Nhìn lại hành trình chống chọi với đại dịch Covid-19 vừa qua, thời điểm cả nước đang gồng mình chống dịch, GenZ - những mầm non tương lai của đất nước đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “xoa dịu nỗi đau” cho những mất mát, đau thương bằng chính tài năng và lòng nhiệt huyết.
GenZ nhận “Mệnh lệnh từ trái tim”
Sẵn sàng gác lại việc học tập còn dang dở tại Hà Nội, Hùng và những người bạn của mình toàn tâm toàn ý phục vụ cộng đồng, xem sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, quyết tâm thực hiện “mệnh lệnh từ trái tim” mà dân tộc Việt Nam đã giao phó.
Là một trong những GenZ xung phong lên đường vào miền Nam chống dịch, Trần Mạnh Hùng cùng 1.000 sinh viên Học viện Quân y Hà Nội vẫn không thể quên khoảnh khắc ngày lên đường làm nhiệm vụ.
Những ngày ở lại TP HCM chống dịch, dù nhớ nhà, gặp nhiều khó khăn, thế nhưng Hùng chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ bỏ cuộc.
Thời điểm Hùng và các đồng đội được “chi viện” vào miền Nam cũng là lúc nơi đây có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất, số người mắc và mất vì Covid-19 khiến Hùng và các đồng đội của mình không thể ngồi im.
Chứng kiến số ca mắc Covid-19 liên tục tăng, tâm lý người dân hoang mang, Hùng và các động đội ra sức truy vết, giúp đỡ người dân vượt qua thời kỳ khủng hoảng.
Nhớ lại những ngày cùng miền Nam chống dịch, Hùng không khỏi xúc động chia sẻ, thời điểm miền Nam cần sự giúp đỡ nhất, không chỉ có mình và 1.000 sinh viên mà tất cả người dân đều hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước trong việc chung tay chống lại dịch Covid-19.
Họ hành quân với trái tim ấm nóng và cả những thông điệp như: Tất cả vì sức khỏe của nhân dân, mệnh lệnh từ trong trái tim, hành động từ nghĩa đồng bào…
Thời điểm quyết tâm lên đường cùng miền Nam chống dịch, Hùng vẫn nhớ như in cảm giác "hóa" thân quen với những người xa lạ. Nỗi lo khi khác biệt vùng miền, ẩm thực, lối sống và thời tiết dường như được gỡ bỏ chính sự thân thiện của những con người nơi đây.
“Giờ về Hà Nội rồi, mình chỉ thấy nhớ những ký ức, kỷ niệm và cả những con người thân quen đã gắn bó với mình trong suốt quãng thời gian đầy khó khăn. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 không của riêng ai vì vậy thời điểm đó chúng mình chỉ cố gắng làm hết sức mình, thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội. Đồng lòng, quyết tâm cùng cả nước chung tay làm thật tốt công tác chống dịch. Đó còn là đạo đức, là vinh dự, tự hào và trách nhiệm đối với đất nước”, Hùng bày tỏ.
GenZ - xoa dịu nỗi đau trong đại dịch
Không chỉ chi viện hỗ trợ miền Nam chống dịch, GenZ còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “xoa dịu nỗi đau” khi đại dịch Covid-19 gây ra nhiều tổn hại về người và của. Nhìn lại hành trình đã qua đi, Hùng vẫn không thể quên hình ảnh một thành phố khác xa với sức tưởng tượng.
Trong những tháng ngày oằn mình chống chọi với bạo bệnh, không ít người trong số đó đã mãi mãi nằm xuống, tang thương, mất mát nhiều không đếm xuể. Hình ảnh các y bác sĩ hằn đỏ mặt vì mặc đồ bảo hộ trong suốt quãng thời gian dài, có những y bác sĩ ngất đi vì mệ sẽ là những ký ức không thể nào quên trong tâm trí của nhiều người.
Không đứng ngoài cuộc chiến với Covid-19, Võ Việt Phương (19 tuổi) - cựu học sinh chuyên Tin, Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP HCM đã viết nên 2 bài nhạc bằng cả trái tim với mong muốn làm vơi đi cơn đau mà người dân thành phố đang gồng mình gánh chịu.
Hai ca khúc như một cuốn nhật kí kể về những người hùng tham gia tuyến đầu, ghi chép lại từng cung bậc cảm xúc trên hành trình chống chọi với nỗi đau, những mất mát trong đại dịch Covid-19 đã đi qua.
Là người trải qua những mất mát, đau thương khi đại dịch Covid-19 hoành hành, Phương hiểu rõ cảm giác khi không trở về nhà kịp để chịu tang người thân. Chính vì vậy khi đặt bút sáng tác ca khúc của mình, hơn ai hết Phương nhớ đến những bài báo nói về những mất mát của lực lượng tuyến đầu. Từ đó, lấy chất liệu để hoàn thành ca từ và giai điệu cho mỗi ca khúc.
Phương chia sẻ bản thân rất thích sáng tác các ca khúc về công cuộc chống dịch. Nhận thức được tầm quan trọng của người trẻ, đại diện cho thế hệ GenZ - Việt Phương muốn đóng góp bằng âm nhạc.
Cậu hi vọng ngày càng sẽ có nhiều người trẻ và trẻ hơn nữa sáng tạo nghệ thuật cũng như đóng góp hết mình cho xã hội, yêu thương nơi mình sinh ra và lớn lên.
Việt Phương cho rằng, mọi người đã gánh chịu quá nhiều mất mát và đau thương trong mùa dịch bệnh. Chính vì vậy, cậu muốn dùng âm nhạc để xoa dịu đi những nỗi đau mà nhiều người đang phải trải qua. Với Việt Phương: “Vui chơi là khi vừa được chơi nhạc vừa được sáng tác. Cân bằng việc học và sáng tác, Phương nghĩ bản thân có thể lên kế hoạch để phân bổ thời gian hợp lí cho cả hai. Học để phát triển còn làm nhạc là để thoả niềm đam mê. Phương cho rằng bất cứ ai dù thuộc thế hệ nào, lứa tuổi nào, việc tự bản thân chúng ta nên có ý thức phòng dịch, tham gia vào công cuộc chung. Có như vậy mới làm cho cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn”.
Có thể thấy rằng, trong những năm gần đây, Gen Z không chỉ nỗ lực hết mình vì tương lai mà còn trở thành tấm gương về sự hiếu thảo và sẻ chia. GenZ ngày nay cũng đã lớn, bên cạnh việc chăm ngoan, thế hệ trẻ còn biết phấn đấu cho công cuộc chung của đất nước, biết dùng tài năng, lòng nhiệt huyết xoa dịu những nỗi đau cho người ở lại.
Gen Z là thế hệ gồm những người sinh từ cuối những năm 1995 đến năm 2010. Theo dự đoán đến năm 2025, nhóm này sẽ chiếm gần 1/3 dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam.