Tinh hoa Việt

Ghé thăm chùa Dơi

NGUYỄN TRỌNG VĂN 03/04/2024 08:17

Nằm ngay trên đường phố Văn Ngọc Chính, phường 3, TP Sóc Trăng nhưng khi bước qua cổng vào chùa chúng tôi thấy có cảm giác xanh mát và vô cùng thân thiện.

2(2).jpg
Chánh điện chùa Dơi.

Ông Huỳnh Công, vốn quê gốc ở tỉnh Bạc Liêu, là người dẫn chúng tôi đến chùa Dơi, ghé tai tôi nói nhỏ: “Vào chùa có khác dễ chịu và lòng an nhiên đến lạ”.

1.Chúng tôi ghé thăm chùa Dơi vào một ngày đầu năm, gọi là đầu năm nhưng ở đây nắng vẫn chan hòa chiếu dọi, đôi khi còn bất chợt có cơn mưa rào nhẹ. Mưa đến nhanh và ngớt cũng nhanh. Ánh nắng cộng với nước mưa đã làm những vòm cây đã mướt xanh lại thêm xanh mướt.

Nếu như ở ngoài Bắc, cổng chùa thường đối diện với chùa thì ở Nam Bộ, nhất là với chùa Khmer, thì con đường dẫn từ cổng chùa vào sẽ đi ngang trước chùa. Ông Công giải thích: “Các chùa Khmer bao giờ cũng gắn với nơi sinh hoạt cộng đồng của bà con Khmer nên khuôn viên chùa sẽ có nhiều công trình. Chùa và các công trình đó nằm ở hai bên con đường vào chùa. Chùa Dơi cũng vậy”.

Được che phủ hay nói cách khác là ẩn mình trong một “khu rừng giữa phố” và dưới bóng lá của những cây sao và cây dầu cổ thụ che chở, chùa Dơi tựa như một “ngôi nhà tĩnh tại” lọt thỏm trong khuôn viên rộng 4 ha.

Rồi ông Công nói: “Đây là ngôi chùa có kiến trúc Khmer cổ nhưng lại là sự hòa trộn giữa hai nền văn hóa Việt và Khmer. Chùa còn có tên là Serây tê chô mahatúp, trong tiếng Khmer có nghĩa là do phúc đức tạo nên đấy, anh ạ”.

Hơn 450 năm trước, chùa Dơi được một người Khmer ở địa phương, đó là ông Thạch Út, đứng ra xây dựng. Khởi đầu, chùa được xây dựng bằng gỗ, lợp lá dừa nước trong một khu rừng cây cổ thụ. Từ đó đến nay chùa được trùng tu nhiều lần. Hình dáng chùa Dơi hiện nay khá bề thế với những công trình chính như: Chánh điện, sala, nhà hội, phòng ở của các sư thầy, tháp để tro người chết, phòng khách.

Ông Công cũng cho biết thêm, năm 2008 chùa Dơi bị cháy ngôi Chánh điện, vụ cháy đã phá hủy rất nặng nề. Nhưng ngay sau đó, năm 2009, ngôi Chánh điện được sửa chữa lại đúng như trước khi bị cháy. Và đến năm 2013, chùa Dơi chính thức được đưa vào hoạt động trở lại với những công trình phụ trợ, qua đó hạn chế được những sai sót đáng tiếc và tránh ùn tắc trước cổng chùa.

Được biết, ngày 12/2/1999, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) ban hành Quyết định số 05/1999/QĐ-BVHTT xếp hạng chùa Dơi là Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia. Hiện chùa là điểm du lịch tâm linh thu hút nhiều du khách của tỉnh Sóc Trăng.

4(1).jpg
Người dân làm lễ tại chùa Dơi.

2.Ai đã đi qua Sóc Trăng hay ghé nghỉ lại ở Sóc Trăng thì không thể không một lần tới thăm chùa Dơi. Du khách và người dân địa phương đến đây rất đông, ngay khi bước qua cổng vào chùa tôi đã thấy nhiều nhóm người vào ra. Cái hay là người đến chùa Dơi không thấy ồn ào mời mua hoa lễ hay chèo kéo du khách. Thay vào đó sẽ được nghe vẳng bên tai những giai điệu Khmer do ban nhạc Ngũ âm trình tấu ở ngay đầu hồi nhà Hội.

Ban nhạc ngoài trình tấu ra còn sẵn lòng để du khách đến gần chụp ảnh, kể cả việc du khách có “nguyện vọng” được cầm một nhạc cụ nào đó để “tạo dáng” chụp ảnh. Dĩ nhiên tôi cũng không bỏ qua cơ hội vui vẻ đó khi NSƯT Thanh Loan kéo tay tôi: “Văn lại đây chụp cho chị mấy kiểu ảnh. Rồi chị sẽ chụp lại vài kiểu cho Văn”. Lại vui và thấy hài lòng khi các nhạc công “nhường lại” vị trí sân khấu cho hai chị em check-in.

Theo như ông Huỳnh Công cho hay thì chùa vốn nằm giữa một khu rừng um tùm cây lá nên từ mấy trăm năm nay khu vực chùa rất có nhiều dơi sinh sống.

Ban ngày bầy dơi treo mình trên những cành cây để ngủ, đợi chiều tối chúng mới tỉnh giấc và ào ào bay đi kiếm ăn. Dơi ở đây nhiều vô kể nên chùa được người dân gọi là chùa Dơi. Thực ra chùa Dơi ban đầu được đặt tên là chùa Mahatup theo ngôn ngữ của người Khmer, người Việt và người Hoa thì phát âm thành “Mã tộc”, chùa Mã Tộc. Cái tên chùa Dơi là do cách gọi dân giã nhưng qua thời gian đã trở thành danh xưng chính thức.

6(1).jpg
Tham quan giếng chùa.

Cũng như các chùa Khmer khác, chùa Dơi có lối kiến trúc Khmer cổ. Ấn tượng ngay trước mắt tôi là tòa Chánh điện bề thế. Giống như các chùa Khmer, tòa Chánh điện chùa Dơi được xây lại bằng gạch, mái lợp ngói, bốn đầu mái cong vút chạm trổ hình rắn Naga, trên đỉnh mái có một ngọn tháp nhọn và trên nền đất cao. Bao quanh Chánh điện là các hàng cột đỡ, mỗi cột có một tượng tiên nữ Kemnar chắp hai tay trước ngực.

Ông Huỳnh Công cho biết: Tòa Chánh điện có chiều dài gần 21m, chiều rộng hơn 11m, được xây dựng trên nền cao hơn mặt đất tự nhiên 1 m, nổi bật với kết cấu gồm 4 hệ thống mái chồng lên nhau.

Theo chân mọi người, chúng tôi bước những bậc cầu thang để lên Chánh điện. Trong chùa mở ra một không gian thoáng rộng. Việc sắp đặt trong nội chùa khá đơn giản với pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối và đặt trên một tòa sen cao khoảng 2m và một pho tượng miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda.

Tôi nhận ngay ra sự đơn giản đó là đủ chứ không dày đặc ban bệ như các chùa ngoài Bắc. Do đó du khách và người dân có thể đi vòng quanh ban điện, có thể chắp tay cầu nguyện ở phía trước và ở phía sau mà vẫn cảm thấy thành kính.

Rời Chánh điện, chúng tôi đi một vòng nhỏ vì không đủ thời gian đi hết khuôn viên của chùa. Cảm nhận của tôi là như được đến một nơi mát mẻ, thanh tịnh, một nơi yên bình vì được bóng mát của cây che chở.

Thêm nữa giếng chùa khá tĩnh tại với rất nhiều cá đủ màu sắc bình thản bơi lội. Du khách thoải mái tìm vị trí để check-in trong tiếng nhạc ngũ cung chào đón, tạo thêm không khí thân gần và ấm áp.

Đúng là người Khmer từ lâu đã coi chùa là nơi sinh hoạt của phum, sóc nên do đó tới chùa là tới nơi giao lưu, tới nơi gặp gỡ, tới nơi thư giãn. Ông Huỳnh Công cho hay: “Lễ hội đặc sắc nhất ở đây là ngày lễ Kathina, được tổ chức bắt đầu từ ngày 15/9 đến 15/10 âm lịch. Đoàn ta nếu có dịp cũng nên về tham dự lễ hội với bà con, rất vui và đoàn kết”.

Cùng với rất nhiều ngôi chùa Khmer khác trong tỉnh Sóc Trăng, chùa Dơi là một công trình kiến trúc quan trọng tạo nên nét đặc trưng tín ngưỡng của người dân Sóc Trăng. Trải qua nhiều năm thăng trầm, ngôi chùa vẫn giữ được nét cổ kính rất đặc trưng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ghé thăm chùa Dơi