Ngày 11/9, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) diễn ra hội thảo khoa học quốc tế "Khoa học vì hòa bình" với chủ đề "An ninh và mất an ninh nguồn nước: Tái thiết sự chung sống hòa bình với khoa học".
Hội thảo do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức nhằm cung cấp một diễn đàn học thuật để thực hiện hóa tầm nhìn về sự thống nhất các vấn đề quốc tế thông qua khoa học, hướng đến chung sống hòa bình.
Diễn ra từ ngày 11 đến 13/9, hội thảo quy từ hơn 60 nhà khoa học và các nghị sĩ trẻ đại diện 18 quốc gia trên thế giới tham dự. Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả quốc tế như ông Martin Chungong - Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới, ông Mokhtar Omar - cố vấn cấp cao của tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới…
Hội thảo tập hợp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và các nghị sĩ trẻ từ Việt Nam, châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi, các vùng khác trên thế giới để chia sẻ kiến thức, trình bày kết quả nghiên cứu, thảo luận về các vấn đề liên quan đến an ninh và mất an ninh nguồn nước.
Tại buổi khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Việt Nam đang đứng trước một số thách thức lớn về an ninh nguồn nước. Ông chỉ ra 6 thách thức, trong đó nêu vấn đề thiếu nước do lượng phân bố không đều, hệ thống trữ nước, điều tiết, phân phối nước phát huy hiệu quả chưa cao và nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng. Ngoài ra, theo ông Hải, nguồn nước phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế ảnh hưởng lớn đến tính chủ động trong tích trữ, điều tiết nước cho các ngành kinh tế.
Những thách thức nêu trên đang đặt ra bài toán cho Việt Nam về an ninh nguồn nước và cũng là thách thức mà nhiều quốc gia đang gặp phải. Do vậy, cần phải có sự chung tay của nhiều quốc gia trong phạm vi khu vực và cả trên toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề này.
Trong khi đó, GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam cho biết, Việt Nam đã tham gia đề xuất đề án lấy năm 2022-2023 là Năm quốc tế khoa học cơ bản để phục vụ phát triển bền vững và được Liên hiệp quốc công bố ngày 2/12/2021.
"Đây là tầm nhìn và con đường tương lai để có sự phát triển bền vững cho Trái đất xanh của chúng ta, một con đường mà Liên minh Nghị viện thế giới và Trung tâm ICISE sẽ cùng nhau đồng hành, tiến tới" - GS Vân phát biểu.
Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, hội thảo này là sự kiện đầu tiên đánh dấu cho Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Liên minh Nghị viện thế giới với Trung tâm ICISE chính thức được hiện thực hóa. Đồng thời, đây cũng là hội thảo có ý nghĩa quan trọng và chất lượng cao về mặt học thuật trong bối cảnh "hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển" đang đối mặt với những thách thức lớn.
"Tại sự kiện này, các vấn đề liên quan đến an ninh và mất an ninh nguồn nước dựa trên các hướng giải quyết từ khoa học để xây dựng hòa bình sẽ được đề cập, phân tích, làm rõ. Sự kiện này cũng góp phần củng cố mối quan hệ giữa cộng đồng khoa học và cộng đồng liên minh các nghị viện nhằm ủng hộ khoa học và hòa bình thế giới" - ông Dũng bày tỏ.
Hội thảo có 9 phiên thảo luận với các chuyên đề chuyên sâu như: Khoa học và chính trị; Các chương trình quan sát Trái đất để giám sát nguồn nước; Thực hành lập pháp điển hình; Ngoại giao đa phương, trong khu vực và song phương về nguồn nước cho các hợp tác xuyên biên giới; Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người đối với an ninh nguồn nước và hòa bình; Đổi mới công nghệ xử lý nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; Thúc đẩy an ninh nguồn nước thông qua khoa học cộng đồng; Mạng lưới Liên minh Nghị viện về nguồn nước; Ngoại giao khoa học và Khoa học dự đoán.