Bản thân nhan sắc đã là tài sản, thậm chí đã là tài năng, ai đó nói thế không phải không có lý. Mà phẩm hạnh của nhan sắc thì không phải là thứ mang ra định giá.
Dư luận mấy hôm nay bàn nhiều đến con số 30 ngàn đô la Mỹ. Con số ấy là nhiều hay ít. Để cho dễ, cứ hình dung nó tương đương với khoảng 10 năm thu nhập của một người lao động. Đấy là tôi làm tròn, đấy là tôi cũng lạc quan nghĩ người lao động có mức thu nhập trung bình 10 năm tương đương 30 ngàn đô la Mỹ. Mà 30 ngàn đô la Mỹ là giá một lần bán dâm của một người đẹp trong đường dây mại dâm vừa được khui ra thấy bảo gồm toàn người đẹp có tiếng.
Nói cho công bằng chỉ riêng việc dư luận quá hứng thú với việc bình luận về con số 30 ngàn đô la Mỹ cũng cho thấy, về mặt bản năng, chả cái gì khiến người ta vừa tò mò vừa thích thú hơn là những câu chuyện liên quan đến sex hay mại dâm. Tham nhũng triệu đô cũng không làm người ta ồn ào đến thế. Nhưng mại dâm 30 ngàn đô la Mỹ, nhất là lại liên quan đến, nghe bảo, toàn người mẫu với hoa hậu, thì nhất định là đề tài quá hot. Trong số những bình luận vừa tò mò vừa thích thú, không thiếu gì những ý kiến nhân danh đạo đức để phán xét, dù có thể nếu có đủ điều kiện, có khi những “nhà đạo đức” ấy cũng bỏ 30 ngàn đô la Mỹ cho một lần cận kề người đẹp.
Ở ngoài vỉa hè, trên mạng xã hội và đôi khi cả ở chốn công sở, nhiều người chép miệng: Với mức giá ấy, những người đẹp khó cưỡng lại được cám dỗ. Người ta dẫn lời ai đó là cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền.
Nghĩa là dư luận những ngày qua đồng tình rằng mức giá 30 ngàn đô la Mỹ cho một lần bán dâm (dù là đẹp cỡ hoa hậu) cũng là mức giá quá cao và nó giống như một thứ cạm bẫy của nhan sắc.
Với đại đa số đàn ông có thu nhập trung bình, việc bỏ ra 30 ngàn đô la Mỹ đánh đổi lấy một lần sở hữu mỹ nhân có lẽ là giấc mơ không tưởng. Vì đó là số tiền tương đương với, có thể là, gia sản của một gia đình. Thế cho nên không khó để hình dung ra việc ai là người có thể chi ra khoản tiền nhiều đến thế. Đại gia và chân dài. Qui luật tình tiền đổi chác ấy vốn râm ran lâu nay. Nhà nước chưa công nhận mại dâm là một nghề. Cho nên, những râm ran ấy cũng chỉ là đồn thổi, cho đến khi nào có một đường dây bị đổ bể, bị cơ quan chức năng phát hiện ra.
Đã từng có những hoa hậu cũng tham gia vào việc làm “tú bà” và phải đi tù. Đã từng nhiều lần công an bắt được một vụ mại dâm cao cấp mà danh sách có thể bao gồm các hoa hậu, người mẫu. Nhưng sau đó là gì? Người ta không trả lời được. Rồi đến một ngày nào đó lại lộ ra một vụ, như lần này, với giá tiền của một lần bán dâm vụ sau thường cao hơn vụ trước.
Trong số các “đại gia” sẵn sàng chi tiền, ít khi người ta làm rõ được xem “đại gia” đó là những ai, có cán bộ, công chức hay không. Báo chí và dư luận mỗi lần như vậy lại bàn tán và cùng lắm là tỏ sự miệt thị mỹ nhân. Cho nên, người có tiền mua dâm vẫn coi như là vô can vậy. Ở Việt Nam, mại dâm chưa phải là một nghề thì việc mua dâm càng không được chấp nhận. Nhưng vì ở vị trí vô can, “đại gia” lần sau lại vung tiền mua người đẹp, mà với những mức giá người đẹp đôi khi khó có thể không xiêu lòng.
30 ngàn đô la là số tiền lớn. Nhưng có lớn so với phẩm hạnh của nhan sắc hay không? Câu trả lời này thường có nhiều phương án khác nhau. Giá trị con người trong mỗi hệ quy chiếu khác nhau. Với những người này giá trị là phẩm hạnh, với người kia giá trị được quy bằng vật chất.
Nhà văn Mario Puzo – Tác giả của Bố già bán chạy nhất mọi thời đại tuyên ngôn khi so sánh tác phẩm của ông với vài tác phẩm kinh điển khác: Cái gì không làm ra tiền thì không có giá trị. Bố già xứng đáng để ông ngạo nghễ nói thế.
Nhưng cả câu tuyên ngôn của nhà văn lẫn cái câu nói đầy tính giang hồ rằng cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền, không phải là áp vào việc gì cũng đúng.
Bản thân nhan sắc đã là tài sản, thậm chí đã là tài năng, ai đó nói thế không phải không có lý. Mà phẩm hạnh của nhan sắc thì không phải là thứ mang ra định giá. 30 ngàn đô la Mỹ là số tiền quá to đối với người nghèo. Nhưng nó đôi khi cũng vẫn là rẻ mạt để đánh đổi phẩm hạnh mỹ nhân.