Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, nhiều dự án đầu tư công phải điều chỉnh, tăng tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng do chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng.
Điều chỉnh tăng hàng nghìn tỷ đồng
Trong các năm 2021 - 2022, Hải Phòng có 13 dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư được duyệt hơn 14.634 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng trong những năm này, những dự án đầu tư công đã phải điều chỉnh, tăng tổng mức đầu tư lên đến hơn 17.323 tỷ đồng, tăng hơn 2.688 tỷ đồng so với quyết định được phê duyệt chủ trương đầu tư trước đó.
Các dự án đầu tư công phải điều chỉnh tổng mức đầu tư giai đoạn 2021 - 2022 là các dự án đầu tư, cải tạo, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường như Dự án đường trục Hồ Sen - Cầu Rào 2 (quận Lê Chân) phải điểu chỉnh, tăng thêm hơn 651 tỷ đồng so với quyết định chủ trương đầu tư trước đó.
Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp mở rộng đường Máng Nước (trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, đoạn từ cầu Bính đến Thị trấn Núi Đèo) được điều chỉnh từ hơn 486 tỷ đồng lên hơn 1.036 tỷ đồng, tăng hơn 550 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần tổng vốn đầu tư so với quyết định chủ trương đầu tư lần đầu.
Đối với 2 Dự án Trung tâm Hành chính - Chính trị và Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn đều ở Khu đô thị mới Bắc sông Cấm được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2021 nhưng đến năm 2022 cũng đã được điều chỉnh tăng tổng cộng hơn 811 tỷ đồng. Trong đó, Dự án Trung tâm Hành chính - Chính trị có quyết định lần đầu từ hơn 1.785 tỷ đồng được điều chỉnh tăng thêm hơn 551 tỷ đồng, đưa tổng mức đầu tư dự án thành hơn 2.336 tỷ đồng. Dự án Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn cũng được điều chỉnh tăng hơn 260 tỷ đồng...
Ngoài ra, một số dự án khác cũng có tổng mức điều chỉnh tăng tương đối lớn như Dự án đầu tư, cải tạo đường tỉnh 359 (trên địa bàn huyện Thủy Nguyên), đoạn từ cầu Bính đến xã Trung Hòa tăng từ hơn 1.316 tỷ đồng lên hơn 1.819 tỷ đồng, tăng hơn 503 tỷ đồng so với quyết định chủ trương đầu tư ban đầu. Dự án đầu tư, cải tạo đường tại thị trấn Minh Đức (huyện Thủy Nguyên) cũng được điều chỉnh từ hơn 305 tỷ đồng lên thành hơn 442 tỷ đồng, tăng hơn 136 tỷ đồng so với quyết định ban đầu.
Tăng mạnh chi phí đền bù, GPMB
Theo lý giải từ Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Hải Phòng, giai đoạn 2016 - 2020, những dự án đầu tư công có tỷ lệ điều chỉnh tăng cao do các dự án này đều có sử dụng đất, có việc thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) trong khi giá đất tại các khu vực này tăng đột biến. Trong số hơn 3.330 tỷ đồng tăng thêm tổng mức đầu tư thì số tăng thêm cho việc đền bù GPMB đã hơn 1.669 tỷ đồng, chiếm 50% tổng mức đầu tư tăng thêm. Hơn 1.661 tỷ đồng tăng thêm còn lại của các dự án là do điều chỉnh quy mô dự án đầu tư công,
Tương tự, giai đoạn 2021- 2022, các dự án đầu tư công phải điều chỉnh tổng mức đầu tư cũng được xác định do đơn giá đền bù GPMB; đơn giá đền bù, hỗ trợ vật kiến trúc trên địa bàn có mức tăng bình quân 8,4 lần so với thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Đặc biệt, tại huyện Thủy Nguyên, có những khu vực, đơn giá đền bù về đất tăng tới 15 lần so với khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư công đã khiến cho tổng mức đầu tư các dự án này phải điều chỉnh.
Ngoài ra, theo đánh giá từ Sở KHĐT Hải Phòng, do một số dự án phải điều chỉnh quy mô đầu tư (Dự án xây dựng trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2) hay phương án kiến trúc được duyệt có sự thay đổi so với chủ trương đầu tư lần đầu (2 dự án Trung tâm Hành chính - Chính trị và Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn) cũng làm tăng tổng mức đầu tư đối với một số dự án đầu tư công.
Đầu tư công được xác định là động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Nguồn vốn đầu tư công, nhất là các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có tác động lan tỏa đền nền kinh tế. Tuy nhiên, việc các dự án đầu tư công phải điều chỉnh tổng mức đầu tư có thể dẫn đến dự án bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn của địa phương.
Để các dự án đầu tư công phát huy hiệu quả vốn đầu tư công, hạn chế tối đa việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đầu tư công, Hải Phòng yêu cầu UBND các quận, huyện phải lập, cung cấp, chịu trách nhiệm trước TP Hải Phòng về số liệu địa chính, xác định đơn giá đền bù, địa điểm tái định cư cũng như quản lý nguồn gốc đất, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu một cách chính xác cho cơ quan chuẩn bị đầu tư để nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định chủ trương đầu tư nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư.