Game bắn cá náo loạn vùng quê

Q.Trung - H. Nguyên 16/08/2015 08:35

Núp bóng là trò chơi giải trí, nhưng game bắn cá đang tràn lan các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thậm chí trò chơi này đang len lỏi xuống vùng sâu, vùng xa gây ra nhiều hệ lụy khôn lường, trẻ em bỏ học, người lớn đổ nợ, gia đình li tán...

Bắt giữ nhiều con bạc đang sát phạt nhau tại “Thế giới trò chơi”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại ở vùng nông thôn ĐBSCL không chỉ có trẻ con mê chò trơi này, mà ngay cả người lớn cũng lao vào. Có người mỗi ngày thua từ 500 đến 1 triệu đồng tiền mua thẻ game. Nhiều người đã lâm vào cảnh nợ nần, cầm cố tài sản để lấy tiền chơi game bắn cá.

Điển hình nhất là vụ trưa 1/7, Công an tỉnh Sóc Trăng bất ngờ ập vào phòng game “Thế giới trò chơi” (do Khưu Minh Trung làm chủ) bắt quả tang 25 đối tượng đang say sưa đánh bạc dưới hình thức chơi game bắn cá ăn tiền. Tại hiện trường, cảnh sát tạm giữ 3 máy game bắn cá, gần 150 thẻ dùng để kích hoạt máy chơi game, trên 150 triệu đồng và nhiều tang vật liên quan.

Trước đó tại thị trấn ven biển này cũng đã có nhiều người vỡ nợ vì mê game bắn cá. “Chủ một quán nhậu có tiếng ở Vĩnh Châu thua game bắn cá đến cả tỷ đồng. Con gái một chủ quán khác thua gần 300 triệu đồng, đã bỏ nhà đi hơn một tháng” – một người dân kể.

Nguồn tin từ cơ quan công an cho biết: “Máy game bắn cá được chủ mang xuống đặt tại nhà dân kinh doanh không phép (tỷ lệ ăn chia 50/50). Kinh doanh kiểu này lãi nhiều, nhưng nếu bị bắt chỉ xử phạt ở mức phạt từ 3 đến 5 triệu đồng. Việc đổi điểm bắn cá để lấy tiền chỉ là giao dịch miệng nên khó bị công an phát hiện ”.

Ông Phan Thanh Hiếu - Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, đã từng nghe người dân phản ánh về việc có người vỡ nợ, trốn nợ vì thua game bắn cá.

“Tôi đã chỉ đạo các ngành rà soát lại việc cấp phép game bắn cá, kiên quyết xử lý nạn đánh bạc trá hình. Những nơi kinh doanh không phép đã bị đình chỉ hoạt động, còn việc cho đăng ký mới thì đang kiến nghị cấp trên có văn bản hướng dẫn để áp dụng thống nhất toàn tỉnh”, ông Hiếu nói.

Điều đặc biệt là, Game bắn cá sau khi gây nhiều hệ lụy ở thành phố, hiện nay trò chơi này đang len lỏi ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nhiều gia đình khốn khổ vì nạn cờ bạc trá hình này khi con em họ suốt ngày bỏ học để tham gia trò chơi.

Ông Nguyễn Kiên ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau mấy tháng nay đau đầu vì cậu con trai thường xuyên trốn học để nướng tiền vào game bắn cá. Vì vậy năm học rồi phải “đúp” lại 1 năm. Ông Kiên phân trần: “Nó xin tiền đóng học phí nhiều lần, tôi sinh nghi. Vợ tôi đã đến trực tiếp gặp cô giáo chủ nhiệm để hỏi về các khoản phí, mới biết con bịa chuyện để lấy tiền chơi game”.

Theo Phòng Tài chính và kế hoạch TP Sóc Trăng (Sóc Trăng), địa phương này có 65 điểm kinh doanh “trò chơi điện tử không nối mạng”. “Để tránh nạn cờ bạc, trên mỗi máy bắn cá đều được dán giấy với dòng chữ “thẻ trúng chỉ được tiếp tục chơi hoặc chơi các trò chơi khác trong phòng game. Không hoàn trả hoặc đổi thành tiền dưới mọi hình thức”.

Tuy nhiên, ở các điểm chơi khác thì người chơi và chủ máy có thể thỏa thuận ngầm quy đổi điểm thành tiền ăn thua, do đó rất khó để quản lý” - Một cán bộ TP Sóc Trăng cho biết.

Mọi hình thức cờ bạc trá hình dù dưới bất kỳ trò chơi nào đều bị xử lý. Đề nghị các cấp chính quyền địa phương sớm vào cuộc, xử lý dứt điểm, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Game bắn cá náo loạn vùng quê