Gắn kết cộng đồng, hướng về Đất Mẹ

M.Loan 31/01/2016 10:00

Sáng 30/1, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao- Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (VNVNONN) đã tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm hoạt động hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài".

Gắn kết cộng đồng, hướng về Đất Mẹ

Ông Vũ Hồng Nam- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
phát biểu khai mạc Hội thảo.

Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình Xuân Quê hương 2016-Linh thiêng Hà Nội. Dự chương trình có 65 lãnh đạo các hội đoàn và các cá nhân tiêu biểu về từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện các Bộ, ngành, MTTQ Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban VNVNONN cho biết, để tạo điều kiện cho các đại biểu ngoài nước và trong nước cùng nhau trao đổi về tình hình và công tác hội đoàn hiện nay, Ủy ban VNVNONN tổ chức hội thảo giúp cho các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức hoạt động, sinh hoạt cộng đồng; kiến nghị các chính sách và biện pháp để duy trì, phát huy các hoạt động, sinh hoạt nhằm gắn kết cộng đồng, thu hút được nhiều lớp trẻ tham gia, giữ gìn bản sắc văn hóa, tiếng Việt, xây dựng cộng đồng đoàn kết cùng hướng về quê hương đất nước.

Theo thống kê của Ủy ban VNVNONN hiện có gần 4,5 triệu kiều bào sinh sống, học tập tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Cùng với quá trình hình thành và phát triển cộng đồng, các tổ chức hội đoàn của bà con kiều bào được hình thành từ rất sớm, đến nay đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, địa bàn với nhiều hình thức, nội dung hoạt động phong phú.

Nhiều hội đoàn được hình thành đương nhiên đòi hỏi công tác tập hợp, triển khai tổ chức hoạt động phải bám sát đời sống của bà con mới giúp bà con gắn bó với với hội đoàn và từ đó hướng về quê cha Đất Tổ.

Trở về từ Pháp, ông Trần Bằng (Hội Người Việt Nam tại Pháp) cho rằng, kiều bào ở Pháp ai cũng hướng về cội nguồn, dành sự quan tâm cho quê hương đất nước dù cách xa về mặt địa lý.

“Chính đây là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết bền vững rộng khắp trong cộng đồng. Trong đó, ai cũng có nhu cầu và ý nguyện gìn giữ bản sắc dân tộc trong gia đình, người thân và trong cộng đồng”- ông Bằng chia sẻ.

Về từ một quốc gia châu Phi, Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Angola Phạm Văn Đức cho biết, cộng đồng tại Angola hiện có khoảng 25.000 - 30.000 người. Cộng đồng có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất chính là cộng đồng sinh sống tản mát tại nhiều tỉnh thành, giao thông đi lại khó khăn; rồi nhiều người không có giấy tờ hợp pháp- chính vì thế công tác hội đoàn cũng gặp khó khăn.

Để khắc phục, Hội đã tổ chức thêm nhiều chi hội; sử dụng mạng xã hội (facebook) của “Cộng đồng người Việt tại Angola” và sử dụng Bản tin tuần của ĐSQ để phổ biến cho hội viên các thông tin ngắn gọn về xã hội, kinh tế ở trong nước, cảnh bảo về dịch bệnh và an ninh cộng đồng.

Trở về từ một quốc gia mà cộng đồng còn gặp khó khăn, ông Nguyễn Huy Mão, Chủ tịch Tỉnh hội người Việt Nam tại Battambang, Ủy viên BCH Tổng hội người Việt Nam tại Campuchia cho biết: Đối với bà con kiều bào sống biệt lập tại Biển Hồ, ven đô, ven chợ chưa xây dựng được nếp sống mới nên còn chưa thật sự gắn kết.

Nhưng với ông Mão, một trong những điều mà bà con quan tâm chính là tổ chức các lớp học tiếng Việt cho con em kiều bào.

Bởi, với kiều bào ở Campuchia thì đây là việc rất quan trọng, cấp bách. Nó giúp duy trì bản sắc văn hóa Việt Nam mà còn góp phần nâng cao vị thế của cộng đồng Việt tại nước bạn, giúp bà con hòa nhập tốt hơn, có điều kiện phát triển tri thức, cải thiện đời sống.

Còn nhiều, rất nhiều những ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo các hội đoàn về các hoạt động hội đoàn. Nhưng tựu trung lại, bà còn mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ trong nước về mặt kinh tế với một số địa bàn mà bà con có nhiều khó khăn; hỗ trợ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cộng đồng; hỗ trợ để doanh nghiệp kiều bào có thể tham gia vào các dự án đầu tư về trong nước…

Các ý kiến đã được ghi nhận và sẽ được nghiên cứu để áp dụng, giúp cho công tác cộng đồng phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gắn kết cộng đồng, hướng về Đất Mẹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO