Phát triển hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu (XNK) hàng hóa tại ga Sóng Thần (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) trong thời gian tới sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của địa phương mà còn tạo cú hích quan trọng cho khu vực Đông Nam Bộ và cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp theo hướng hội nhập, hiện đại.
Trung tâm Logistics lớn của phía Nam
Phát biểu tại Hội nghị giới thiệu về hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua Ga liên vận quốc tế Sóng Thần do Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bình Dương tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết, Bình Dương xác định đưa ngành dịch vụ logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2025. Do đó, việc mở rộng phát triển phương thức vận chuyển bằng đường sắt, đặc biệt là đường sắt liên vận quốc tế đi Trung Quốc sẽ giúp cho doanh nghiệp (DN) logistics tiếp cận dễ dàng hơn đối với các trung tâm sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phục vụ quá trình phát triển, đồng thời tạo ra cơ hội cho các DN dịch vụ logistics phát triển.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Dành, việc nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa XNK bằng đường sắt qua ga Sóng Thần sẽ giúp cho DN tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, đồng thời hàng hóa sẽ được vận chuyển thẳng qua biên giới, không bị ách tắc tại cửa khẩu như phương thức vận chuyển bằng đường bộ như hiện nay. Bên cạnh đó, hình thức này còn thúc đẩy sản xuất hàng hóa của các DN, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa XNK.
Với vị trí thuận lợi, ga Sóng Thần đóng vai trò là nơi tập kết, vận chuyển, phân phối hàng hóa XNK đi các biên giới cửa khẩu phía Bắc và phía Nam, không chỉ của các DN tỉnh Bình Dương mà còn các DN Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.
Theo lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, ga Sóng Thần là ga đường sắt liên vận quốc tế là ga hàng hóa lớn nhất phía Nam, đồng thời là ga kỹ thuật, có 13 đường xếp dỡ và 7 bãi hàng hóa với tuyến đường sắt Bắc – Nam dài 1.726 km, đường đơn khổ 1m, chạy trục Bắc – Nam là một lợi thế giao thông lớn của tỉnh. Tuy nhiên, đến nay ga Sóng Thần chỉ mới phục vụ vận chuyển hàng hóa nội địa, chưa tham gia vào hoạt động XNK hàng hóa, chưa phát huy được tiềm năng vận chuyển hàng hóa XNK. Dó đó, việc nâng cao năng lực ga Sóng Thần phục vụ vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương nói chung và nỗ lực thúc đầy hoạt động XNK qua đường sắt của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương nói riêng.
Ông Nguyễn Trần Hiệu, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương đánh giá, thực tế cho thấy, hiện nay, các DN đang trong giai đoạn phục hồi sau đợt bùng phát dịch Covid-19 đều gặp khó khăn về đơn hàng giảm sút. Ngoài ra, các DN cũng đều bị ảnh từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu liên quan đến xung đột Nga – Ukraine, làm chi phí nguyên nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hầu hết các DN.
Do đó, trong bối cảnh khó khăn chung, việc hướng doanh nghiệp mở rộng thêm phương thức vận chuyển bằng đường sắt sẽ giúp tiết giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa. Ngoài ra, hàng hóa vận chuyển đảm bảo an toàn, không bị va đập, hư hỏng và đảm bảo hàng hóa vận chuyển đúng lịch trình không bị hoãn chuyến như những phương thức vận chuyển khác như đường biển, đường bộ, hàng không.
Đặc biệt đối với hàng hóa là nông sản, có thời gian bảo quản ngắn, cần thời gian vận chuyển nhanh để kịp giao hàng cho khách hàng Trung Quốc qua các cửa khẩu phía Bắc thì việc sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt là phương án tối ưu nhất giúp tiết giảm chi phí và đồng thời gia tăng lợi nhuận cho DN. Qua đó, giúp nâng cao sức cạnh tranh cũng như uy tín, vị thế của DN với các đối tác nước ngoài.
Cục Hải quan tỉnh Bình Dương sẽ cùng với các sở, ngành, địa phương có liên quan xem xét hướng dẫn, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai phương án tổ chức vận tải hàng hóa bằng đường sắt từ ga Sóng Thần, nhất là việc hoàn thiện các điều kiện về kho bãi đạt chuẩn theo quy định. “Đồng thời, xúc tiến các thủ tục cần thiết để sớm mở Đơn vị Hải quan kiểm tra, giám sát, thông quan hàng hóa tại ga Sóng Thần đúng theo lộ trình hai bên đã xác định; hỗ tợ DN thực hiện thực hiện thủ tục Hải quan nhanh chóng, đúng quy định. Trong quá trình thưc hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn sẽ kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh Bình Dương và Tổng cục Hải quan xem xét tháo gỡ”, ông Hiệu nói.
Đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa
Mới đây nhất, vào cuối năm 2022, Chính phủ Việt Nam chấp thuận phương án “Nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt”. Theo phương án này, trong những năm tới sản lượng hàng hóa vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt sẽ tăng trưởng mạnh lên gấp 3-4 lần hiện nay. Đây là tiền đề quan trọng để Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu đưa cửa khẩu đường vào sâu trong nội địa, khai thác thế mạnh vận chuyển bằng đường sắt phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu của các DN trên địa cả nước, trong đó có ga Sóng Thần.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, năng lực hiện tại của ga Sóng Thần đáp ứng được 1.6 triệu tấn hàng hóa/năm. Hàng hóa vận chuyển chủ yếu là hàng tiêu dùng, dệt may, điện tử, ô tô - xe máy và nông sản, thực phẩm. Tuyến vận chuyển chính là từ Ga Sóng Thần đi đến ga Yên Viên, Giáp Bát (Hà Nội) sau đó chuyển tiếp vào các đoàn tàu liên vận quốc tế đi Trung Quốc và quá cảnh qua nước thứ 3 (Nga, Mông Cổ, Trung Á và Châu Âu) qua các cửa khẩu Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) và cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai).
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã và đang triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo ga Sóng Thần. Dự kiến, giai đoạn 2025-2030, sau khi hoàn thành các dự án này, năng lực ga Sóng Thần sẽ đạt đến 3.5 triệu tấn/năm và trở thành ga hàng hóa đầu mối lớn trong nhất hệ thống các ga đường sắt Việt Nam.
“Sau khi cơ sở hạ tầng tại ga Sóng Thần phục vụ hoạt động Liên vận quốc tế được đầu tư hoàn thiện, Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức chạy tàu hằng ngày và cung cấp đầy đủ các dịch vụ phục vụ công tác xuất nhập khẩu hàng hóa cho khách hàng tại khu vực tỉnh Bình Dương và các tỉnh lân cận”, ông Mạnh thông tin.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho rằng, việc đưa phương thức vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt sẽ góp phần cho quá trình đa phương thức, đa dạng hóa hình thức vận chuyển.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, tổng kim ngạch XNK của các DN trên địa bàn tỉnh hiện đã vươn lên đứng vị trí thứ 3 trên cả nước. Trong đó, kim ngạch XNK từ riêng thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 40%, chủ yếu đi bằng đường biển và một phần nhỏ đi bằng đường bộ.
“Do đó, đối với ngành thương mại, dịch vụ và logistics giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, theo định hướng quy hoạch phát triển của tỉnh Bình Dương sẽ đưa ga Sóng Thần trở thành ga liên vận quốc tế được mở rộng với quy mô trên 50ha, đáp ứng quá trình phát triển ngành dịch vụ logistics theo hướng vận chuyển đa phương thức”, ông Toàn nêu mục tiêu.
Trao đổi các vấn đề liên quan đến hoạt động XNK hàng hóa bằng đường sắt, các DN quan tâm đến chi phí và những ưu điểm của phương thức này so với các phương thức truyền thống, ông Nguyễn Quang Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ hàng hóa Phương Nam bày tỏ vui mừng khi Bình Dương ra mắt thêm phương thức vận chuyển hàng hóa qua Ga liên vận quốc tế Sóng Thần. Ông Sáng rất mong phương thức vận chuyển mới này sẽ có những ưu điểm nổi bật, nhất là về chi phí vận chuyển.
Ông Đỗ Đình Dược, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn chia sẻ, xây dựng chi phí vận chuyển cần căn cứ vào tình hình thực tế của từng DN và yêu cầu của họ. Việc kết nối với các phương thức vận chuyển khác để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng cũng được công ty triển khai thực hiện.
Vừa qua, tại ga Sóng Thần, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức “Lễ ra mắt đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc”. Đây được xem là hoạt động đầu tiên đánh dấu việc ga Sóng Thần sẽ trực tiếp tham gia phục vụ các hoạt động XNK của tỉnh Bình Dương. Đoàn tàu gồm 19 toa, vận chuyển tinh bột sắn với khối lượng khoảng 500 tấn, xuất phát tại ga Sóng Thần ngày 27/9 và dự kiến đến Phổ Điền, Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) ngày 5/10/2023. Sau chuyến tàu đầu tiên này, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên, các công ty vận tải đường sắt căn cứ nhu cầu thực tế, tổ chức tăng tần suất chạy tàu trên tuyến.