Gây oan sai, sao phải có đơn yêu cầu mới xin lỗi?

Việt Thắng 01/06/2017 07:45

Ngày 31/5, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Nhiều ĐBQH đã bày tỏ quan điểm không đồng tình khi Luật quy định người bị oan sai phải có đơn yêu cầu thì cơ quan nhà nước mới đứng ra công khai xin lỗi.

ĐBQH Đặng Thuần Phong phát biểu tại Hội trường (Ảnh: Quốc Anh).

Sai là phải xin lỗi

Bày tỏ quan với quy định là cần phải có đơn của người bị oan sai thì cơ quan chức năng mới tiến hành xin lỗi công khai, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, chúng ta đang xây dựng một Nhà nước văn minh; mà một Nhà nước văn minh phải là một Nhà nước lịch sự. Theo ông Nhưỡng, khi cơ quan chức năng gây oan sai phải chủ động xin lỗi.

Không phải người dân nào cũng hiểu được quyền của mình. “Dân có nhiều quyền nhưng không phải ai cũng hiểu được, đặc biệt là người có trình độ văn hoá thấp, đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa nên Nhà nước cần chủ động xin lỗi khi gây ra oan sai để đảm bảo sự công bằng”- ông Nhưỡng nói.

Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phân tích: Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mới tiếp cận theo hướng chỉ khi người bị oan có đơn yêu cầu, Nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ. Nếu như người bị oan không có đơn yêu cầu thì việc xin lỗi công khai và phục hồi danh dự không diễn ra. Theo bà Thủy, cần phải cân nhắc thêm quy định này.

“Biện pháp nghiêm khắc của tố tụng hình sự nếu áp dụng sai, hậu quả để lại rất nghiêm trọng. Ví dụ trong bắt người nếu bắt người tại nơi cư trú thì có sự chứng kiến của chính quyền sở tại, còn bắt tại nơi làm việc thì có đại diện tổ chức nơi người đó công tác, rồi khám người, còng tay và áp giải đi. Sau khi bị bắt còn còng tay dẫn đi trước sự chứng kiến của người khác mà có đơn mới xin lỗi thì cần cân nhắc.

Đã có vụ án oan xảy ra, người vô tội bị đưa vào tố tụng”- bà Thủy nói. Đồng thời đề nghị trước khi bồi thường về vật chất cần xin lỗi để họ là người bình thường, không bị “thanh trừng” bởi những ánh mắt trong xã hội.

Cho nên trong trường hợp có văn bản xác định là oan thì Luật cần quy định Nhà nước phải chủ động xin lỗi công khai, phục hồi danh dự khi gây ra oan sai cho người dân trong quá trình giải quyết vụ án.

“Cò kè” cho đến khi người dân không theo đuổi được nữa

Theo ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) về nguyên tắc thương lượng là thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó, thương lượng phải mang tính nhân văn và thúc đẩy việc bồi thường nhanh hơn chứ không phải thương lượng để giảm bớt trách nhiệm bồi thường.

Bởi thực tế cho thấy cơ quan chức năng cứ “cò kè” với người dân trong khi người dân đã bị thiệt hại rất nhiều rồi, “cò kè” cho đến khi người dân không theo đuổi được nữa đành phải chấp nhận mức bồi thường.

“Như vậy là không công bằng”- bà Sang nói đồng thời đề nghị cần quy định cụ thể hơn quyền, trách nhiệm để đảm bảo hài hoà quyền của Nhà nước và công dân.

ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, nhân dân cũng đang đặt ra vấn đề là đối với những cá nhân, tổ chức mà họ gây hại cho Nhà nước rất lớn vì trục lợi, vì tham nhũng, vì lợi ích nhóm và hoàn toàn cố ý thì sau này Luật nào điều chỉnh.

Từ đó ông đề nghị, Quốc hội và Chính phủ sớm nghiên cứu để xây dựng dự án luật liên quan đến vấn đề này. Bởi lẽ hiện nay sau thanh tra, kiểm tra thì chúng ta phát hiện, chỉ kỷ luật “chuyện này chuyện nọ” còn tài sản thu lại rất ít.

Theo các báo cáo chỉ trừ những trường hợp như những vụ án tham nhũng thì những tài sản, vật chứng của vụ án mà chúng ta xử lý theo quy định của pháp luật thì thu hồi lại được chút đỉnh.

Đây là vấn đề hết sức bức xúc nên cũng mong sớm có thêm chính sách này. Ông Phong cũng đề nghị thống nhất một cơ chế bồi thường khắc phục tình trạng nhiều cách bồi thường ở nhiều cơ quan khác nhau đã gây bức xúc thời gian qua trong cuộc sống và khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các dự án Luật và giữa các cơ quan có liên quan.

Giải trình, đề cập đến việc “thương lượng” trong bồi thường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, đây là nguyên tắc được áp dụng khi bồi thường và đây cũng là tiếp cận chung của các nước.

Dự thảo Luật thiết kế kỹ về thương lượng, từ thành phần đến địa điểm, nội dung, quy trình thương lượng. “Thương lượng là đảm bảo đi đến thống nhất, thoả thuận trước khi bồi thường chứ không hẳn cò kè thêm bớt với công dân. Việc quy định thành phần thương lượng dựa trên ý tưởng các cơ quan liên quan ngồi lại cùng lúc và thống nhất thực hiện luôn, góp phần đẩy nhanh thủ tục bồi thường”- Bộ trưởng Lê Thành Long phân trần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gây oan sai, sao phải có đơn yêu cầu mới xin lỗi?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO