Triển lãm các tác phẩm mỹ thuật tham dự Festival Mỹ thuật trẻ 2020, diễn ra đến ngày 5/8 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội), cho thấy nhiều tiếng nói nghệ thuật của những họa sĩ trẻ. Tuy nhiên trội lên vẫn là các tác phẩm hội họa mà ít tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật mới như video art, sắp đặt, trình diễn...
1. Tiếp nối thành công của 4 kỳ festival trước, Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 5 - 2020 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận được 365 tác phẩm của 197 tác giả ở 36 tỉnh, thành phố gửi tham dự.
Theo ông Mã Thế Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Festival này là một trong những hoạt động để các nghệ sĩ trẻ thể hiện tài năng sáng tạo, giới thiệu những tác phẩm, sáng tạo mới. Các tác phẩm tại triển lãm lần này phong phú về ý tưởng, đa dạng trong hình thức biểu hiện, mang hơi thở cuộc sống đương đại, đặc biệt đề cập đến những vấn đề mà giới trẻ quan tâm.
Họa sĩ Võ Thành Thân - tác giả của series tác phẩm “Giấy tiền vàng bạc” cho biết, đây là những tác phẩm được anh mới sáng tác trong thời gian gần đây, phản ánh đời sống tâm linh ở Huế, cũng là văn hóa thờ cúng tín ngưỡng dân gian tại địa phương mà anh đã tiếp xúc từ nhỏ.
“Tôi muốn mang làn gió mới đến mỹ thuật trẻ Việt Nam với suy nghĩ rằng, nghệ thuật nên xuất phát từ những điều tiếp xúc hàng ngày, hàng giờ. Thông qua những thứ dù nhỏ bé, nhưng khi hợp lại với nhau có thể tạo thành một sức mạnh to lớn hơn”, họa sĩ Võ Thành Thân bày tỏ.
Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Tuấn Dũng góp mặt trong triển lãm với 3 tác phẩm “Chờ trưa”, “Đợi biển”, “Giấc mơ vàng” đều về chủ đề dịch Covid-19. Các tác phẩm gây ấn tượng với công chúng bởi tác giả sử dụng chất liệu acrylic trên nền những tờ báo in, mặt báo chứa đựng thông tin tại thời điểm sáng tác. Điều này khiến cho công chúng cảm nhận được những câu chuyện về đời sống con người luôn gắn với sự kiện thời sự trong xã hội.
Theo họa sĩ Nguyễn Tuấn Dũng, anh muốn đưa những hình ảnh thân quen nhất để nhìn vào đó người xem có thể nhận ra đó là Việt Nam, báo chí cũng là kênh đại diện cho truyền thông, cho đời sống con người trên đất nước đó. Việc lồng ghép thông điệp thời đại, từ nội dung, tít báo kết hợp với câu chuyện về đời sống con người giúp công chúng hiểu hơn về cuộc sống trong xã hội hiện nay...
2. Với 365 tác phẩm gửi tới tham dự Festival Mỹ thuật trẻ 2020, BTC đã chọn được 91 tác phẩm của 74 tác giả để trưng bày triển lãm, trong đó 21 tác phẩm xuất sắc đã được trao giải thưởng. Cụ thể, 2 giải Nhất (trị giá 20 triệu đồng/giải) được trao cho tác phẩm: “Lò mổ #21” của tác giả Nguyễn Văn Đủ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và tác phẩm “Giấy tiền giấy bạc” của tác giả Võ Thành Thân (Thừa Thiên - Huế). 4 giải Nhì (trị giá 15 triệu đồng/giải) được trao cho các tác phẩm: “Hộp gắp thú” của Nguyễn Thị Hồng Khanh; “Thành phố trên cao” của Nguyễn Thị Cẩm Ly; “Hạnh phúc” của Cao Thị Thùy Nhung; “Im lìm” của Tôn Nữ Thị Bích Trâm. BTC cũng trao 6 giải Ba (trị giá 10 triệu đồng/giải); 9 giải Khuyến khích cho các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng.
Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy đó là sự nghiêng lệch về các tác phẩm hội họa của các tác phẩm tham gia. Chính số liệu thống kê của BTC cho thấy, có tới 281 tác phẩm hội họa, 42 tác phẩm đồ họa, 38 điêu khắc, 3 tác phẩm sắp đặt, chỉ có 1 tác phẩm video art. Mặc dù nhìn nhận, trong quá trình hội nhập quốc tế, sự phát triển, giao lưu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã tác động đến quan niệm sáng tác với nhiều xu hướng sáng tạo mới, đặc biệt là với các nghệ sĩ trẻ; cùng với sự phát triển của nghệ thuật hội họa, đồ họa, điêu khắc, các hình thức nghệ thuật đương đại như sắp đặt, trình diễn, video art... cũng đang phát triển nhưng ông Mã Thế Anh thừa nhận, các tác phẩm dùng ngôn ngữ đương đại ở kỳ Festival năm nay còn ít.
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Festival cho rằng, sự nghiêng lệch này phản ánh đúng thực trạng hiện nay của mỹ thuật nước ta. Ngoài Festival Mỹ thuật trẻ, các nghệ sĩ còn có nhiều sân chơi khác hấp dẫn không kém. Vì thế, họ sẽ lựa chọn và cân nhắc khi tham gia. Bên cạnh đó, sự phát triển của tư duy nghệ thuật trẻ cũng thay đổi trong từng thời kỳ. Nếu như ở Festival đầu tiên (năm 2007), tác phẩm sắp đặt chiếm đa số, bởi khi đó loại hình này mới xuất hiện, nhiều người thích, một phần do các nghệ sĩ kêu gọi được nhiều tài trợ. Tới nay, nguồn tài trợ gần như cạn kiệt nên các nghệ sĩ không thực hiện được các loại hình sắp đặt, trình diễn, đặc biệt là video art...
Dù không đạt được như kỳ vọng về số lượng tác phẩm của các loại hình nghệ thuật đương đại, nhưng nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng, Festival lần này đã xuất hiện cái mới. Cụ thể, trong triển lãm có nhiều tác phẩm kỹ thuật số, tức là họa sĩ không sáng tác trực tiếp mà sáng tác trên máy tính sau đó vẽ bằng thuốc nước.
Ngoài ra, đề tài về môi trường sống, dịch bệnh, việc làm, đời sống tinh thần, văn hóa của thế hệ trẻ trong thời đại công nghệ thông tin toàn cầu... được nhiều họa sĩ trẻ quan tâm. Đặc biệt, tác phẩm “Lò mổ” đoạt giải Nhất của họa sĩ Nguyễn Văn Đủ còn sử dụng máu bò tươi để điểm thêm vào tác phẩm. Ông Thượng cho rằng, nếu không phải là triển lãm trẻ thì rất khó chấp nhận được những tác phẩm như thế bày ở một triển lãm mang tầm quốc gia.