Từ một anh thanh niên quanh năm chân lấm tay bùn, không dám mơ tới đồng lương 7 triệu đồng/tháng, anh Nguyễn Quốc Dần đã đổi đời nhờ nghề thợ mỏ, với mức thu nhập “nghìn đô” một tháng.
Miền đất lạ hóa quê hương
Những năm 2000, vùng quê thuần nông Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An của Nguyễn Quốc Dần (SN 1985) còn lạ lẫm lắm với nghề thợ mỏ. Cũng như nhiều người dân khác ở đây, từ nhỏ Nguyễn Quốc Dần chỉ thuộc nghề cấy hái. Nhà nghèo, nhưng 7 anh chị em Dần chưa ai có ý tưởng thoát ly, thay đổi cuộc sống lam lũ hiện tại.
Chuyến đi chơi của bà cô nhà ở Quang Hanh, Quảng Ninh về nhà Dần năm 2003, ai ngờ lại là định mệnh, làm thay đổi cuộc đời Dần và 2 người em trai.
“Thôi mơ mộng làm gì, mày theo cô ra Quảng Ninh học lấy nghề thợ mỏ, rồi tao xin việc cho đi làm. Lương thợ mỏ giờ cao lắm, 6-7 triệu đồng/tháng, mày ở nhà quanh năm bám ruộng, lấy đâu ra số tiền ấy!” – Những lời nói gan ruột của bà cô khiến chàng thanh niên vừa tốt nghiệp phổ thông Nguyễn Quốc Dần lóe lên khát vọng thoát nghèo.
Thời điểm năm 2003, mức lương 6-7 triệu/tháng ở vùng quê Nghi Diên là “không tưởng”. Nguyễn Quốc Dần không chút đắn đo, khăn gói theo bà cô ra vùng đất Quang Hanh (Quảng Ninh), với quyết tâm dù công việc khó khăn, vất vả đến mấy, “người ta làm được thì mình cũng làm được!”…
Tròn 20 năm sau, Nguyễn Quốc Dần giờ đã là người thợ cả của Công ty Than Dương Huy – TKV. Ngồi với anh tại văn phòng Phân xưởng Khai thác 5 sau giờ tan ca, anh không hề tỏ ra mệt mỏi, mà còn tỏ ra hào hứng khi được sống lại những ngày đầu “chập chững” bước vào đường lò.
“Sau khi tốt nghiệp khoa Khai thác hầm lò, Trường Cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm, tháng 11/2005, em vào thử việc ở Phân xưởng khai thác 6, Công ty Than Dương Huy. Em còn nhớ ngày đầu tiên thử việc, trực ca giao đi xúc hạ nền lò, chỉ tiêu giao chỉ xúc khoảng 4 m theo chiều dài, nhưng mải thế nào, em cứ xúc đến khi dừng lại đã được khoảng 20 m, mọi người ngạc nhiên cười ồ lên, bảo sao mày “trâu bò” thế” - Dần cười hiền, mắt lóe lên niềm vui người thợ.
Dần còn nhớ mức lương thử việc hồi đó đã là 7-8 triệu đồng/tháng rồi. Những tháng lương đầu tiên, anh chỉ giữ lại một phần nhỏ chi tiêu, phần lớn gửi về quê cho cha mẹ, lòng trào dâng niềm vui sướng.
Niềm vui đó nhân lên gấp bội, khi chỉ 4 năm sau, vào năm 2009, thợ lò Nguyễn Quốc Dần đã mua được mảnh đất 100 m2 ở tổ 5, khu 6, phường Quang Hanh bằng chính đồng lương thợ mỏ ở Công ty than Dương Huy. Tại mảnh đất này, năm 2011 anh đã xây nhà, lấy vợ và sinh ra 2 đứa con (1 trai, 1 gái). Mức lương của Dần ngày đó đã là hơn 20 triệu đồng/tháng. “Đủ để vợ em ở nhà trồng rau, chăn gà và chăm con ăn, học” – Dần cười nói.
Ở Công ty than Dương Huy, thợ mỏ ngoài giờ xuống lò, mặc áo cổ cồn, đi xe hơi, thu nhập khủng giờ không còn là chuyện lạ nữa. Có thể nhiều người nhận diện thợ mỏ bằng hình ảnh khuôn mặt lấm lem bụi than, quần áo bảo hộ ướt sũng mồ hôi, nhưng nếu gặp thợ mỏ như Hồ Văn Đại (Phân xưởng Đào lò 2) sau giờ tan ca, hẳn người đó sẽ thay đổi cách nhìn về thợ mỏ.
Với thu nhập của Nguyễn Quốc Dần trong những năm gần đây “Việc mua ô tô phục vụ gia đình cũng không hề khó, nhưng vợ chồng em thấy chưa thực sự cần thiết, vì những dự định trong tương lai gần”.
Năm 2019, Nguyễn Quốc Dần có thu nhập 358 triệu đồng, là 1 trong 140 thợ mỏ có thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm của Than Dương Huy. Với mức thu nhập 358 triệu đồng năm 2019, Dần được Giám đốc Công ty khen thưởng 1 chuyến du lịch dài ngày cùng người thân tại thành phố Nha Trang. Năm 2020, Dần tiếp tục đạt mức thu nhập khủng: 443 triệu đồng/năm. Năm 2021 là 463 triệu đồng/năm; năm 2022 đạt hơn 462 triệu đồng. Đây cũng là mức thu nhập cao nhất của thợ mỏ Dương Huy tính đến thời điểm hiện tại.
Lao động hăng say, niềm vui sẽ tới
Nghề mỏ vừa vất vả lại gian nan, nếu ai không thực sự đam mê sẽ khó bám trụ được. Nhưng nếu nỗ lực cống hiến từng ngày thì trình độ tay nghề sẽ ngày càng cao hơn, càng có thêm nhiều kinh nghiệm. Trước mỗi tình huống xử lý công việc dưới lò, đòi hỏi ngoài sức khỏe, còn cần có sự quan sát tinh tế, làm đúng thao tác, quy trình để đảm bảo an toàn lao động. Đó là kinh nghiệm rất quý mà Dần tích lũy được sau nhiều năm gắn bó với nghề lò.
Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, Dần được Công ty giao nhiệm vụ tổ trưởng, chịu trách nhiệm về hiệu quả làm việc trong ca sản xuất của một nhóm công nhân khoảng dưới 10 người. Vì hiểu kỹ năng làm việc nhóm trong lò rất quan trọng nên Dần rất nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn, kèm cặp công nhân trong tổ cùng đoàn kết làm việc để có năng suất lao động và thu nhập cao. Đối với Dần, công việc trong lò rất cần có kỹ thuật, rất cần “Kỷ luật và Đồng tâm”, cần cả sự lạc quan yêu đời. Đó là sức mạnh, cũng là bài toán giảm sức lao động thủ công, giữ gìn sức khỏe để gắn bó lâu dài được với nghề.
Với mức thu nhập như thế, cũng rất dễ hiểu khi nhìn vào bảng thành tích dày đặc của Dần. Nhiều năm liên tục là Chiến sỹ thi đua cơ sở, năm 2016 là Chiến sỹ thi đua TKV, năm 2017 là Chiến sỹ thi đua Bộ Công Thương. Năm 2018 là 1 trong 50 CBCNV tiêu biểu được Tập đoàn khen thưởng nhân dịp Kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ gặp mặt đại biểu công nhân cán bộ ngành Than. Năm 2019 được Giám đốc Công ty gặp mặt gia đình và khen thưởng đặc biệt, được Đảng bộ Công ty biểu dương gương “Người thợ mỏ - Người chiến sỹ” tiêu biểu. Năm 2020 lọt Top 10 cá nhân xuất sắc được khen thưởng liên tục 4 quý trong năm, được đề nghị Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tặng Bằng khen.
Gần 20 năm gắn bó với nghề thợ mỏ than Dương Huy, những gì có được ngày hôm nay hoàn toàn xứng đáng với công sức và sự phấn đấu, làm việc của Nguyễn Quốc Dần. Ngôi nhà khang trang, ấm cúng vợ và hai con nhỏ cũng là thành quả từ những cố gắng không mệt mỏi trong nhiều năm qua.
Từ tình yêu và niềm tin vào nghề thợ mỏ, Dần đã hướng cho 2 em trai ruột của mình là Nguyễn Quốc Bảo (SN 1988) và Nguyễn Quốc Dương (SN 1992) cùng vào làm việc tại Công ty than Dương Huy. Hiện tại Bảo làm việc tại Phân xưởng khai thác 7, Dương làm tại Phân xưởng khai thác 5 (cùng tổ với anh trai), cả 2 đều tiếp nối anh, là những người thợ mỏ yêu nghề, tận tụy.
Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, tổ của Dần gồm 8 người được giao nhiệm vụ thực hiện xén lò, chuẩn bị diện, tạo lối đi cho Vỉa 13. Đây là bước khó khăn nhất, nguy hiểm nhất của nghề thợ mỏ. Nhưng bằng kinh nghiệm, sự nhiệt huyết, sức khỏe và trí tuệ, tổ của Dần đang thực hiện mỗi ngày công là một ngày vui mới.