Từ sáng sớm ngày 31/1 (tức mùng 10 tháng Giêng năm Quý Mão), đông đảo Phật tử, Nhân dân và du khách thập phương đã hành hương về Yên Tử để tham dự lễ khai Hội Xuân Yên Tử 2023. Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam,Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh tiến hành nghi thức gióng trống và thỉnh chuông khai hội. Các đại biểu cùng các Phật tử, Nhân dân và du khách tiến vào lễ đường Cung Trúc Lâm Yên Tử để tiến hành các nghi lễ tâm linh quan trọng như dâng lễ; lễ cầu Quốc thái, Dân an; lễ đóng dấu thiêng Yên Tử;... Trong thời tiết nắng xuân đẹp, đông đảo Nhân dân và du khách thập phương hoan hỷ hành hương leo núi Yên Tử. Tìm về Yên Tử để hòa mình vào chốn tâm linh để tìm lại sự bình yên, thư thái trong tâm hồn là thói quen của rất nhiều người trong mỗi dịp đầu Xuân năm mới. Nhân dân và du khách thắp hương khấn Phật tại chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử. Chùa Hoa Yên là ngôi chùa lớn, to và đẹp nhất trong Khu Di tích và Danh thắng Yên Tử. Đây là nơi đức vua Trần Nhân Tông đã xuất gia và sau đó lập ra Thiền phái riêng mà ngày nay mọi người vẫn gọi là Thiền phái Trúc Lâm. Khi đến chùa Hoa Yên đồng nghĩa với việc đã chinh phục được 2/3 chặng đường leo núi Yên Tử. Để tiết kiệm thời gian và công sức trong chuyến hành trình chinh phục đỉnh chùa Đồng, nhiều người chọn cách di chuyển bằng cáp treo kết hợp leo bộ. Chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh non thiêng Yên Tử và là một trong những di tích quan trọng nhất của quần thể Yên Tử. Mặc dù đã có cáp treo nhưng quãng đường đi bộ để lên tới chùa Đồng tương đối dài và cheo leo, với nhiều bậc đá gập ghềnh xuyên qua bạt ngàn rừng tùng, rừng trúc. Ngôi chùa này tọa lạc trên đỉnh cao nhất dãy Yên Tử, ở độ cao 1.068 mét so với mặt nước biển. Hầu hết người dân và du khách khi đến với Yên Tử đều cố gắng leo lên đỉnh non thiêng để tới chùa Đồng thắp hương lễ Phật để chứng tỏ lòng thành. Cụ Nguyễn Thị Hưởng (75 tuổi) đến từ Thanh Oai, Hà Nội chia sẻ, mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ đã đi Yên Tử và lên được đến chùa Đồng 4 lần và cảm thấy rất hoan hỷ, hạnh phúc. Người người dâng lễ Phật tại chùa Đồng để cầu bình an, may mắn cho bản thân và gia đình trong dịp đầu Xuân năm mới. Nhiều người tin rằng việc chạm tay vào chùa Đồng có thể mang lại sự may mắn và nhiều điều tốt lành. Xung quanh chùa Đồng thiên nhiên bao la hùng vĩ, bao phủ bởi mây trắng, sương mù. Trả lời PV Báo Đại Đoàn Kết Online, đại diện Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cho biết: Trong ngày đầu khai hội, có khoảng 1 vạn người hành hương về Yên Tử. Số lượng khách đến Yên Tử vào những ngày cuối tuần có thể tăng cao hơn rất nhiều so với ngày khai hội ở đầu tuần. Theo dự kiến, Yên Tử sẽ đón hơn 1 triệu người dân, du khách trong suốt 3 tháng diễn ra Hội Xuân.