73 chiếc giếng nằm rải rác khắp ngôi làng. Từ phiến gỗ lim, người xưa xếp các phiến đá theo hình tròn tạo thành chiếc giếng, các phiến đá không dùng hồ nhưng lại gắn kết chắc chắn lạ kỳ.
Men theo đường đê, dọc hướng dẫn vào làng Yên Sở (nằm trên địa phận huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), chúng tôi tìm về với xóm Ngõ giếng, vùng đất lưu giữ 73 chiếc giếng cổ. Biệt danh "làng trăm giếng" cũng từ đây mà có. Bảy ba chiếc giếng cổ được coi là biểu tượng linh thiêng để người dân làng Yên gửi gắm ước nguyện.
Từ bao đời nay, người dân làng Yên Sở vẫn tự hào về câu nói: "Đình không xà, làng 73 cái giếng". Bởi, từ thời xa xưa, ở vùng quê này xuất hiện ngôi đình thờ Thành hoàng làng, rộng hơn 500 m2, các cột đình dựng rất lớn, 2 người ôm không xuể. Tuy không còn mái đình, nhưng làng vẫn gìn giữ được những chiếc giếng cổ. Theo chân một già làng, chúng tôi được nghe những điều huyền bí về "làng trăm giếng". Ở đó, nhiều câu chuyện huyền bí về "làng trăm giếng" lần đầu được tiết lộ.
Những điều huyền bí về “làng trăm giếng”
Theo cách nói của người dân sinh sống tại xóm Ngõ giếng, không một ai biết 73 chiếc giếng cổ xuất hiện từ bao giờ. Chỉ biết khi người dân dọn về đây sinh sống, những chiếc giếng đã có sẵn. Cùng với những thay đổi, biến thiên của thời gian, những chiếc giếng cổ mang đến may mắn, sự phồn thịnh và là nơi để người dân làng Yên gửi gắm ước nguyện.
Được giới thiệu là người nắm rõ sự phát triển của làng, cụ Nguyễn Bá Tỵ (80 tuổi) cho biết: “Cổ Sở xưa có tên Kẻ Giá, Kẻ Sở, là nơi sầm uất với các buổi chợ phiên, thuyền bè trên sông tấp nập, cư dân sinh sống phồn thịnh, sung túc. Đến thế kỷ 15, Cổ Sở được tách thành hai làng Yên Sở và Đắc Sở. Tương truyền, 73 giếng cổ được xây từ thời ngoại xâm phương Bắc đến chiếm đóng có tuổi thọ trên 1.000 năm tuổi”.
Giọng cụ bỗng vút cao, ngâm câu ca đầy tự hào: “Thứ nhất Cổ Bi, Thứ nhì Cổ Loa, Thứ ba Cổ Sở”. Cụ Tỵ kể, Cổ Sở là một trong những mảnh đất thiêng của Việt Nam, nơi đây sản sinh nhiều anh hùng hào kiệt, người dân kiên cường, bất khuất ba lần đứng lên chống quân xâm lược phương Bắc.
Vùng đất Yên Sở từ lâu đã nổi danh nhờ tên tuổi của vị tướng giỏi Lý Phục Mạn. Vị tướng từng chỉ huy đội quân làng Giá và nhân dân dọc sông Đáy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa do Lý Bí đánh đuổi quân xâm lược của triều Lương, Trung Quốc. Trong nhiều trận chiến ác liệt, ông lập được công lớn, được Lý Bí phong làm Đại tướng.
“Người dân nơi đây vẫn luôn tự hào về tên tuổi của Lý Phục Mạn, chỉ cần nhắc đến ông là người ta lại nhớ về làng Yên Sở”, cụ Tỵ tự hào khoe.
Điều đặc biệt đó là những chiếc giếng được xây dựng với mục đích “trấn yểm long mạch”. “Thật khó để tin điều này, thế nhưng, tại làng Yên, có những hộ muốn xây nhà, làm đường vướng vào giếng cổ phải lấp đi, đều phải lễ bái rất cẩn thận nhưng vẫn hay gặp xui xẻo. Đã có hộ lấp giếng xong lại phải đào lên”, cụ Tỵ thông tin.
73 chiếc giếng nằm rải rác khắp ngôi làng. Các giếng này đều được làm rất công phu, có cấu tạo khá giống nhau. Giếng sâu từ 4 - 5 m, đường kính khoảng 1,6 m. Bên cạnh mỗi chiếc giếng, người dân lập miếu để thờ tự. Dưới đáy giếng là 2 phiến gỗ lim chắc chắn, theo thời gian, các phiến gỗ lim không có dấu hiệu bị mục, hư hỏng. Từ phiến gỗ lim, người xưa xếp các phiến đá theo hình tròn tạo thành chiếc giếng, các phiến đá không dùng hồ nhưng lại gắn kết chắc chắn lạ kỳ.
Xung quanh tích về 73 chiếc giếng cổ là những câu chuyện kỳ bí, khó lý giải. Người dân trong làng vẫn thường truyền tai nhau chuyện người dân làng Yên Sở đã lấp một giếng cổ vì định mở rộng đường. Sau khi lấp giếng, trong xóm nhiều gia đình xảy ra lục đục, đau ốm, làm ăn không thuận lợi.
Đến nay vẫn chưa một ai có thể lý giải về những điều kỳ lạ diễn ra huyền bí tại 73 chiếc giếng cổ có tuổi đời hàng thế kỷ.Theo thời gian, 73 chiếc giếng của “làng trăm tuổi” đã hằn sâu vào nếp sống của người dân nơi đây.
Nỗ lực bảo tồn nét văn hóa
Nhớ lại những năm tháng làng Yên Sở còn rợp xanh bóng mát, cụ Nguyễn Bá Nghi (83 tuổi), vị cao niên am hiểu về lịch sử của làng không khỏi mừng vui vì sự phát triển phồn thịnh của quê hương. “Làng Yên Sở ngày xưa đẹp lắm”, cụ nói. Thế nhưng, từ sâu trong tâm thức của cụ vẫn thấy tiếc những cảnh quan thiên nhiên xưa cũ, tiếc những hàng dừa cao bát ngát từng đi vào thơ ca.
Cụ Nghi kể, trước đây, làng Yên Sở rợp bóng mát của hàng dừa xanh, nhà cửa thời đó còn ít. Vì vậy, những cô chiêu, cậu ấm thời Pháp thuộc thường về đây để tham quan, du lịch. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, làng Yên Sở phần nào bị đô thị hóa, nhà mọc lên san sát, người dân tại đây chọn trồng bưởi diễn thay vì trồng dừa như trước kia.
Tại làng Yên Sở, hầu hết người dân không còn dùng đến nước trong những chiếc giếng cổ trăm tuổi thay vào đấy họ chủ yếu dùng giếng khoan. Hơn bảy mươi giếng, nay chỉ còn lại 30 chiếc, số còn lại được quây kín bằng tường bao hoặc rào sắt.
Do có nước máy nên những giếng làng cổ không còn nhiều công năng sử dụng, người làng vẫn nâng niu giếng làng. Chính quyền và nhân dân thống kê từng giếng, xây khuôn viên sạch sẽ, làm rào chắn thép để bảo vệ giếng và bảo vệ trẻ em; tôn tạo giếng và quét dọn quanh khu vực nhằm bảo vệ, gìn giữ di tích của làng.
Đặc biệt, tại mỗi chiếc giếng người dân xây một miếu nhỏ để thờ cúng thần linh. Họ tin rằng giếng nào cũng có thần linh, thổ địa nên vào những ngày rằm, mùng một họ mang lễ ra giếng làm lễ, xin lộc. Những người dân sinh sống xung quanh khu vực quyết tâm giữ gìn 30 chiếc giếng còn sót lại như là cách để lưu lại nét văn hóa của dân tộc. Những miếu thờ tự ngay gần giếng cổ cũng được tu bổ, tôn tạo theo thời gian…
“Dù có thay đổi như thế nào về diện mạo thì Yên Sở vẫn giữ được nét đẹp mộc mạc, thân thương của làng quê Bắc Bộ truyền thống với nhiều công trình kiến trúc cổ, nghi lễ, những quy tắc, luật lệ truyền thống và nhiều nét văn hóa riêng có”, ông Nghi nói thêm về niềm tự hào của người dân Yên Sở.
Không chỉ có những công trình kiến trúc độc đáo, Yên Sở còn là mảnh đất có nhiều phong tục đẹp. Từ năm 1995, Yên Sở đã thông qua “Quy ước làng Văn hóa Yên Sở”.
Chứng kiến quê hương đổi thay mỗi ngày, cụ Nguyễn Bá Nghi ưu ái dành những câu thơ trong tập thơ viết về cuộc đời của mình, cũng là cách cụ ông ở độ tuổi "xưa nay hiếm" bày tỏ tình yêu đối với quê hương, "làng trăm giếng" - nơi cụ sinh ra:
“Cao Biền học mót Khổng Minh
Bày bao trò hiểm triệt mình ngàn xưa
Đến đâu Biền cũng không ưa
Chỉ mưu tính chuyện gió mưa hại đời
Quê mình dân nhắc mãi lời
Bảy ba giếng cổ vững nơi giữa làng”...