Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ ngày 15/4/2023 chính thức khóa 2 chiều với thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin theo quy định. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng, nhiều người vẫn bị số điện thoại gọi với mục đích quảng cáo, hoặc cuộc gọi từ các đầu số lạ để lừa đảo. Phải chăng vẫn tồn tại nhiều số điện thoại chưa được chuẩn hóa tiếp tục làm phiền?
Còn bao nhiêu SIM chưa chuẩn hóa thông tin?
Theo quy định, sau 30 ngày kể từ khi bị khóa 2 chiều (tức là đến ngày 15/5), nếu vẫn không thực hiện chuẩn hóa thông tin, thuê bao sẽ bị nhà mạng viễn thông thu hồi số. Như vậy, tại thời điểm này, đây là bước quan trọng nhất trong đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao để dẹp bỏ vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo.
Đại diện lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết, tính đến ngày 25/4, có hơn 83.000 thuê bao bị khóa 2 chiều đã chuẩn hóa thông tin cá nhân. Con số này chiếm khoảng 7,2% trong tổng số 1,15 triệu thuê bao bị khóa nghe, gọi sau ngày 15/4. Như vậy, vẫn còn khoảng 1 triệu thuê bao bị khóa 2 chiều chưa chuẩn hóa lại thông tin cá nhân.
Tại cuộc họp vào sáng 7/4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, sau khi chuẩn hóa thuê bao sẽ đến bước cuối là xác minh SIM chính chủ. Xong các bước này, hành vi dùng SIM rác lừa đảo sẽ được giải quyết cơ bản.
Về phía các nhà mạng, dự đoán sẽ có khoảng dưới 1 triệu SIM sẽ bị thu hồi. Đây rất có thể là những SIM thứ 2 của người dùng nên khả năng họ đi chuẩn hóa thông tin cá nhân không cao. Đây cũng có thể là SIM đã kích hoạt sẵn còn tồn trên kênh phân phối của các đại lý. Các nhà mạng cho hay, việc thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, sử dụng SIM thuê bao chính chủ vừa là quyền lợi cũng là nghĩa vụ của khách hàng, trong đó có việc giúp ngăn chặn những rủi ro pháp lý đối với người dùng trong quá trình sử dụng.
Hạn chế tối đa những cuộc gọi “đen”
Dẹp SIM rác là việc cần thiết, được người dân ủng hộ. Cơ quan quan lý nhà nước đã đưa ra lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, đến thời điểm này người dùng điện thoại vẫn bị quấy nhiễu bởi những cuộc gọi, tin nhắn “lạ”; quấy nhiễu, đe dọa, giăng bẫy, lừa gạt.
Bà Nguyễn Tâm An (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ngày 16/5, bà nhận được cuộc gọi tự xưng từ một công ty du lịch lớn, giới thiệu gói du lịch mua trước với nhiều lợi nhuận. Nếu bà đồng ý, sẽ có người từ ngân hàng S. đến tận nhà làm thủ tục. Với mức lương hàng tháng của bà sẽ được ngân hàng S. cho vay tối đa 200 triệu đồng. Năm đầu tiên ngân hàng không tính lãi. Từ năm sau, lãi sẽ tính 3,98%/tháng, nếu chậm trả.
“Đây là cách công ty du lịch liên kết với ngân hàng, một bên bán được tour còn bên kia cho vay được tiền với lãi suất rất cao, không khác gì tín dụng đen. Nhiều người cả tin cứ ngỡ rằng được cả công ty du lịch lẫn ngân hàng bảo trợ khi vay tiền, nhưng thực ra 2 đơn vị kia đã bắt tay nhau kiếm lợi, không khác gì việc ngân hàng thương mại với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lừa khách hàng khi chuyển tiền gửi từ ngân hàng sang mua bảo hiểm” - bà An nói.
Tuy nhiên, số người “tỉnh đòn” như bà An không nhiều, họ vẫn bùi tai trước sự săn đón, đeo bám quyết liệt thông qua những cuộc điện thoại “lạ” và những dòng tin nhắn “đầy cảm xúc”.
“Chắc chắn là còn nhiều SIM rác hoạt động, chưa bị khóa 2 chiều hoặc chưa bị thu hồi” - bà An nói thêm.
Một số người dùng điện thoại di dộng cho biết, đã soạn tin nhắn báo cuộc gọi rác về cho tổng đài 156. Nhân viên tổng đài cho biết họ sẽ đưa số điện thoại đó vào danh sách theo dõi, nếu số điện thoại đó còn quấy rối thì họ sẽ làm việc với chủ thuê bao và tiến tới sẽ cho số điện thoại này ngừng hoạt động.
Điều đáng nói ở đây là trước đó nhiều người đã đăng ký “Danh sách không quảng cáo” (DoNotCall), nghĩa là số điện đã có trong danh sách không chấp nhận bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo nào. Vậy nhưng vẫn tiếp tục nhận được các cuộc gọi quấy nhiễu.
Cũng cần nói thêm rằng, trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Thông tư 22/2021 (có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2022) quy định chi tiết một số điều về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Một trong những nội dung quan trọng của thông tư là có hướng dẫn người dân cách đăng ký hoặc hủy đăng ký “Danh sách không quảng cáo”. Người quảng cáo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet không được phép gọi điện thoại quảng cáo, gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo, gửi tin nhắn quảng cáo tới bất kỳ số điện thoại nào trong “Danh sách không quảng cáo”.
Vẫn biết việc kiểm soát bằng cách chuẩn hóa thông tin, dẹp “nạn” làm phiền, quấy nhiễu, lừa đảo trên điện thoại là khó khăn. Tuy nhiên, người dùng có quyền đòi hỏi nhà quản lý phải dẹp được nạn này, nói rõ hơn là dẹp bỏ SIM rác để hạn chế tối đa những cuộc gọi “đen”.
Khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dùng điện thoại có thể phản ánh bằng cách gọi tới đầu số 156 (miễn phí cước cuộc gọi) để cung cấp thông tin về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo. Để đăng ký hoặc không nhận quảng cáo, người dùng có thể thông qua một trong các hình thức: Qua tin nhắn SMS (qua đầu số 5656); Qua website (khongquangcao.ais.gov.vn), qua tổng đài hoặc ứng dụng. Việc thực hiện đăng ký (hoặc hủy đăng ký danh sách) không quảng cáo bằng hình thức nhắn tin tới đầu số 5656 là miễn phí.