Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan ở mức cao. Đáng chú ý, ung thư gan chiếm nhiều nhất trong các loại ung thư, gây tử vong hằng năm hơn 25.000 trường hợp.
Viêm gan virus được coi như "sát thủ thầm lặng" âm thầm hủy hoại sức khỏe con người bởi đặc tính diễn biến âm thầm, ít triệu chứng của nó. Nếu người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm gan virus có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan, xấu nhất là tử vong.
Theo số liệu từ WHO, Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan ở mức cao với gần 10 triệu người viêm gan B và gần 1 triệu người viêm gan C. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ viêm gan cao nhất khu vực Đông Nam Á, ước tính khoảng 15-26% dân số.
Đáng lo ngại hơn, do ít hoặc không có triệu chứng biểu hiện bên ngoài, người bệnh mắc viêm gan virus thường không đi khám và không phát hiện được mình bị nhiễm các bệnh viêm gan virus. Thực tế cho thấy, không ít trường hợp đến viện trong tình trạng muộn, bệnh đã biến chứng xơ gan hay ung thư gan, thậm chí trong số này, rất nhiều trường hợp bệnh nhân còn rất trẻ và tỷ lệ này đang ngày càng gia tăng.
Điển hình, trường hợp nam bệnh nhân (28 tuổi) ở Ninh Bình được Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán ung thư gan, viêm gan B. Bệnh nhân được nhập viện Khoa Ngoại Gan mật – Tiêu hóa & Ung bướu để làm các xét nghiệm đánh giá giai đoạn bệnh và hội chẩn tìm phương án điều trị phù hợp. Kết quả cho thấy, bệnh nhân có khối u gan đường kính lớn 14cm. Bệnh nhân còn rất trẻ, vì vậy sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cắt gan, đây là biện pháp điều trị đem lại hiệu quả cao nhất cho bệnh nhân.
BS Nguyễn Thị Huyền - Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết: “Trung bình mỗi tháng có khoảng 9.000 người đến khám vì viêm gan, trong đó nhiều trường hợp đến viện muộn đã ở vào giai đoạn ung thư gan”.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ: Hàng ngày, Trung tâm cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân đến khám và nhập viện nhưng không biết bị nhiễm virus viêm gan B, C vì đa số có triệu chứng âm thầm, kín đáo, khi đến bệnh viện đã có biến chứng xơ gan thậm chí ung thư gan.
Báo cáo của WHO cũng đề cập đến thực tế số lượng lớn những người mắc bệnh viêm gan không được chẩn đoán và điều trị một phần do nhận thức về sức khỏe gan còn thấp và hầu hết các trường hợp chỉ tận lực chữa trị khi bệnh đã tiến triển nặng như sơ gan, ung thư gan...
WHO cho biết chỉ có 10% người bị viêm gan B mãn tính được chẩn đoán và chỉ có 22% trong số đó được điều trị, chiếm 2% tổng chi phí y tế toàn cầu. Trong khi đó, chỉ có 21% người bị viêm gan C được chẩn đoán và có 62% trường hợp được chẩn đoán được điều trị để khỏi bệnh.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại vì tình trạng người bệnh không tuân thủ điều trị khi đã được phát hiện mắc viêm gan siêu vi. PGS.TS Đỗ Duy Cường cho hay: “Mặc dù các bệnh nhân viêm gan hiện nay đều được phát hiện, quản lý và theo dõi định kỳ tại phòng khám chuyên khoa hoặc được uống thuốc theo chương trình bảo hiểm y tế nhưng một số bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc thấy đỡ nên đã tự ý bỏ thuốc dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan mất bù, ung thư gan,...”.
BS Nguyễn Quốc Phương - Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cũng cho biết: “Khi đã được chẩn đoán mắc viêm gan siêu vi mạn tính, đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ phải sống chung với virus lâu dài, đến thời điểm hiện tại, bệnh này chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nên việc quản lý, theo dõi và điều trị là hành trình kiên trì, bền bỉ. Tuy nhiên, đáng tiếc nhiều người được chẩn đoán mắc viêm gan B nhưng lại không tuân thủ điều trị”.
Một ca bệnh cụ thể, bệnh nhân N. V. K. (64 tuổi, Hà Nam) vào viện ngày 21/7 với triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, vàng da. Bệnh nhân phát hiện xơ gan - viêm gan mạn cách đây 1 năm, điều trị thuốc kháng virus tại tuyến tỉnh thấy có đỡ, tuy nhiên sau đó bệnh nhân bỏ thuốc 6 tháng nay. Theo lời kể của người nhà, 1 tuần nay bệnh nhân mệt mỏi, ăn ngủ kém, đầy bụng. Bệnh nhân đang điều trị tiểu đường nên vào Bệnh viện Nội tiết khám, xét nghiệm thấy men gan tăng cao nên được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai). Bệnh nhân được chẩn đoán viêm gan mạn, biến chứng xơ gan, suy gan... tiên lượng bệnh rất khó khăn.
Bệnh viêm gan B đã có vaccine phòng bệnh, do vậy, các bệnh nhân cần được sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Thuốc điều trị viêm gan B và C hiện nay đã được bảo hiểm y tế chi trả nên bệnh nhân không phải lo lắng nhiều về giá thành điều trị. Điều quan trọng là người dân phải nhận thức được mức độ nguy hiểm của viêm gan với sức khỏe, thực hiện theo khuyến cáo của các chuyên gia. Những người có tiền sử viêm gan virus B, C, nghiện rượu, đặc biệt bệnh nhân xơ gan do rượu, béo phì... nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát, phát hiện sớm những tổn thương bất thường trong gan.