Bất chấp nỗ lực của chính quyền, những khu rừng ở Canada tiếp tục bốc cháy. Canada đã chính thức công bố chiến lược quốc gia đầu tiên về thích ứng khí hậu khi mà 7,8 triệu ha rừng đã bốc cháy kể từ đầu năm tới nay. Bộ trưởng Môi trường Steven Guilbeault cho biết, chiến lược này nhằm làm cho đất nước chống chịu tốt hơn khi mà dự báo đến năm 2030, thiệt hại trung bình hằng năm do thiên tai ở Canada sẽ tăng lên 15,4 tỷ CAD (khoảng 274.314 tỷ đồng).
Trong khi đó, truyền thông Mỹ đưa tin hơn 80 triệu người từ vùng Trung Tây cho đến Bờ Đông của nước này đã được cảnh báo về chất lượng không khí tồi tệ do khói từ cháy rừng ở nước láng giềng Canada bay sang.
Cũng tại châu Mỹ, Bộ Y tế Mexico cho biết hơn 1.000 trường hợp khẩn cấp liên quan nắng nóng đã được ghi nhận chỉ trong tháng 6, trong đó có 104 trường hợp tử vong; cảnh báo tuần đầu tháng 7 tiếp tục một đợt nắng nóng dữ dội mới. Nhiệt độ tối đa là 49 độ C đã được ghi nhận ở bang Sonora phía tây bắc Mexico.
Liên hợp quốc cho rằng gần như chắc chắn giai đoạn từ năm 2023-2027 sẽ là khoảng thời gian 5 năm nóng nhất từng được ghi nhận. Còn theo cơ quan dự báo thời tiết Liên minh châu Âu (EU), mốc nhiệt độ bị cảnh báo là có thể gây ra hỗn loạn khí hậu cực kỳ nguy hiểm cho hành tinh đã bị vượt qua. Đây là lần đầu tiên nhiệt độ không khí bề mặt toàn cầu tăng 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp giữa mùa hè. Nhà khoa học khí hậu Andrew Weaver (Đại học Victoria, Australia) nói: "Tôi cảm thấy như mình đang xem một vụ đắm tàu toàn cầu trong chuyển động chậm".
Câu hỏi đặt ra là ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này? Đơn giản là những nước nào đã và đang thải nhiều khí CO2 nhất phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc làm cho Trái đất nóng lên. Cách đơn giản và thường được dùng nhất để so sánh lượng khí thải của các nước là cộng tất cả các nhiên liệu hóa thạch mà mỗi nước đã tiêu thụ (trong các nhà máy điện, nhà ở, xưởng máy, giao thông…) rồi chuyển thành khí CO2. Người ta còn quy trách nhiệm cá nhân nhân đối với sự thay đổi khí hậu (lấy tổng lượng khí thải CO2 của một nước chia cho số dân).
Tuy nhiên, dù tính cách nào đi nữa thì Trái đất vẫn đang nóng lên, cho dù các nước giàu đã cam kết chi 100 tỷ USD để hỗ trợ những nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu, đồng thời thành lập một quỹ bảo vệ đa dạng sinh thái và rừng. 100 tỷ USD rất lớn nhưng cũng chỉ như một gáo nước dùng để chữa cháy khi mà cả trăm năm qua bầu khí quyển đã bị nung nóng.