Mức giá cát hiện tại cao đến đỉnh điểm, gấp 3 - 4 lần so với thời gian trước. Giá sắt thép xây dựng cũng tăng mạnh, riêng thép công nghiệp đang tăng kỷ lục đến 20% từ đầu quý III/2017 đến nay. Điều gì đã làm cho những mặt hàng thiết yếu trong công nghiệp vật liệu xây dựng lại tăng chóng mặt như vậy?
Giá cát tăng mạnh càng gây khó khăn cho việc quản lý, khai thác, sử dụng.
Ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc một doanh nghiệp (DN) xây dựng ở Bình Dương, than phiền rằng mức giá cát trong nhiều tháng nay cùng một số loại vật liệu xây dựng như sắt thép đang quá cao so với mức giá của mấy tháng trước. Đơn cử như giá cát bê tông loại 1 hiện lên đến hơn 500.000 đồng/m3, tăng gấp 3 - 4 lần.
Theo ghi nhận, thời gian qua, giá cát xây dựng dùng cho bê tông đã tăng với biên độ từ 50-200% so với giá cát tại thời điểm các cơ quan chức năng mở đợt cao điểm phòng chống khai thác cát trái phép hồi đầu năm nay.
Đặc biệt, theo dự báo số lượng cát được sử dụng sẽ ngày càng tăng cao hơn, sẽ đạt 130 triệu m3/năm vào năm 2020 trong khi cách đây 2 năm nhu cầu cát xây dựng còn ở mức khoảng 92 triệu m3.
Trong khi đó, theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), nguồn khai thác cát được cấp phép hợp pháp chỉ đáp ứng được khoảng 60 - 65% nhu cầu xây dựng tại các đô thị lớn, những vùng kinh tế phát triển cần đẩy mạnh hạ tầng giao thông.
Điều đáng lo từ một con số ước tính khoảng 35 - 40 triệu m3 cát mỗi năm hiện đang được sử dụng vào các công trình xây dựng, công trình giao thông thuộc diện không rõ nguồn gốc hay gọi cách khác là cát tặc, cát lậu.
Với mức độ sử dụng cát như hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại đến năm 2020 sẽ không còn cát phục vụ công trình xây dựng.
Cùng với việc tăng giá cát, giá vật liệu thì một nỗi lo khác mà các DN xây dựng phải đối mặt là giá sắt thép cũng có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây, làm cho các nhà thầu thi công vấp phải áp lực lớn.
Nhu cầu thép xây dựng vẫn đang diễn biến theo hướng đi lên. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết vào tháng 7-2017 các nhà máy thép đã tăng giá 3 - 4 lần với mức tăng từ 6,7 - 8,2% chỉ trong vòng một tháng.
Theo lý giải, việc DN, người dân có nhu cầu tiêu thụ ở mức cao khi đồng loạt tiến hành xây dựng khiến nhu cầu thép tăng và giá bị đẩy lên theo.
Nhiều DN xây dựng tỏ ra lo lắng về tình trạng “thổi giá” của một số DN cung cứng thép và các cửa hàng kinh doanh dẫn đến những đợt tăng giá chóng mặt như hiện giờ.
Theo Tổng cục Hải quan, lượng sắt thép các loại được nhập khẩu về Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với 5,18 triệu tấn.
Giới chuyên gia thì cho rằng, sở dĩ giá thép tăng là do thị trường thép sôi động trở lại, giá thép phục hồi, trong khi ngành thép ở trong nước phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu và bán thành phẩm để phục vụ cho sản xuất.