Trung tuần tháng 2/2023, Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Haitham Al Ghais cho biết, tổ chức này kỳ vọng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2023 sẽ gia tăng trở lại về mức như trước đại dịch Covid-19. Trong khi đó, giá dầu thế giới giảm khi dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh.
Phát biểu tại Triển lãm Dầu khí Ai Cập (EGYPS) 2023 diễn ra ở thủ đô Cairo, ông Ghais cho rằng nhu cầu dầu dự kiến đạt mức gần 102 triệu thùng/ngày trong năm nay và con số này sẽ tăng lên 110 triệu thùng/ngày vào năm 2025. Dù vậy, ông khẳng định OPEC vẫn duy trì cam kết hỗ trợ sự ổn định của thị trường.
Tuy nhiên, cả OPEC lẫn OPEC+ (liên minh giữa OPEC và một số nhà sản xuất dầu bên ngoài, trong đó có Nga) đều không công bố dự báo và đề ra mục tiêu về giá dầu. Giới chức OPEC và OPEC+ cũng ít khi công khai bàn về hướng đi của giá dầu.
Trong khi đó, ông Afshin Javan - đại diện của Iran tại OPEC cho rằng, giá dầu có thể tăng trở lại mức 100 USD/thùng từ tháng 6/2023.
Theo đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), “bàn cờ” năng lượng năm 2023 dự báo đứng trước nhiều ngã rẽ, tuy rằng tại thời điểm trung tuần tháng 2/2023 đang cho thấy có những tín hiệu hạ nhiệt. “Các nước Vùng Vịnh có vẻ đang cho thấy họ hài lòng với mức giá giao động quanh 80 USD/thùng, thay vì cố hành động để đẩy giá lên tới gần 100 USD/thùng như một số dự báo trước đây. Và cũng vì thế mà rất có thể giá dầu năm nay sẽ không vượt qua mốc 100 USD/thùng mà sẽ dao động xung quanh mốc 90 USD/thùng” - ông Leon Li, nhà phân tích tại Công ty Dịch vụ Tài chính CMC Markets (Anh) nhận định.
Giá dầu mỏ thế giới đã bắt đầu “loạn nhịp” từ cuối năm 2021. Cho đến cuối tháng 2/2022, khi Mỹ và các nước phương Tây áp dụng lệnh cấm đối với dầu mỏ Nga, thì giá dầu mỏ trên thị trường thế giới tăng mạnh. Tại thời điểm 7/3/2022, trung bình giá dầu mỏ thế giới gần ngưỡng 140 USD/thùng; trong khi với 60 USD/thùng thì các nhà sản xuất dầu mỏ đã có lãi.
Sau đó, giá dầu mỏ đi xuống nhưng cho đến tháng 1/2023 thì cũng không dưới 100 USD/thùng.
Để hỗ trợ giá dầu, tháng 10/2022, OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới. Việc giá dầu quay trở lại mức trên 100 USD/thùng trong thời gian dài có lợi cho các thành viên OPEC+ vốn có nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào thu nhập từ dầu mỏ nhưng lại là một trở ngại đối với các nền kinh tế công nghiệp hóa đang cố gắng kiểm soát lạm phát và lãi suất.
Giá dầu mỏ tăng đem lại lợi nhuận cho các nước xuất khẩu dầu mỏ nhưng lại khiến lạm phát tăng cao trên phạm vi toàn cầu.
Mỹ, thị trường tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới cũng là quốc gia có nhiều tập đoàn dầu mỏ hàng đầu, ở thời điểm ngày 16/2/2023, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 3/2023 giảm còn 78,59 USD/thùng tại New York; giá dầu Brent giao tháng 4/2023 xuống còn 85,38 USD/thùng. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô thương mại của nước này tăng 16,3 triệu thùng trong tuần kết thúc giữa tháng 2/2023.
Còn trên thị trường thế giới, giá dầu Brent giao tháng 2/2023 có lúc giảm xuống 83,55 USD/thùng. Sở dĩ giá dầu quay đầu giảm sau khi tăng mạnh một thời gian dài vì Trung Quốc tuyên bố dỡ bỏ các yêu cầu kiểm dịch đối với người nước ngoài nhập cảnh từ ngày 8/1/2023.
Tuy vậy, theo ông Leon Li - nhà phân tích tại Công ty Dịch vụ Tài chính CMC Markets (Anh), ngay cả khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế về Covid-19, nhu cầu nhiên liệu cũng khó phục hồi trong thời gian ngắn do hoạt động ngoài trời của người dân giảm, còn cần thêm thời gian để trở lại nhịp điệu trước đại dịch (năm 2019 trở về trước). Ông Li cũng cho rằng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2023 cũng sẽ khiến giá dầu mỏ khó có thể tăng lên.
Theo Nicholas Farr - nhà kinh tế tại Công ty Nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh), hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá về diễn biến giá dầu thô trong năm 2023. “Nhưng chúng ta có thể thấy, rất có thể nó sẽ “loạn nhịp” khi mà sự hồi phục kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng. Mặt khác, quan trọng hơn là các tập đoàn sản xuất cũng như kinh doanh dầu mỏ không dễ gì từ bỏ lợi nhuận béo bở khi mà giá dầu tăng. Năm qua (năm 2022), cho dù kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, lạm phát tăng mạnh thì các tập đoàn dầu mỏ vẫn lãi lớn” - ông Farr nói.
Chính vì thế, đã gần qua 2 tháng của năm 2023 nhưng giới tài chính vẫn không xác định được diễn biến của giá dầu thô năm nay. Trong khi nhiều ý kiến cho rằng năm 2023 được dự báo sẽ là năm tiếp tục khó khăn với ngành năng lượng, trong đó nguồn cung dầu vẫn là thách thức với các nước tiêu thụ và giá dầu tiếp tục diễn biến khó lường.
Nhóm OPEC+ (bao gồm 23 nước xuất khẩu dầu mỏ với 13 nước thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và 10 nước khác, trong đó có Nga) đã tuyên bố chưa thay đổi quyết định giảm mức độ khối lượng xuất khẩu dầu mỏ hàng ngày đã được thông qua và áp dụng từ tháng 11 vừa qua cho tới cuối năm 2023.
Trong báo cáo hằng tháng về thị trường dầu mỏ công bố mới đây, OPEC vẫn dự báo nhu cầu dầu thô của thế giới sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày trong năm 2023, thấp hơn so với ước tăng 2,5 triệu thùng/ngày của năm 2022. OPEC nêu rõ: "Mức dự báo này vẫn bị chi phối bởi các yếu tố, bao gồm triển vọng không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu, sự thay đổi trong các chính sách ngăn chặn đại dịch Covid-19 và những căng thẳng địa chính trị".
Như vậy, thị trường dầu mỏ thế giới vẫn có thể “loạn nhịp”. Nói như Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Suhail Al Mazrouei thì “đó không hẳn là dự báo bi quan, mà phải coi là cảnh báo đối với tất cả các quốc gia trong năm 2023”.