Hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi và được dự báo sẽ “bung hàng” trà trộn dịp Tết Nguyên đán. Nỗi lo mua phải hàng giả, kém chất lượng tăng dần, ám ảnh người tiêu dùng.
Kiểm tra chất lượng, nguồn gốc hàng hóa.
Hàng hiệu giá bèo
Ông Vũ Vinh Phú- nguyên Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nói, ở Hà Nội với số lượng cán bộ quản lý thị trường ít ỏi như hiện nay thì ước tính sau... 7 năm họ mới quay lại một bà tiểu thương để kiểm tra một lần. Tức là trong quãng thời gian 6 năm bà tiểu thương làm gì không ai biết. Thế nên, cách kiểm tra quản lý chất lượng hàng cũng như giá hàng là câu chuyện “bắt cóc bỏ đĩa”. Đấy là chưa nói đến một bộ phận trong đội ngũ kiểm tra tha hóa, bảo kê cho các cơ sở này. Người tiêu dùng hiện nay như đang lạc trong ma trận tiêu dùng, không biết đâu hàng nội, hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan, hàng rởm…
Theo ông Phú, kẽ hở này khiến cho hàng giả, hàng kém chất lượng bị trà trộn cùng với hàng chất lượng. Quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại.
Không quá khó để thấy rằng, hàng giả, hàng kém chất lượng luôn nóng ở các mặt hàng liên quan đến hàng mỹ phẩm, hàng gia dụng và ngay ở cả mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như bánh kẹo, rau củ quả… Vấn đề giả mạo, đội lốt hàng chất lượng xảy ra rất nhiều trong thời gian qua và các chợ truyền thống, chợ lẻ được coi là nơi phân phối.
Những ngày này, chợ trung tâm như Đồng Xuân (Hà Nội) hàng hóa ê hề, người bán người mua tấp nập. Đi qua các kiot bán hàng ở tầng một như mũ nón, giày dép nhan hản hàng gắn với các thương hiệu lớn. Nhưng lại bán với giá rất thấp, vì đó là hàng nhái, kém chất lượng. Rồi là những quầy hàng bánh kẹo, mứt Tết, không nhãn mác, không xuất xứ, không hạn sử dụng công khai buôn bán. Một chủ kiot bán đồ khô ở chợ Đồng Xuân nói, “sướng nhất là bán hàng dịp Tết. Đóng hàng cho khách mua buôn toàn tính bằng yến, bằng tải”. Những bao tải hàng như vậy được đưa về các vùng lân cận, khu vực nông thôn.
Không chỉ tại các chợ lớn, mà tại chợ lẻ ở khu vực dân cư, hàng giả, hàng kém chất lượng cũng tập trung một lượng rất lớn. Tại chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội) nơi này hầu như thiếu vắng hàng chất lượng, thế chân vào đó đương nhiên là hàng kém chất lượng, giá “hợp với túi tiền người tiêu dùng”.
Sản phẩm các thương hiệu nội địa hay quốc tế như túi xách LV, mỹ phẩm Channel, thắt lưng Herme, rồi thực phẩm chức năng thương hiệu Hàn Quốc, Nhật Bản... đều có mặt, đồng nghĩa với việc làm nhái. Có mặt hàng nếu đúng chính hãng, thì phải có giá trên dưới 10 triệu đồng, nhưng ở đây chỉ dừng lại ở con số vài trăm. Hàng hóa mang danh các thương hiệu lẫy lừng nhưng lại được bán đổ đống, còn việc trưng bày trong tủ kính chỉ là để khách hàng dễ xem.
Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, tính đến đầu tháng 12/2015, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý gần 200.000 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Số tiền xử lý vi phạm thu nộp ngân sách gần 12.100 tỷ đồng (từ xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và thanh, kiểm tra, truy thu thuế), tăng khoảng 10% so với cùng kỳ 2014. Trong đó, có gần 1.300 vụ việc đã phải khởi tố vụ án hình sự.
Ma trận hàng thật-giả.
Nỗi lo của người tiêu dùng
Theo chị Nguyễn Phương Anh (Linh Đàm, Hà Nội), đi mua hàng thì chỉ biết tin vào người bán hàng, còn thực hư chất lượng và nguồn gốc rất khó đoán.
Chị Phương Anh kể, chị hay mua thực phẩm chức năng như viên uống nhau thai cừu để sử dụng. Trước có người quen ở Úc mang về, bán với giá 800.000 đồng/ hộp 100 viên hàm lượng 1500mg. Nhưng tại Việt Nam, có nơi rao bán 1.200.000 đồng/ hộp, có nơi giá thấp hơn 680.000 đồng/hộp. “ Chẳng biết hàng nào hàng xịn, hàng nào rởm, nhưng mê hồn trận về giá, cũng có nghĩa là mệ hồn trận về chất lượng”- theo chị Phương Anh.
Phần lớn người dân khi được hỏi về độ an tâm khi mua hàng hóa cũng thẳng thắn nói: Không tin nhưng không còn lựa chọn nào khác. Bỏ tiền ra mua hàng, rất muốn mua hàng chất lượng có nguồn gốc, có hạn sử dụng... nhưng không phải cứ muốn là được.
Thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP Hà Nội vừa phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 15 Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ số lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc. Cụ thể khi kiểm tra Công ty TNHH thương mại điện tử Việt Hàn (địa chỉ số 8 khu tập thể Trường Cao đẳng xây dựng số 1, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội), cơ quan chức năng phát hiện 13.965 sản phẩm được cho là do nước ngoài sản xuất, nhưng không rõ xuất xứ.
Qua kiểm đếm, số sản phẩm trên bao gồm: 2.700 tuýp sữa rửa mặt Foodahilic-grean tea, 108 lọ tinh dầu hải cẩu Omega 3; 60 bộ kem dưỡng da Body Handset Babo, 4.500 gói nước sâm Gold Kid, 35 hộp Đông trùng hạ thảo viên Red Ginseeng Crodyseps, 40 bộ kem dưỡng da Collagen plus, 500 lọ kem dưỡng da Dabo Collagen plus cùng nhiều hàng hóa khác.
Câu chuyện thu giữ hàng không rõ nguồn gốc thực ra chỉ là một phần nổi của tảng băng trong câu chuyện hàng lậu, hàng gian lận thương mại được phát hiện ra. Bởi thường thì trước, trong và sau Tết Nguyên đán hàng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả rất nhiều. Tại các điểm nóng cửa khẩu ở khu vực phía Bắc và trên địa bàn cả nước hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái vẫn được giới con buôn tìm cách đưa sâu vào nội địa dù đã được kiểm soát chặt.
Chính vì thế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tiêu cực, tham nhũng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Hải quan tăng cường chỉ đạo, kiểm tra các Cục Hải quan tỉnh, thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó chú trọng xác định địa bàn trọng điểm, tuyến đường trọng điểm, đối tượng trọng điểm, mặt hàng trọng điểm để xây dựng phương án đấu tranh hiệu quả, chủ động bố trí lực lượng, phối hợp với các lực lượng chức năng trong tổ chức bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Lực lượng Hải quan tập trung kiểm tra, kiểm soát khu vực biên giới cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát hải quan.
Đây chính là thời điểm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bung ra; thì cũng phải là thời điểm tăng cường kiểm tra, kiểm soát, để làm lành mạnh thị trường.