Ở nước ta, nghệ thuật công cộng (NTCC) được tạo ra với mục đích làm đẹp không gian sống, cũng như tuyên truyền văn hóa đến với du khách trong và ngoài nước. Nhưng để đạt được mục tiêu này, NTCC trước tiên phải đáp ứng được vẻ đẹp, công năng phục vụ mới tạo được những trải nghiệm cho người tham quan.
Nắm bắt được tâm lý nhu cầu khách tham quan du lịch thưởng thức nghệ thuật, trong những năm qua việc quy hoạch tạo ra môi trường nghệ thuật hấp dẫn đang được nhiều địa phương triển khai. Có thể kể đến tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, một điểm nhấn quan trọng trong hệ thống các điểm tham quan du lịch Điện Biên, từ khi được xây dựng đến nay đã thu hút nhiều khách tham quan du lịch trong và ngoài nước về thăm chiến trường xưa.
Theo thống kê của Sở Du lịch Điện Biên, lượng khách du lịch tiếp tục tăng lên trong những năm qua. Ở đó với hệ thống không gian kết lối đã tạo lên điểm hấp dẫn, đồi A1, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên, trận địa pháo, hầm Đờ Cát, các trận địa trên các đồi Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, Cầu Mường Thanh... sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng tạo lên chuỗi liên kết độc đáo cho cảnh quan du lịch Điện Biên.
Hay như phố bích họa Phùng Hưng (Hà Nội) từ một đoạn phố gần như bị lãng quên bởi trước đây thường dùng để trông xe và tập kết phế liệu, phế thải khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm nặng nề, dự án NTCC với những bức tranh lấp đầy các ô rỗng dưới gầm cầu đã làm hồi sinh trở lại đoạn phố này.
Gần đây nhất là Cầu Vàng ở Đà Nẵng cũng tạo thành điểm đến hấp dẫn bởi sự kết hợp độc đáo giữa điêu khắc bàn tay và cây cầu trong không gian mây núi nên thơ…
Tuy nhiên, không phải NTCC nào cũng đạt được hiệu quả, đặc biệt là trong việc gắn kết với du lịch. Phong trào vẽ tranh tường ở Hà Nội đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đang khiến nhiều người lo ngại về cái gọi là thảm họa về thị giác cho cộng đồng.
Lo ngại này là có lý khi bên cạnh những bức tranh đẹp, làm sinh động cả một con đường, tuyến phố, mang đến những cảm hứng mới cho vùng quê... thì lại có những bức vẽ kém về nhiều mặt, từ tạo hình đến chất liệu khiến cho những bức tường không đẹp hơn mà còn trở nên nhem nhuốc làm hỏng cả không gian chung, gây ức chế cho cộng đồng.
Điều này cho thấy khái niệm NTCC hiện nay còn dễ dãi, thậm chí thiếu những tiêu chí cần thiết cho các tác phẩm được phép xuất hiện ở những khu vực công cộng.
Bên cạnh đó cũng có không ít những tác phẩm đẹp trở thành không đẹp bởi ý thức của người dân. Nghệ sĩ điêu khắc Mai Thu Vân thậm chí đã bật khóc khi nhắc tới “số phận” của tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của chị mang tên Tháp trưng bày ở khu vực Hồ Gươm vào tháng 10/2020.
Chỉ sau khi được giới thiệu đến công chúng ít ngày, tác phẩm đã bị một số người vô ý thức biến thành... nhà vệ sinh. Hành động này không chỉ làm tổn thương người nghệ sĩ, mà còn khiến cộng đồng hết sức phẫn nộ.
Là người tham gia nhiều dự án nghệ thuật công cộng, trong đó có dự án Phố bích họa Phùng Hưng, họa sĩ Thế Sơn cho rằng sẽ vô cùng khó cho nghệ sĩ nếu như chúng ta không đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể cho tác phẩm NTCC mà chỉ xét duyệt dựa trên cảm tính như hiện nay.
Còn nhà điêu khắc Mai Thu Vân thì cho rằng khi thực hiện một tác phẩm nghệ thuật công cộng, tác giả cần phải được đối xử như những nghệ sĩ và tác phẩm phải được trân trọng. Chúng tôi muốn mọi người nhìn nhận rằng cái chúng tôi thực hiện là tác phẩm nghệ thuật, đừng gọi nó là mô hình rồi bảo tôi phải thống kê làm bằng bao nhiêu cân sắt, bao nhiêu cân đinh...
Như thế là không công bằng với người nghệ sĩ. Còn họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định, một công trình, dự án phục vụ cộng đồng không thể tùy tiện tiến hành bởi sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như lãng phí tiền của, công sức, làm mất thẩm mỹ cảnh quan chung... Điều này ảnh hưởng tới nhiều người bởi phạm vi tác động của nghệ thuật công cộng không chỉ thu gọn ở một số ít cá nhân mà là cả cộng đồng dân cư.
Để giải bài toán “gắn kết” NTCC với du lịch, NTK Hoàng Hải Ly bày tỏ, Việt Nam có đầy đủ các điều kiện thuận lợi để áp dụng các phương pháp hiệu quả như thế giới đã và đang làm. Theo tôi, vấn đề của chúng ta nằm ở hai yếu tố. Một là, tầm nhìn để xây dựng chiến lược thật cụ thể, chi tiết, hai là tận dụng nguồn lực. Chúng ta có nền nghệ thuật đặc sắc, truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chúng ta có nền văn hoá tinh hoa bản địa. Chúng ta đã và đang luôn là điểm đến du lịch hấp dẫn với thế giới, kích thích thế giới khám phá và trải nghiệm. Khi tất cả cùng nhìn về một hướng, có tầm nhìn chung, xa và tất cả vì cái chung, đồng thời biết tận dụng tốt nguồn lực, chúng ta chắc chắn sẽ trở thành một trong những quốc gia hấp dẫn hàng đầu về du lịch.