Giá gạo trên thế giới tiếp tục tăng, trong khi cường quốc xuất khẩu là Ấn Độ đang tiếp tục có những động thái hạn chế xuất khẩu mặt hàng lương thực này. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác của thị trường quốc tế đang mở ra cơ hội lớn cho gạo Việt xuất khẩu trong thời gian tới.
Giá gạo tiếp tục đi lên
Theo báo cáo Triển vọng hàng hóa toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố gần đây, giá gạo trung bình toàn cầu năm 2023 cao hơn 28% so với năm 2022 và dự kiến sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024. Lý giải điều này, WB cho biết, một phần do mối đe dọa từ El Nino cũng như phản ứng chính sách từ các nhà xuất khẩu và nhập khẩu gạo lớn trên thế giới.
Với Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, có nhiều dự báo khác nhau về sản lượng gạo của nước này sụt giảm, trong đó có dự báo giảm tới 8% so với mức kỷ lục năm ngoái - dù diện tích trồng lúa của nước này đã tăng. Điều này làm tăng khả năng Chính phủ Ấn Độ phải kéo dài chính sách hạn chế xuất khẩu gạo để ngăn lạm phát giá lương thực trước cuộc bầu cử.
Thậm chí, Ấn Độ còn đang có kế hoạch gia hạn chương trình ngũ cốc thực phẩm miễn phí thêm 5 năm để bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá ngũ cốc tăng trước cuộc tổng tuyển cử vào đầu năm tới. Việc gia hạn sẽ mang lại trợ giúp cho người tiêu dùng nhưng cũng sẽ dẫn đến chi tiêu của chính phủ cao hơn và yêu cầu New Delhi phải mua thêm lúa mì và gạo từ nông dân để duy trì chương trình phúc lợi, cung cấp ngũ cốc miễn phí cho hơn 800 triệu người.
Đối với nguồn cung từ Thái Lan, được biết, Chính phủ nước này sẽ hỗ trợ tín dụng và lãi suất cho doanh nghiệp (DN) và nông dân tạm trữ lúa gạo lại từ 1 - 5 tháng thay vì bán ngay sau khi thu hoạch. Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đánh giá nhu cầu gạo vẫn tiếp tục mạnh mẽ, đặc biệt từ thị trường Indonesia.
Còn với Philippines, trong báo cáo mới nhất về tình hình thương mại thế giới, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo nhập khẩu gạo của Philippines trong giai đoạn 2023 - 2024 là khoảng 3,8 triệu tấn. Với mức dự báo này, Philippines có thể vượt qua Trung Quốc để trở thành nước nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới.
Nhiều cơ hội cho gạo Việt xuất khẩu
Trong bối cảnh nói trên, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, sẽ tiếp tục có thêm nhiều cơ hội cho gạo Việt trong thời gian tới. Trong năm 2023 Việt Nam được dự báo sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay và là năm thắng lợi của xuất khẩu gạo của nước ta. Về triển vọng năm 2024, theo các chuyên gia phân tích, giá gạo sẽ tiếp tục ở mức cao và ở mức dưới 700 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhiều sản phẩm gạo Việt đã được người tiêu dùng nhiều nước tin tưởng lựa chọn do Việt Nam cung cấp gạo chất lượng cao và thơm nhẹ, trong khi đây là phân khúc khác biệt của Việt Nam, tức nằm trên phân khúc gạo cấp thấp, nhưng nằm dưới phân khúc gạo thơm Hom Mali của Thái Lan nên có khả năng cạnh tranh rất tốt, nhất là về giá bán.
Dù đứng trước nhiều cơ hội, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, gạo Việt vẫn còn nhiều thách thức về mặt chất lượng, trong đó nhiều hộ nông dân sản xuất lúa gạo theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa tập trung được thành mô hình hợp tác xã. Tại nhiều vùng sản xuất lúa trọng điểm, người nông dân vẫn chưa tiếp cận được giống chất lượng cao, canh tác thiếu tính liên kết trong chuỗi sản xuất để có thể áp dụng công nghệ đồng bộ dẫn đến năng suất lúa chưa đạt mức tối ưu.
Bên cạnh đó, trước các áp lực sâu bệnh, dịch hại gia tăng, yêu cầu năng suất nhưng phải giảm lượng nước và các yếu tố đầu vào…, việc áp dụng công nghệ mới, cơ giới hóa trong sản xuất là cần thiết. Và đây vẫn là rào cản lớn đối với nhiều hộ nông dân, khiến hiệu quả canh tác lúa không cao như kỳ vọng.
Trong khi đó, để đạt được giá trị kinh tế cao, gạo Việt phải đảm bảo được những yêu cầu chất lượng và đáp ứng bộ tiêu chuẩn khắt khe của các nước nhập khẩu.
Vì vậy để gạo Việt gia tăng năng suất, cải thiện chất lượng, gây dựng thương hiệu để có thể vững chân ở thị trường thế giới, nhất là những thị trường khó tính, ngành lúa gạo cần tập trung vào hai mũi nhọn: Một là khâu chọn giống và thứ hai là nâng cao trình độ về khoa học công nghệ cho nông dân, nhà sản xuất để từ đó nông dân có thể chủ động đưa công nghệ vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, bối cảnh hiện nay là thời cơ để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo trong điều kiện có thể, nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là thời cơ để mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là ở các thị trường mới. Song song đó là tiếp tục xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa người sản xuất, vùng trồng với các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo; giữa các thương nhân với nhau nhằm đảm bảo nguồn hàng ổn định, chất lượng và tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường, ép giá.