Trong khi nhiều trường đã tổ chức ghi hình các tiết dạy trực tuyến để nhận xét, rút kinh nghiệm sau mỗi buổi dạy thì một số giáo viên cho rằng việc làm này là không cần thiết, gây áp lực khiến cả cô và trò đều không thoải mái trong buổi học.
Áp lực nhân đôi
Ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết trong thời gian qua, nhiều giáo viên phản ánh việc dạy học trực tuyến áp lực hơn rất nhiều so với học trực tiếp. Cô giáo Phạm Thu (giáo viên Trường THPT Bất Bạt, Ba Vì, Hà Nội) cho biết, khối lượng công việc nhiều hơn do phải soạn bài, chấm bài, giảng bài hoàn toàn trên máy tính, học sinh (HS) lại mất tập trung hơn vì học ở nhà. Bên cạnh đó, việc làm quen với các công cụ, phần mềm giảng dạy trực tuyến với nhiều giáo viên lớn tuổi cũng là một thách thức không nhỏ.
Mới đây, một số giáo viên Trường THCS Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) đã phản ánh tới báo chí về việc hiệu trưởng nhà trường yêu cầu giáo viên ghi hình lại các giờ dạy trực tuyến. Đây là một điều chưa hề có trong tiền lệ từ trước tới nay ở trường khiến giáo viên thấy gia tăng áp lực.
Về vấn đề này, bà Hoàng Quý Hương - Trường THCS Trung Hòa cho rằng, việc ghi lại các tiết dạy trực tuyến là hết sức bình thường. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi cho cả giáo viên, phụ huynh và HS.
Cụ thể, khi HS có đường truyền mạng không đủ chất lượng hay vắng nghỉ học trong tiết học đó thì các em có thể xem lại tiết học đã ghi hình lại. Đây cũng là minh chứng để bảo vệ cho giáo viên về việc đã triển khai tiết dạy trực tuyến hoặc trong giờ dạy có những điều gì sơ sảy, phụ huynh phản ánh những điều không tốt chẳng hạn thì đó chính là minh chứng cho giáo viên.
Trên thực tế, nhiều trường cũng đã áp dụng việc ghi hình tiết học trực tuyến để ban giám hiệu và tổ bộ môn góp ý khi cần. Tại Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), giáo viên chủ nhiệm sẽ là người quản lý chung có thể kiểm tra được việc làm bài tập của HS và có thể dự giờ tất cả các lớp học để hỗ trợ đồng nghiệp của mình trong công tác quản lý. Ban Giám hiệu và Tổ tin học sẽ chịu trách nhiệm giám sát chung toàn bộ hệ thống. Mỗi tiết học sẽ được ghi hình để có thể xem lại hoặc góp ý khi cần. Giáo viên nhận xét, đánh giá giờ học trên Sổ ghi đầu bài trực tuyến để ghi nhận sự tham gia tích cực của HS cũng như khuyến cáo những HS chưa nghiêm túc.
Cách làm này theo cô Đỗ Thu Hà (Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành) ban đầu sẽ cảm thấy hơi áp lực nhưng khi tập huấn về giảng dạy trực tuyến, các thầy cô đều đã biết về chức năng ghi hình trong tất cả các phần mềm và biết cách sử dụng để ghi lại tất cả các giờ dạy. Điều này có thể đảm bảo quyền lợi cho chính thầy cô trước hết và đối với học trò, khi biết được việc này cũng sẽ hiểu mỗi buổi học đều quan trọng, đó là cả một quá trình rèn luyện, đánh giá thường xuyên chứ không phải chỉ điểm thi cuối kỳ nên các em sẽ có ý thức hơn.
Động viên, hỗ trợ giáo viên
Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GDĐT cho rằng trước hết thầy cô phải xác định dạy trực tuyến là bất cứ lúc nào cũng có khả năng “lên sóng” toàn quốc ngay tại thời điểm đó. Thầy cô không chỉ đang dạy 40, 50 HS của lớp mà có thể hàng triệu người xem bởi hiện nay có rất nhiều thiết bị và phần mềm ghi hình lại buổi học trực tuyến với cách sử dụng rất đơn giản.
Hiện nay Bộ GDĐT không có quy định về việc ghi hình các tiết dạy học trực tuyến mà việc này phụ thuộc vào quan điểm, cách làm của từng trường. Tuy nhiên, theo ông Ngọc, nếu trường nào có quy định về việc ghi hình thì cần thông báo cụ thể để thầy cô biết và có sự chuẩn bị tâm lý. Áp lực ban đầu là không tránh khỏi. Về lâu dài, nếu xuất phát từ động cơ tốt đẹp là sau mỗi buổi học, thầy cô trong tổ bộ môn hay ban giám hiệu, thậm chí chính giáo viên có thể xem lại tiết học để góp ý cho giáo viên hoàn thiện hơn thì việc này có thể nhận được sự đồng thuận từ giáo viên. Vấn đề là phải động viên, khuyến khích giáo viên làm tốt và có hỗ trợ, hướng dẫn để những giáo viên làm chưa tốt khắc phục dần dần – đó mới là ý nghĩa quan trọng của việc ghi hình lại tiết dạy trực tuyến chứ không phải nhằm “săm soi”, bắt lỗi giáo viên.
“Phải hiểu và thông cảm rằng chúng ta mới bắt đầu dạy học trực tuyến, giáo viên mới được tập huấn, bồi dưỡng chứ không được đào tạo bài bản nên có những thầy cô vẫn còn đang lúng túng là điều có thể hiểu. Cần thêm thời gian để tập dượt cho nhuần nhuyễn” - ông Ngọc nói.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT Nguyễn Xuân Thành gợi ý các thầy cô giáo có thể thiết kế trước các video clip bài giảng nội dung dạy học cốt lõi gửi cho học sinh trước tiết học, kèm theo nhiệm vụ cụ thể khi nghiên cứu học liệu. Thời gian tại lớp học trực tuyến giáo viên sử dụng để cho học sinh thảo luận, giải đáp, sửa chữa, chốt kiến thức, tăng cường tương tác với học sinh. Như vậy, tiết học trực tuyến có thể giảm xuống được còn 30 - 35 phút mà vẫn đảm bảo được mục tiêu. Việc này sẽ khuyến khích học sinh tự học, đọc tài liệu, thực hiện nhiệm vụ được giao, còn giáo viên dù dạy trực tuyến một tiết nhưng thời gian làm việc thực tế bao gồm cả việc thực hiện xây dựng các video clip bài giảng, thiết kế các nhiệm vụ học tập, hướng dẫn, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh.