh doanh thương mại thông thường. Quản lý hoạt động TMĐT nói chung hay quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài nói riêng hiện tại còn nhiều khó khăn không chỉ Việt Nam mà ngay các nước có nền kinh tế, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới cũng gặp phải.

Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn dẫn chứng, kinh nghiệm của các quốc gia trong đó có Hoa Kỳ và châu Âu phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan thuế để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn đối với các giao dịch TMĐT, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới để chống thất thu thuế, chống thông tin xấu độc và đảm bảo an ninh, an toàn trên môi trường mạng.

“Phát hiện mấu chốt quan trọng là phải có cơ sở dữ liệu lớn trong quản lý, Tổng cục Thuế đã chủ động tham mưu Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ về việc quản lý đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm theo chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số để áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế trên cơ sở dữ liệu lớn” - ông Thắng cho hay.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Việt Nam cũng đã có những thành công đáng ghi nhận trong công tác quản lý thuế TMĐT. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong 4 nước đi đầu ở khu vực Đông Nam Á về việc quản lý thuế xuyên biên giới thông qua việc các nhà mạng phải kê khai thuế trên Cổng thông tin điện tử. Sự phát triển TMĐT ở Việt Nam rất nhanh đã đặt ra thách thức lớn đối với quản lý nói chung, trong đó có vấn đề liên quan đến quản lý thu thuế. Nhờ nền tảng chuyển đổi số trong quản lý thuế, khi những hoạt động giao dịch không còn là vật lý, cơ học bình thường nữa mà chuyển sang môi trường mạng thì công cụ quản lý thuế cũng kịp thay đổi để thích nghi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Facebook, Google, Microsoft, TikTok... nộp thuế thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO