Kể từ đầu năm 2025 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liêu tục lao dốc, hiện đang ở mức “chạm đáy”. Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo năm 2025 có thể chỉ đạt khoảng 7,5 triệu tấn.
Giá gạo xuất khẩu “chạm đáy”
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá gạo xuất khẩu đang giảm từng ngày. Hiện gạo xuất khẩu đã xuống mức giá thấp nhất 9 năm qua. Cụ thể, gạo 5% tấm đang ở mức 399 USD/tấn; gạo 25% tấm 371 USD/tấn…Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện cao hơn giá gạo Việt Nam tới 34 USD/tấn, giá gạo 25% tấm cao hơn 40 USD/tấn, còn giá gạo 100% tấm cao hơn 64 USD/tấn. Tình trạng tương tự cũng diễn ra khi so sánh giá gạo Việt Nam với giá gạo xuất khẩu từ Ấn Độ và Pakistan.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm rất mạnh so với mức đỉnh 700 USD/tấn vào giữa tháng 8/2023 (mức cao nhất trong 15 năm qua kể từ năm 2008). Nếu so sánh với mức giá kỷ lục là 700 USD/tấn thì hiện nay, giá gạo Việt Nam đã giảm tới 301 USD/tấn, tương đương mức giảm 43% sau 17 tháng.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho hay, trong tháng 1/2025, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo, thu về 308 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2024, khối lượng xuất khẩu tăng nhẹ 1%, nhưng giá trị lại giảm tới 10,4% do giá xuất khẩu giảm mạnh.
Nêu nguyên nhân của tình trạng giá gạo xuất khẩu giảm, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chỉ ra rằng, chủ yếu do Ấn Độ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo sau 2 năm siết chặt. Điều này khiến nguồn cung trên thị trường quốc tế gia tăng, tạo áp lực cạnh tranh cho các nước xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam.
Ở khía cạnh khác, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thông tin, hiện nhu cầu nhập gạo của các thị trường lớn như Philippines, Indonesia đang giảm sút, khi các nước này đã tích lũy đủ dự trữ trong năm 2024 và chờ giá giảm thêm trước khi tái nhập khẩu.
Gạo chất lượng cao vẫn được ưa chuộng
Chia sẻ với báo chí, một số doanh nghiệp (DN) cho biết, giá gạo xuất khẩu hiện nay đang ở “giá đáy”, dù vậy, nhiều DN vẫn bày tỏ tin tưởng giá gạo xuất khẩu sẽ sớm hồi phục.
Để khắc phục những bất cập hiện nay, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, các DN cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường. Cụ thể, cùng với các thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, các DN cần quan tâm thêm các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines...
Nhấn mạnh, giá gạo điều tiết theo cung cầu, nhưng Hiệp hội Lương thực Việt Nam thông tin thêm rằng, gạo thơm và chất lượng cao có thị trường riêng, nên giá các loại gạo này vẫn không giảm. Nhiều DN vẫn xuất khẩu được gạo thơm, gạo đặc sản với giá 800 – 1.200 USD/tấn. Hiện nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo đặc sản ST25 với giá hơn 1.000 USD/tấn.
Mặc dù giá gạo tẻ xuất khẩu đã xuống dưới mức 400 USD/tấn trong tháng 1/2025, nhưng giá gạo xuất khẩu bình quân của tháng vẫn trên mốc 600 USD/tấn, là nhờ sức kéo của gạo thơm và gạo đặc sản.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, đối diện với nhiều áp lực ở thị trường thế giới, song nếu chú trọng vào chất lượng gạo, chúng ta vẫn có những thế mạnh riêng, nhất là khi các dòng gạo thơm, dẻo cao cấp như ST25 tiếp tục nhận được sự ưa chuộng từ các thị trường khó tính. Do đó, việc phát triển các giống lúa chất lượng cao, chịu hạn, chịu mặn và ứng phó với biến đổi khí hậu chính là giải pháp giúp duy trì sản lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lâu dài.
Đưa ra giải pháp để ngành gạo phát triển bền vững, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), ông Trần Thanh Hải nêu quan điểm, chúng ta cần có chiến lược đồng bộ trong xây dựng thương hiệu gạo. Các DN cần tập trung không chỉ vào phân khúc gạo cao cấp mà còn mở rộng sang các thị trường tiềm năng mới như Trung Đông, nơi ưa chuộng các loại gạo rời, hạt dài. Việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường là yếu tố sống còn để phát triển bền vững.
Các DN xuất khẩu gạo cũng bày tỏ kỳ vọng Bộ NNPTNT và các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp để có nguồn cung gạo chất lượng cao, đồng đều và bền vững. Khi đó, DN hoàn toàn yên tâm để đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, mở rộng thị phần phân khúc cao cấp không chỉ ở EU mà cả với Nhật Bản, Trung Quốc và Trung Đông,... Việc tập trung xuất khẩu gạo chất lượng cao không chỉ giúp khẳng định vị thế gạo Việt Nam mà còn là cơ sở để DN chủ động đàm phán về giá bán tương xứng với giá trị, giảm áp lực giá từ thị trường lương thực dự trữ.