Xã hội

Gạo xuất khẩu: Chủ động khai thác thị trường tiềm năng

Thanh Xuân 28/04/2025 13:30

Nhiều thị trường còn nhiều tiềm năng cho gạo xuất khẩu, trong đó thị trường châu Phi được nhận định là thị trường có dư địa lớn. Tuy nhiên, đây là thị trường rộng nhưng không phải dễ thâm nhập.

Châu Phi là một thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam. Trong giai đoạn 2017 - 2021, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi có sự tăng trưởng tích cực, từ 411 triệu USD năm 2017 lên 692,6 triệu USD năm 2021.

Tuy nhiên, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi đạt 620 triệu USD (tương đương 16% trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang châu lục này), giảm 10,5% so với năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm này là do nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên ở nhiều nơi trên thế giới trước những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu đã đẩy giá gạo lên cao, khiến một số nước châu Phi phải cắt giảm nhập khẩu gạo.

tr15.png
Gạo Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường châu Phi. Ảnh: M.H

Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 cũng khiến cho nhập khẩu gạo của châu Phi sụt giảm đáng kể vì lý do nguồn cung gạo thế giới bị gián đoạn. Tuy nhiên, theo báo cáo về thị trường ngũ cốc tháng 4/2025 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nhu cầu nhập khẩu gạo ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt từ Indonesia suy giảm. Ngược lại, nhu cầu mua gạo tăng mạnh từ châu Phi, đặc biệt là các nước cận sa mạc Sahara. Do vậy, trong năm 2025 châu Phi sẽ vượt qua khu vực Đông Nam Á để trở thành những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Các mặt hàng gạo trắng giá rẻ đặc biệt từ Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan chiếm ưu thế ở thị trường châu Phi trong thời gian qua. Trong khi đó, gạo Việt Nam chỉ đứng vị trí thứ 4 tại thị trường này. Bởi vậy, đây là thị trường được đánh giá còn rất nhiều dư địa để ngành gạo xuất khẩu khai thác.

Nhận định về thị trường châu Phi, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, gạo của Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi chủ yếu là gạo trắng hạt dài 15%, 25% tấm, ngoại trừ hai nước nhập khẩu nhiều nhất gạo đồ, gạo thơm và gạo 5% tấm là Nam Phi và Nigeria.

Trong những năm gần đây, các nhà nhập khẩu ở châu Phi đang ngày càng tìm mua nhiều hơn gạo thơm Việt Nam do chất lượng ổn định và giá cả cạnh tranh. Mặc dù vậy, đối với hai thị trường tiêu thụ và nhập khẩu lớn gạo đồ và gạo thơm chất lượng trung bình và cao như Nam Phi và Nigeria, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang vẫn còn khá khiêm tốn. Vì vậy, việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao là cơ hội tốt để Việt Nam tăng một phần sản lượng xuất khẩu gạo của mình sang châu Phi.

Gạo của Việt Nam hiện được xuất khẩu sang châu Phi chủ yếu qua trung gian. Dù nhu cầu thị trường tăng, nhưng các doanh nghiệp ngại xuất sang thị trường này do sự minh bạch hóa thông tin về thị trường lúa gạo, xuất khẩu gạo còn thiếu. Bên cạnh đó, châu Phi là địa bàn xa xôi, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khâu thanh toán, vận chuyển.

Để thúc đẩy xuất khẩu gạo sang châu Phi, khai thác tốt tiềm năng từ thị trường này, giới chuyên gia khuyến cáo, các hiệp hội, doanh nghiệp cần tích cực, ưu tiên xây dựng và triển khai các chương trình xúc tiến thương mại tại châu Phi nhằm quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường này; chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, liên hệ với Bộ Công thương, các cơ quan Thương vụ để tìm kiếm đối tác, cung cấp các sản phẩm phù hợp.

Đồng thời, chủ động tìm biện pháp nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng gạo xuất khẩu, đầu tư nâng cấp công nghệ thu hoạch, bảo quản gạo sau thu hoạch. Doanh nghiệp cũng cần chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ ngoại ngữ, kiến thức chuyên sâu về ngoại thương, kinh nghiệm về hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo với mục tiêu thâm nhập lâu dài và bền vững tại thị trường châu Phi.

Việt Nam đã xuất khẩu gạo sang 54 quốc gia châu Phi, trong đó các thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất gồm: Ghana, Bờ Biển Ngà, Senegal, Mozambique, Cameroon, Tanzania, Ai Cập… Các doanh nghiệp gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long mới đây cũng xác nhận giá gạo đang tăng do nhu cầu tại thị trường châu Phi và Philippines đang cao trong khi vụ Đông Xuân đã kết thúc nên nguồn cung gạo hạn chế. Trong quý I/2025, Bờ Biển Ngà là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 143 triệu USD, tăng tới 138% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh Bờ Biển Ngà, xuất khẩu gạo sang Ghana với 106 triệu USD, tăng 105% so với cùng kỳ năm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gạo xuất khẩu: Chủ động khai thác thị trường tiềm năng