Câu hỏi này luôn làm đau đầu các nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu chấm dứt. Ở trạng thái "bình thường mới", rất nhiều nhà đầu tư đang cảm thấy de dè, không biết đổ tiền vào đâu để đảm bảo độ an toàn, sinh lời cao.
Đó là nhận định của các chuyên gia, các chủ doanh nghiệp tại buổi tọa đàm “Bình thường mới – Tìm kênh đầu tư hiệu quả” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 12/11.
“Khi nào dịch Covid-19 kết thúc vẫn còn là ẩn số, song chắc chắn sự biến động của các kênh đầu tư vẫn còn tiếp diễn và trạng thái bình thường mới sẽ tạo ra những quy luật vận động mới”, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư nhận định và cho rằng, sẽ có những kênh đầu tư trở nên khó khăn và bớt thu hút sự quan tâm của công chúng đầu tư, nhưng cũng sẽ có những kênh hoặc phương thức đầu tư mới mở ra, hứa hẹn lợi suất lớn hơn trong tương lai.
Tại buổi tọa đàm, đại diện nhiều DN, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cơ hội và rủi ro ở bất kỳ kênh đầu tư nào cũng có và luôn song hành, vấn đề là các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ trước khi tham gia, tránh tình trạng đầu tư theo phong trào, dễ gặp thua lỗ lớn.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, trên phương diện vĩ mô, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm trong năm nay, với GDP tăng 2,12% cho 9 tháng năm 2020, nhưng vẫn duy trì tăng trưởng dương trong khi nhiều quốc gia đang trong tình trạng suy thoái và kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng âm 4 – 5%. Với mức tăng trưởng này các thị trường vẫn duy trì được sự ổn định.
Ông Hiếu cho rằng, gửi tiền ngân hàng và mua nhà ở hay kinh doanh bất động sản trong phân khúc thị trường nhà ở vẫn là kênh đầu tư an toàn và hợp lý. Thị trường ngoại hối cũng đang ổn định, nhưng không phải là kênh đầu tư và kinh doanh dành cho cá nhân và doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh ngoại hối. Thị trường vàng và chứng khoán là hai thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh, tác động bởi tình hình chính trị và kinh tế thế giới.
Nói về kênh đầu tư chứng khoán, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích của Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, trong quý III/2020, cả hai chỉ số VN-Index và HNX đều chứng kiến mức tăng ấn tượng cả về mặt điểm số đến thanh khoản.
Cụ thể, chỉ số VN-Index tăng 9,71%, HNX - Index tăng 21,11% so với cuối quý trước. Dự báo, trong quý IV, VN- Index sẽ dao động trong vùng 960 - 1.000 điểm với các ngưỡng hỗ trợ mạnh là từ 880-900 điểm. Trong khi đó, HNX - Index sẽ hướng tới vùng từ 145 - 150 điểm với các ngưỡng hỗ trợ mạnh của chỉ số là từ 120-100 điểm”.
Theo ông Lê Đức Khánh, cơ hội đầu tư trong năm 2021 sẽ là ngành sản xuất thiết yếu và ngành hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách điều hành nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.
Nói về những kênh đầu tư mới nổi, ông Thái Việt Dũng, chuyên gia phân tích Fintech nhấn đến Forex và tiền điện tử. Tuy nhiên, đây đều là hai kênh đầu tư ẩn chứa rủi ro rất cao nếu như các nhà đầu tư không hiểu và nắm rõ những thông tin về hai kênh đầu tư này.
“Dù được cảnh báo về tính rủi ro, song đây lại là những kênh đầu tư đầy “ma lực” thu hút các nhà đầu tư tham gia”, ông Dũng cho hay.
Để tránh những rủi ro có thể xảy ra đối với những kênh đầu tư mới này, các chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thị trường tiền tệ để có những hiểu biết sâu rộng hơn về thị trường này. Bên cạnh đó việc lựa chọn sàn giao dịch cũng vô cùng quan trọng để tránh việc bị lừa đảo và thực hiện những giao dịch trái với quy định pháp luật tại Việt Nam.
5 cơ hội đầu tư – kinh doanh
Ở góc độ của mình, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia nêu quan điểm, hiện có thể nhận diện ít nhất có 5 nhóm cơ hội đầu tư – kinh doanh quan trọng, gồm:
Thứ nhất, cơ hội đầu tư – kinh doanh số, với mục tiêu duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh vượt qua khó khăn dịch bệnh cùng với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Nhiều tổ chức DN đã và đang tổ chức kinh doanh hoạt động trên nền tảng của tự động hóa, phát triển tài chính, ngân hàng số, Fintech, thương mại điện tử, đào tựo trực tuyến, thanh toán điện tử, giải trí số, làm việc từ xa...Theo đó các dịch vụ hỗ trợ cũng sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhanh như kho vận (logistics), giao hàng nhanh (fast shipping), đóng gói, cung ứng nền tảng (platform)...
Thứ hai, theo TS Lực, cơ hội từ xu thế tăng đầu tư công, nhất là đầu tư giải quyết an sinh xã hội cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, hạ tầng ICT, dịch vụ y tế giáo dục... Những khoản đầu tư này đang được các nước quan tâm thực hiện vì chúng vừa có tác động tích cực ngắn hạn (thúc đẩy tăng trưởng), cũng tạo tiền đề phát triển lâu dài.
Thứ ba, cơ hội đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế, chăm lo sức khỏe cộng đồng, dược phẩm, sản phẩm xanh thân thiện môi trường đã và đang mở rộng hơn. Cơ hội này ngày càng phát triển những năm gần đây do tình hình dịch bệnh có xu hướng gia tăng.
Thứ tư, xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư đã và đang diễn ra. Xu thế này còn tiếp diễn vì quá trình dịch chuyển thường diễn ra ít nhất khoảng 1-3 năm, các DN tiếp tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Chính phủ các nước có động thái khuyến khích, hỗ trợ...
“Vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị tâm thế, hạ tầng dịch vụ, khu công nghiệp, nguồn nhân lực và cơ chế, chính sách tốt hơn để đón cơ hội này”, ông Lực nói và cho rằng, xu hướng cuối cùng, nhà đầu tư có nhiều cơ hội để xem xét đầu tư chứng khoán và bất động sản. Mặc dù đây được xem là những kênh đầu tư tiềm ẩn rủi ro hơn so với các tài sản an toàn như vàng, trái phiếu chính phủ hay gửi tiết kiệm ngân hàng, song đi kèm với rủi ro luôn là lợi nhuận.