Trong phiên giao dịch ngày 3/1, giá dầu thế giới tăng khoảng 2% lên mức cao nhất trong hai năm rưỡi qua, do tình hình bất ổn ở Iran và số liệu kinh tế lạc quan của Mỹ và Đức thúc đẩy hoạt động mua vào.
Ảnh minh họa (Nguồn: Lab Reporter).
Cụ thể, tại thị trường New York/London, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) khép lại phiên này tăng 1,26 USD, hay 2,1%, lên 61,63 USD/thùng. Trong khi giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,9% (khoảng 1,27 USD) và chốt phiên ở mức 67,84 USD/thùng. Trong phiên này, giá dầu WTI đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2015, còn giá dầu Brent có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2015.
Một yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu trong phiên này là tình trạng bất ổn ở Iran, một thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 3/1 thông báo làn sóng bất ổn diễn ra tại nước Cộng hòa Hồi giáo trong sáu ngày qua đã kết thúc. Bạo loạn và đụng độ trong các cuộc biểu tình ở Iran đã khiến ít nhất 21 người thiệt mạng.
Bên cạnh đó, một loạt số liệu kinh tế lạc quan của Đức và Mỹ cũng góp phần tạo nên sự khởi sắc của giá dầu. Tỷ lệ thất nghiệp của Đức đã rơi xuống mức thấp nhất trong tháng 12 vừa qua, qua đó củng cố đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Kinh tế Mỹ cũng phát đi tín hiệu tích cực khi hoạt động sản xuất tại các nhà máy tăng mạnh hơn dự đoán trong tháng 12.
Vào cuối phiên giao dịch, Viện dầu mỏ Mỹ (API) cho biết lượng dầu dự trữ của nước này đã giảm 5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 29/12 và Bộ Năng lượng Mỹ dự kiến sẽ công bố kết quả chính thức trong ngày hôm nay.
Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng gần 16% kể từ giữa năm 2016, lên 9,75 triệu thùng vào thời điểm cuối năm ngoái.