Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ các bé gái vị thành niên bị đối tượng xấu lạm dụng tình dục, hiếp dâm, khiến các bậc phụ huynh hết sức bất an. Nguyên nhân là do các cháu thiếu kỹ năng sống, dễ dàng bị các đối tượng dụ dỗ.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) vừa bắt Nguyễn Văn Phương (33 tuổi, trú tại thôn Trung Sơn, xã Hòa Sơn) để điều tra về hành vi hiếp dâm trẻ em. Phương bị cáo buộc có hành vi dụ dỗ một bé gái chưa đủ 16 tuổi, gạ gẫm quan hệ tình dục bất thành nên đã đe dọa để hiếp dâm. Tất nhiên, Phương sẽ phải trả giá cho hành vi bỉ ổi của hắn, song vết thương đối với bé gái nói trên sẽ khó mà lành được.
Điều tra bước đầu của cơ quan công an xác định, Phương làm quen với bé gái nói trên qua mạng xã hội. Sau một thời gian trò chuyện trên facebook, Phương hẹn gặp bé gái đi chơi tâm sự. Quá trình tán tỉnh, Phương gạ quan hệ tình dục nhưng bị bé gái từ chối nên đã đe dọa sẽ giết chết nếu không cho hắn giao cấu. Khốn nạn hơn, sau khi hiếp dâm xong, Phương lấy điện thoại chụp lại ảnh khỏa thân của bé gái rồi mới bỏ đi.
Đáng buồn là câu chuyện đau lòng đối với bé gái ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) nói trên lại không phải lần đầu tiên xảy ra. Thời gian qua có khá nhiều bé gái cũng đã bị các đối tượng lưu manh lạm dụng tình dục, hiếp dâm, vì tin tưởng đi chơi với chúng. Có một câu hỏi đặt ra ở đây, đó là trong nhiều trường hợp chỉ là quen nhau trên mạng xã hội facebook, vì sao các bé gái lại dễ dàng tin tưởng “hẹn hò” với những tên “yêu râu xanh”?
Các chuyên gia tâm lý giải thích, đó là do các cháu thiếu kỹ năng sống, không được dạy những bài học cảnh giác cần thiết nên dễ dàng bị những đối tượng xấu dụ dỗ. Nhiều gia đình chiều con nên từ rất sớm đã trang bị cho chúng những chiếc điện thoại thông minh, nhưng lại không dạy cho chúng biết cách đề phòng những tình huống xấu xảy ra, không dặn chúng đừng dễ dàng tin tưởng kẻ lạ sẽ mang họa vào thân.
Khi mà những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” lang thang trên mạng xã hội, làm sao có thể tránh được những kẻ xấu rắp tâm rình rập, giăng bẫy dụ dỗ? Ngay cả nhiều người lớn còn khó có thể để phòng, vẫn bị sập bẫy lừa đảo của những đối tượng lưu manh, sở khanh, nói gì đến những bé gái còn non nớt kinh nghiệm sống. Mới đây thôi, Công an Hà Nội đã tiếp nhận đơn của hàng chục phụ nữ tố bị 1 nam thanh niên lừa tình.
Đến các phụ nữ từng lập gia đình, qua nhiều va vấp xã hội, có nhiều trải nghiệm cuộc sống như vậy mà vẫn bị một tên sở khanh lừa cả tình lẫn tiền, huống hồ gì các bé gái mới đang chập chững ở ngưỡng cửa cuộc sống. Hiện, một số phụ huynh không có thời gian gần gũi, tâm sự, giám sát con cái, nên việc các cháu giao du với ai, làm quen với người nào trên mạng xã hội họ đều không biết, làm sao có thể kịp thời ngăn chuyện xấu xảy ra?
Cũng theo các chuyên gia tâm lý, còn một nguyên nhân khác cũng là tác nhân chính dẫn đến việc nhiều phụ nữ, nhất là những phụ nữ trẻ bị các đối tượng sở khanh lừa tình, lừa tiền. Đó là trong xã hội hiện đại ngày nay, phụ nữ thoải mái giao lưu, cởi mở hơn trong các mối quan hệ, không còn quá khép kín như trước nên cũng dễ dàng lọt vào cạm bẫy của những kẻ bất lương đang rắp tâm rình rập.
Nếu như thời xưa, con gái thường được cha mẹ dạy dỗ phải e thẹn, kín đáo, hạn chế nếu như không muốn nói là cấm làm quen với “trai lạ”, thì những kẻ xấu cũng khó có cơ hội tiếp cận làm quen để lừa đảo. Nói như vậy không phải là để cổ súy cho hủ tục lạc hậu “cấm cung” con gái trong nhà của thời phong kiến. Song, chí ít các bậc phụ huynh cũng cần phải “để mắt” tới các cháu gái đang ở lứa tuổi dậy thì.
Quan tâm chia sẻ, tâm sự, kể cả giám sát không phải là cấm đoán con cái một cách cực đoan, xâm phạm quyền riêng tư của chúng. Sự gẫn gũi của các bậc phụ huynh sẽ tạo được độ tin cậy cho con trẻ, để chúng dám chia sẻ những điều thầm kín, những khó khăn, vướng mắc chúng đang gặp phải. Và thay vì đe nẹt bảo chúng phải làm cái gì, các bậc làm cha, làm mẹ dùng sự hiểu biết của mình để phân tích điều hay lẽ phải cho chúng.
Mỗi khi chuyện xấu xảy ra với con cái, trước tiên các bậc phụ huynh hãy trách bản thân mình trước khi trách kẻ xấu, trách xã hội, trách Trời, trách đất. Nếu các bậc phụ huynh thay vì phó mặc con cái cho nhà trường, xã hội với tư duy chỉ cần cung cấp đầy đủ vật chất chúng cần là được, thì dành thời gian tìm hiểu xem chúng đang nghĩ gì, muốn gì, có lẽ mọi chuyện xấu sẽ kịp thời được phát hiện, ngặn chặn, không có cơ hội xảy ra. Vậy nên, các thiếu nữ và các bậc phụ huynh hãy cẩn trọng, bởi cái giá của sự dễ dãi rất đắt.