Chương trình “Hành khúc học sinh Thủ đô” lần đầu tiên được ngành GDĐT Thủ đô tổ chức thu hút sự tham gia của gần 3.000 người, đại diện học sinh, giáo viên các trường học ở 30 quận, huyện, thị xã, một số trường quốc tế.
Sáng 10/11, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội tổ chức chương trình “Hành khúc học sinh Thủ đô”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GDĐT Hà Nội (1954-2024).
Chương trình “Hành khúc học sinh Thủ đô” diễn ra tại khu vực vườn hoa Đền Bà Kiệu, lòng đường phố Lê Thạch, phố Đinh Tiên Hoàng, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Dự chương trình có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh H1, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
Phát biểu khai mạc chương trình, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh, đây là hoạt động hưởng ứng Lễ hội thiết kế sáng tạo của thành phố và thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh.
Chương trình “Hành khúc học sinh Thủ đô” lần đầu tiên được ngành GDĐT Thủ đô tổ chức thu hút gần 3.000 người, đại diện học sinh, giáo viên các trường học ở 30 quận, huyện, thị xã, một số trường quốc tế, với sự tham gia của Đoàn nghi lễ Quân đội - Bộ Tổng Tham mưu, Đoàn nghi lễ Công an nhân dân, học sinh các dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia, học sinh các nước trên thế giới đang học tập tại Hà Nội, các nghệ sỹ, diễn viên của Thủ đô...
Đây là những đóa hoa muôn sắc màu chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Những điệu kèn, điệu múa, nhịp trống, những lời ca, tiếng hát... của học sinh Thủ đô đã mang đến chương trình những tiết mục hấp dẫn, được dàn dựng công phu với sắc màu đa dạng, có chất lượng nghệ thuật cao.
Mỗi tiết mục biểu diễn đều gửi gắm tình yêu, lòng tự hào của các em về quê hương, đất nước tươi đẹp, thể hiện năng khiếu nghệ thuật được bồi đắp từ mái trường thân yêu - nơi các em học tập, rèn luyện hàng ngày.
Màn diễu hành “Hành khúc học sinh Thủ đô” là dịp tái hiện lại chặng đường phát triển của ngành GDĐT Thủ đô, đồng thời tôn vinh những nỗ lực, cống hiến của các thế hệ nhà giáo, học sinh trong 70 năm qua.
Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi được có mặt tại sự kiện và chia sẻ, năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 25 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO công nhận là thành phố vì hòa bình, đồng thời là thời điểm thành lập Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.
“Tôi đặc biệt vui mừng khi biết rằng Sở GDĐT Hà Nội đã triển khai bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc cho các trường, từ bậc mầm non đến trung học phổ thông trong năm học này. Đây thực sự là một bước tiến quan trọng và đầy hứng khởi nhằm tạo ra môi trường học tập tích cực và toàn diện hơn cho học sinh Hà Nội. Sáng kiến này hoàn toàn phù hợp với Khung toàn cầu về Trường học hạnh phúc của UNESCO và sự hợp tác của chúng tôi với Việt Nam trong việc thúc đẩy giáo dục toàn diện, công bằng và chất lượng, nhằm đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 4".
Ông Jonathan Wallace Baker cũng bày tỏ vui mừng khi UBND thành phố Hà Nội quan tâm đến việc trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố Học tập toàn cầu - một mạng lưới năng động, mang tính định hướng chính sách, được thành lập để cung cấp nguồn cảm hứng, bí quyết và các mô hình thực tiễn tốt nhất cho các thành phố học tập.
"Chương trình “Hành khúc học sinh Thủ đô” là một hoạt động hưởng ứng Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, đánh dấu 5 năm kể từ khi Hà Nội trở thành thành viên đầu tiên của Việt Nam trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Khi các em học sinh diễu hành hôm nay giữa lòng Hà Nội thanh bình, tôi hy vọng các em sẽ cảm thấy tự hào và trân trọng di sản của tổ tiên cũng như những đồng bào của mình, từ mọi lứa tuổi và hoàn cảnh khác nhau. Các em hãy ngẩng cao đầu, chia sẻ những câu chuyện và thành tựu của mình với bạn bè quốc tế về hòa bình, tinh thần công dân toàn cầu, sự sáng tạo và, tất nhiên, cả về giáo dục nữa”, ông Jonathan Wallace Baker bày tỏ.