Chuyên gia phẫu thuật thần kinh nổi tiếng của Italy- ông Sergio Canavero mới đây đã tuyên bố rằng các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã thực hiện thành công một ca phẫu thuật dường như chỉ có trong các bộ phim viễn tưởng: Ghép đầu khỉ. Đây được coi là “bước khởi động” trong kế hoạch phẫu thuật ghép đầu người.
Ông Canavero (phải) cùng Valery Spiridonov, bệnh nhân muốn
được ghép đầu mình vào cơ thể mới. (Nguồn: AP).
Ghép đầu khỉ thành công
Nhà khoa học này từng gây nên cả một cơn bão dư luận hồi năm ngoái khi ông công bố kế hoạch thử nghiệm cấy ghép đầu người, cho rằng nó có thể giúp những người bị bại liệt toàn thân hoạt động trở lại chỉ trong vòng vài năm sau khi được phẫu thuật. Giờ đây, sau khi phối hợp với đội ngũ nghiên cứu của Trung Quốc cùng một số nhà nghiên cứu đến từ Hàn Quốc, Canavero cho hay ông đã tiến gần hơn tới kế hoạch của mình nhờ thí nghiệm ghép đầu khỉ, chuột và tử thi người.
“Điều quan trọng là mọi người phải thôi nghĩ rằng đó là điều không thể. Nó hoàn toàn có thể và chúng tôi đang thực hiện nó”- Canavero nói trên Tạp chí New Scientist.
Tuy tạp chí này không nắm được trong tay biên bản về các cuộc cấy ghép thử nghiệm của Canavero, nhưng họ nói rằng đã nhìn thấy nhiều hình ảnh và đoạn video quay tiến trình ghép đầu khỉ của nhà nghiên cứu người Italy. Một trong số các bức ảnh này có cảnh một chú khỉ với cái đầu được khâu lại trên cổ, đầy những mũi khâu như trong bộ phim khoa học viễn tưởng Frankenstein.
Bản thân ông Canavero cũng tuyên bố rằng bác sỹ Xiaoping Ren thuộc Đại học Dược Harbin, Trung Quốc đã thực hiện thành công cấy ghép đầu khỉ, nối các mạch máu giữa đầu và thân thể mới, tuy nhiên chưa thể ghép được tủy sống. Ông cho hay, thí nghiệm này cho thấy rằng nếu phần đầu được làm lạnh tới -15 độ C, một con khỉ có thể trải qua cuộc phẫu thuật này mà không chịu tổn thương não. Ông Canavero thậm chí còn nói thêm rằng giới khoa học Trung Quốc đã thực hiện một ca cấy ghép đầu người đầu tiên, tuy nhiên lại từ chối công bố các bức ảnh và bằng chứng.
Trở lại vấn đề, ông Canavero cho biết thêm, “chú khỉ này hoàn toàn sống sót sau ca ghép đầu mà không có bất kỳ tổn thương thần kinh nào”- Canavero cho hay. Tuy nhiên, do tủy sống không được ghép nối nên chú khỉ này bị liệt ít nhất là từ phần cổ trở xuống và chỉ sống được 20 giờ tiếp theo sau ca phẫu thuật. Trong một đoạn video phỏng vấn độc quyền với hãng tin RIA Novosti, ông Canavero nói: “Chú khỉ đã sống sót hoàn hảo mà không có tổn thương trong vòng 20 giờ trước khi chết, bởi đương nhiên chúng tôi không muốn giữ con vật đáng thương đó sống trong tình trạng như vậy”.
Một đoạn video khác cũng cho thấy một con chuột đang di chuyển chân của nó sau khi hồi sức từ một ca cấy ghép đầu và nối tủy sống. Ông Canavero nói rằng ca phẫu thuật được thực hiện bởi nhà khoa học C-Yoon Kim thuộc Đại học Dược Konkuk của Hàn Quốc. Video này cho thấy dây tủy sống có thể nối lại được nếu nó được cắt một cách tỉ mỉ và sử dụng một chất hóa học làm chất kết dính nó trở lại; chất này là Polyethylene Glycol (PEG).
Còn theo bác sỹ Ren, ông đang tiếp tục thử nghiệm cấy ghép đầu trên các tử thi người để chuẩn bị cho các cuộc thử nghiệm khác trong tương lai và nhằm đưa ra các ý tưởng để tránh cho não bị tổn thương. Ren đã từng thực hiện thành công cấy ghép đầu chuột hồi năm 2013, và kể từ đó đến nay đã thực hiện đến 1.000 lần ca phẫu thuật kiểu này.
Ghép đầu người như thế nào?
Thực ra ca cấy ghép đầu tiên hành trên chú khỉ đầu tiên đã được thực hiện ở Trung Quốc từ cách đây khoảng 40 năm, và kể từ đó các ca thí nghiệm trên chuột mới được thực hiện. Và ông Canavero tin rằng với công nghệ khoa học tiên tiến như ngày nay chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện cấy ghép đầu người.
Theo lý thuyết mà ông đưa ra, các nhà phẫu thuật chỉ cần phối hợp các công nghệ trên là đủ để cấy ghép đầu người lên một cơ thể mới. Cơ thể mới sẽ do một người tình nguyện hiến tặng, hoặc những người đã bị tuyên bố là chết não. Cả người hiến và bệnh nhân muốn ghép đầu đều sẽ được phẫu thuật cắt rời dây tủy sống cùng một lúc, sử dụng một lưỡi dao siêu sắc.
Phần đầu của bệnh nhân sau đó được ghép vào phần thân của người hiến, sau đó gắn liền 2 đầu dây tủy sống nhờ chất keo PEG. Các bó cơ và hệ thống mạch máu sau đó được khâu lại, trước khi bệnh nhân sẽ đi vào trạng thái hôn mê trong vòng 4 tuần lễ để giúp họ cố định trong quá trình phần đầu và thân nối liền lại.
Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân sẽ được cho một cú sốc điện nhẹ để kích thích sự hoạt động trở lại của tủy sống và củng cố sự kết nối giữa phần đầu và phần thân. Và sau khi tỉnh lại từ trạng thái hôn mê, người bệnh sẽ có khả năng di chuyển trở lại, cảm nhận được khuôn mặt của mình và thậm chí nói chuyện.
Một loại thuốc áp chế miễn dịch siêu mạnh sau đó sẽ được bơm vào thân thể mới của bệnh nhân để tránh phản ứng đào thải. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ phải trải qua một quá trình điều trị tâm lý.
Kêu gọi tài trợ từ giới siêu giàu
Bất chấp sự hoài nghi từ giới khoa học quốc tế về cấy ghép đầu, ông Canavero hiện đang tìm kiếm các nguồn vốn để thực hiện kế hoạch đầy tham vọng của mình. Ông thậm chí còn lên kế hoạch đề nghị người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg tài trợ cho ca cấy ghép.
Hồi năm ngoái, Canavero từng xuất hiện dày đặc trên báo chí quốc tế sau khi công bố kế hoạch thực hiện phẫu thuật cấy ghép đầu người đối với một bệnh nhân 31 tuổi bị liệt là Valery Spiridonov. Ông Canavero nói với hãng tin RT của Nga rằng: “Tôi đề nghị các tỷ phú Nga và các tỷ phú các nước như Mark Zuckerberg, người đang quyên góp nhiều tiền cho các nghiên cứu nhằm kéo dài sự sống, tài trợ cho ca cấy ghép đầu người đầu tiên ở Nga đối với bệnh nhân Valery Spiridonov”.
Ông Canavero tuyên bố rằng khả năng cấy ghép đầu người thành công là khá lớn, trong khi người tình nguyện Spiridonov nói rằng: “Nếu thay được thân thể mình, và mọi thứ diễn ra tốt đẹp, tôi sẽ không còn bị hạn chế như bây giờ nữa”. Spiridnov hy vọng ca phẫu thuật cấy ghép của mình sẽ được hiện trong năm 2017 nếu như mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch.
Michael Sarr, chủ biên tạp chí Surgery, chuyên gia phẫu thuật thuộc bệnh viện Mayo ở Rochester, Minesota (Mỹ) nói rằng: “Nếu cấy ghép đầu thực sự thành công thì nó sẽ mở ra hẳn một ngành khoa học mới liên quan tới tái cấu trúc lại tủy sống con người”. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho hay tạp chí của ông không ủng hộ cấy ghép đầu người vì các vấn đề liên quan tới đạo đức.