Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết: “Chiến dịch” cấp căn cước công dân có gắn chíp trên toàn địa bàn thành phố đang được thực hiện khẩn trương, bài bản.
Theo Đại tá Nguyễn Hồng Ky, đến nay, toàn bộ lực lượng Công an Thủ đô đã triển khai làm thủ tục hồ sơ cấp căn cước công dân cho khoảng 3 triệu người dân trên địa bàn thành phố. Theo kế hoạch, đến tháng 6/2021, Công an thành phố Hà Nội sẽ cấp 6,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp cho người dân.
Để thực hiện thắng lợi “chiến dịch” cấp căn cước công dân, Công an thành phố Hà Nội đang tận dụng và huy động tối đa nhân lực, công suất của máy móc, dây chuyền hiện đại để thực hiện nhiệm vụ này. Đặc biệt, Công an thành phố cùng Công an các quận, huyện, thị xã đã có nhiều cách làm mới để đẩy nhanh tiến độ cấp căn cước công dân trên toàn địa bàn, cũng như giảm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Hồng Ky, trong suốt quá trình triển khai “chiến dịch” cấp căn cước công dân (từ ngày 1/1/2021 đến nay), kết thúc mỗi ngày làm việc, các đơn vị đều khẩn trương gửi dữ liệu thu được về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội) để tập hợp thông tin làm thẻ căn cước công dân gắn chíp kịp thời cho công dân.
Đặc biệt, liên quan đến thông tin trên mạng xã hội về việc có thể làm căn cước công dân “số đẹp”, Đại tá Nguyễn Hồng Ky khẳng định, trong dãy 12 chữ số trên căn cước chính là mã số định danh của công dân, 6 số cuối cùng được hệ thống lựa chọn ngẫu nhiên, bởi vậy tuyệt đối không có chuyện chọn “số đẹp”.
Ngoài ra, theo Đại tá Nguyễn Hồng Ky, phần mềm làm căn cước công dân do Bộ Công an triển khai có tính bảo mật cao, số thứ tự căn cước công dân theo trình tự nên không có việc can thiệp hay tác động làm thay đổi. Ngoài ra, số thứ tự trên căn cước công dân đã được định dạng sẵn trong phần mềm, theo thứ tự. Do vậy, người dân không nên tin vào những thông tin không chính thống.
Cơ quan công an đang điều tra làm rõ những thông tin trên mạng xã hội đăng tải về việc có thể làm căn cước công dân “số đẹp”, để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, tính đến nay công an 63 tỉnh, thành đã thu thập được hơn 15 triệu hồ sơ căn cước công dân.
Tiêu biểu một số địa phương đã thực hiện tốt, vượt chỉ tiêu như Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Đăk Nông, Bình Phước, Bắc Kạn,… Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai 2 dự án vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định.
Đặc biệt đối với các tỉnh có nhiều địa bàn xã, thị trấn là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa không có sóng điện thoại, ảnh hưởng đến việc trao đổi, xác minh, truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Một số bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số không hiểu tiếng phổ thông, gây khó khăn cho việc thực hiện các thủ tục cấp căn cước công dân. Hơn nữa, hạ tầng đường truyền thuộc 2 dự án tại một vài địa phương còn bất cập, chưa đảm bảo cho việc kết nối thông tin truyền dẫn từ Trung ương đến Công an cấp xã.