Trong phiên giao dịch ngày 21/3, giá dầu thế giới chạm mức cao nhất trong sáu tuần qua, với sự hậu thuẫn của một loạt nhân tố: lượng dầu dự trữ của Mỹ bất ngờ giảm mạnh; Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu mỏ khác tuân thủ chặt chẽ thỏa thuận cắt giảm sản lượng; và thị trường đang lo ngại về "số phận" của thỏa thuận hạt nhân Iran.
Công nhân làm việc tại cơ sở lọc dầu ở Basra, Iraq ngày 14/12/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Cụ thể, khép lại phiên này, tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 5/2018 tăng 1,63 USD, hay 2,6% lên 65,17 USD/thùng, mức cao nhất kể từ phiên 2/2/2018, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tăng 3% lên 69,47 USD/thùng.
Số liệu được công bố mới đây của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu thô dự trữ của nước này bất ngờ giảm 2,6 triệu thùng, trong khi trước đó các nhà phân tích dự đoán lượng dầu thô dự trữ của Mỹ sẽ tăng thêm 2,5 triệu thùng.
Cùng ngày, OPEC cũng cho biết mức tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài khối đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng Hai.
Trong khi đó, thị trường vẫn đang lo ngại rằng Mỹ có thể tái áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Iran. Công ty tư vấn năng lượng FGE cho rằng các lệnh trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt với Iran có thể khiến lượng dầu xuất khẩu của quốc gia Trung Đông này giảm từ 250.000-500.000 thùng/ngày vào cuối năm nay so với mức xuất khẩu 2-2,2 triệu thùng/ngày hồi đầu năm 2016 khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.