Dự án cấp nước sạch cho các xã ven biển của huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) đã được thực hiện, nhưng vẫn còn gần 4.000 hộ dân tương đương gần 50% dân số ở đây thiếu nước sạch.
Các hộ dân trang bị lu để trữ nước ngọt.
Thực hư chuyện cấp nước “bên trọng, bên khinh”
Mặc dù mùa khô đã phần nào giảm nhiệt khi thời gian gần đây xuất hiện nhiều cơn mưa, nhưng khoảng 200 hộ dân thuộc 4 ấp ven biển của xã Nam Thái A luôn trong tình trạng thiếu nước ngọt. Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Hạnh, ngụ tại ấp Bảy Biển, xã Nam Thái A cho biết: Thời gian qua tình trạng xâm nhập mặn diễn ra phức tạp các hộ dân nằm trong tuyến đê biển này luôn thiếu nước ngọt để dùng. Bà con phải mua, đổi nước ngọt từ các ghe thuyền chở đến. Nhưng từ khi dự án xây dựng xong cống ngăn mặn trên đê biển thì khu vực này giao thông đường thuỷ bị cắt, khiến cho ghe thuyền không chở nước ngọt vào được, chúng tôi đành phải dùng nước sông.
Người dân ở 4 ấp, Bảy Biển, Xẻo Đôi, Xẻo Quao A, Xẻo Vẹt nằm ở phía ngoài đê quốc phòng, giáp với biển nên thời gian qua vẫn phải chịu cảnh “3 không” (không đường, không điện và không nước sạch). Điều khiến gần 200 hộ dân ở 4 ấp này bức xúc là chỉ cách đầu nối cuối của đường ống Dự án cấp nước khoảng 500m, nhưng họ vẫn không tiếp cận được với nước sạch. Ở khu vực này người dân đều phải tự khoan cây nước với chi phí đắt đỏ nhưng chất lượng nước không đảm bảo sử dụng trong sinh hoạt vì phèn chua.
Bà Nguyễn Thị Tủ ở ấp Xẻo Đôi cho biết: Nước cây nước khoan ở đây không nấu ăn được. Trước đây chưa làm ống cống ngăn mặn, giao thông thuỷ thông nối nhau, từ khi làm cống ngăn mặn là giao thuỷ bị chia cắt, mà ở đây chỉ đi lại bằng giao thông thuỷ, nên đâu có ai đi đổi nước nữa, đành phải đi mua nước suối bình để xài, cứ 2 đến 3 ngày là hết 1 bình nên các hộ dân ở đây mong có nước ngọt dữ lắm, chứ xài nước cây cực lắm mà không đảm bảo sức khoẻ…
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tiến- Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thái A, huyện An Biên cho biết: Nam Thái A là xã xa nhất và khó khăn nhất của huyện An Biên, cũng là một trong 12 xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của tỉnh Kiên Giang. Hiện nay Dự án cung cấp nước sạch mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của các hộ dân trong xã, vẫn còn gần 1.200 hộ đang cần nước sạch do phân bố dân cư không đồng đều hầu hết những hộ dân nằm ở xa và rải rác nên dự án chưa thể kéo tới các hộ dân này. Chúng tôi cũng đã đề nghị lên trên sớm có hình thức nào đó cấp nước cho các hộ dân này...
Không để người dân thiếu nước sạch
Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án cung cấp nước sạch cho người dân có vốn đầu tư 147 tỷ đồng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới, trong đó tỉnh đối ứng 19%. Dự án đã đi vào hoạt động từ năm 2018, và đảm bảo cung cấp sạch cho hơn 5.000 hộ dân thuộc 5 xã ven biển của huyện An Biên, gồm Tây Yên, Nam Yên, Tây Yên A, Nam Thái và Nam Thái A. 5 địa bàn này có tổng số dân khoảng 10.000 hộ, trong khi dự án chỉ mới đảm bảo cấp nước cho 5.000 hộ, tương đương với 50% số dân, số còn lại cho rằng họ cũng có nhu cầu và cần được cấp nước sạch.
Có mặt tại Trạm cấp nước khu vực 4 liên xã huyện An Biên đặt tại xã Nam Yên, hiện công suất của nhà máy luôn đảm bảo hơn 2.800m3 nước/ngày, gần đạt công suất thiết kế 2.900m3/ngày để phục vụ nước sạch cho hơn 5.000 hộ dân. Tuy nhiên, do nguồn vốn thực hiện Dự án có hạn, nên còn 50% số dân còn lại của các xã được hưởng lợi từ dự án vẫn chưa có nước sạch để dùng khiến cho nhiều người bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Bình- Giám đốc Trung tâm nước sạch tỉnh Kiên Giang cho biết: Trong số gần 4.000 hộ dân đang cần nước sạch, đa phần dân cư ở xa các trục đường giao thông, lộ nông thôn khó triển khai đường ống nên không được đưa vào dự án ban đầu. Tuy nhiên vẫn có một số hộ dân, khi triển khai dự án đã từ chối vì họ đã đầu tư cây nước trước đó. Nhưng sau đó khi dự án cấp nước đi vào hoạt động thấy hiệu quả những hộ dân này lại xin được đấu nối. Bên cạnh đó, hiện có khoảng 270 hộ dân đã lắp đồng hồ nước nhưng không sử dụng nước nên Trung tâm nước sạch phải thu hồi để lắp cho các hộ khác...
Ông Bình cho biết thêm, tỉnh đã tính toán biện pháp trước mắt, vừa lo nước sạch cho dân vừa ứng phó với hạn mặn. Tỉnh yêu cầu Trung tâm dành nguồn vốn tự có mua bồn, lu chứa nước cung cấp cho các hộ dân ở xa để người dân có dụng cụ chứa nước sạch dùng. Trung tâm đang yêu cầu các huyện báo cáo về tình trạng cũng như nhu cầu của người dân để có biện pháp cấp nước theo hộ gia đình. Sau đó Trung tâm sẽ tập hợp trình UBND tỉnh thành lập một đề án cấp nước theo hộ gia đình theo quy mô nhỏ lẻ, đảm bảo người dân có nước sạch để dùng…