Giá dầu thế giới tiếp tục tăng

Thanh Đức 17/10/2023 06:40

Báo cáo thường niên của OPEC được truyền thông quốc tế loan tin ngày 16/10, cho biết nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ đạt 116 triệu thùng/ngày vào năm 2045; tăng 16,5% so với nhu cầu tiêu thụ dự báo ở mức 99,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023.

Giá dầu trên thế giới tiếp tục leo thang. Nguồn: Bloomberg.

Nhu cầu nhiên liệu hóa thạch vẫn tăng

Như vậy, bất chấp những kêu gọi về năng lượng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để không làm nóng bầu khí quyển, thì nhu cầu sử dụng năng lượng hóa thạch vẫn gia tăng, điều đó cho thấy có khả năng giá dầu mỏ sẽ còn bị đẩy lên.

Theo Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nhu cầu dầu toàn cầu tiếp tục tăng trong khoảng hơn 20 năm tới, chủ yếu do nhu cầu ngày càng cao của các nước mới nổi và các nước đang phát triển.

Tổng Thư ký OPEC, ông Haitham Al Ghais cho rằng, nhu cầu dầu mỏ khả năng còn cao hơn nữa khi mà thế giới sẽ tiếp tục cần nhiều năng lượng hơn. Để đáp ứng nhu cầu này, OPEC cho rằng sẽ vẫn cần đầu tư thêm vào hoạt động sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Từ nay đến năm 2045, mỗi năm cần đầu tư khoảng 610 tỷ USD.

“Sẽ là sai lầm nếu kêu gọi ngừng đầu tư vào những dự án khai thác dầu khí mới vì những lời kêu gọi như vậy có thể dẫn đến sự hỗn loạn trên thị trường năng lượng, kéo theo những hệ lụy tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế khi mà năng lượng tái tạo vẫn chưa thể chiếm ưu thế” - ông Ghais nói và cho rằng nhu cầu dầu sẽ tăng thêm 2,2 triệu thùng/ngày trong 2024.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), ông Suhail al-Mazrouei, cũng cho rằng cần đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch để đảm bảo giá nhiên liệu phù hợp với người tiêu dùng. Trước đó, năm 2021, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã kêu gọi tạm ngừng đầu tư mới vào những dự án sản xuất nhiên liệu hóa thạch để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.

Mối lo đến từ giá dầu

Trong khi mối lo giá đến từ việc OPEC và OPEC+ (liên minh gồm các thành viên sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ trong và ngoài OPEC) giảm sản lượng sẽ đẩy giá dầu lên cao, thì cuộc chiến giữa Hamas và Israel càng khiến mối lo lớn hơn.

Trong vòng 10 ngày qua, giá dầu Brent đã tăng 4,7% lên mức 86,65 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) cũng tăng 4,5% lên mức 88,39 USD/thùng. Theo các chuyên gia phân tích của Ngân hàng ANZ, rủi ro địa chính trị gia tăng tại Trung Đông sẽ “hỗ trợ giá dầu” với khả năng biến động mạnh hơn trong thời gian tới. Còn theo các nhà phân tích của Ngân hàng CBA (Australia) có thể giá dầu Brent sẽ vượt 100 USD/thùng trong ngắn hạn.

TS Edward Moya - nhà phân tích thị trường tại Công ty OANDA, cho rằng giá dầu thô tiếp tục chịu sự chi phối của các động lực từ phía nguồn cung. Cho dù xung đột Hamas - Israel có lắng xuống thì nhiều khả năng OPEC cùng các đồng minh (OPEC+) vẫn sẽ thắt chặt thị trường dầu trong mùa Đông.

Bài viết “OPEC+ và thị trường dầu mỏ toàn cầu” trên của Viện Nghiên cứu hòa bình và xung đột (IDSA) cho biết, từ năm 2017 đến đầu năm 2023, giá dầu thô toàn cầu ở mức khoảng 60 đến 80 USD/thùng, so với mức 30 USD/thùng năm 2016. Điều đó cho thấy nhu cầu dầu mỏ trên phạm vi toàn cầu là rất lớn, không ngừng tăng từ đó kéo giá dầu lên cao. Riêng OPEC kiểm soát khoảng 35% nguồn cung dầu toàn cầu và nếu tính cả OPEC+ thì con số đó vào khoảng 46%. Trong khi đó, để duy trì sự ổn định của thị trường dầu mỏ, các thành viên OPEC+ tích cực theo đuổi các chính sách củng cố thị phần cũng như tối đa hóa lợi ích kinh tế.

Trên thực tế OPEC+ đóng một vai trò quan trọng trong việc cân bằng thị trường dầu mỏ. Vấn đề là họ áp dụng chính sách gì: thắt chặt năng lực khai thác hay là nới lỏng? Điều đó tác động vừa trực tiếp vừa lâu dài đến giá dầu thế giới, cũng như mang ý nghĩa then chốt trong tăng trưởng hay suy thoái của kinh tế toàn cầu.

Vậy, giá dầu trên thị trường thế giới sẽ lên ở mức nào? Nhiều nhà kinh tế cho rằng mức giá trên dưới 86 USD/thùng ở thời điểm giữa tháng 10/2023 sẽ nhanh chóng bị vượt qua. Dự báo cho đến cuối năm, giá dầu có thể sẽ đứng ở mức 105 USD/thùng, càng đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào khó khăn hơn.

Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs dự báo giá dầu có thể tăng lên mức 100 USD/thùng vào cuối năm 2023. Từ cuối tháng 6 tới nay, giá dầu đã tăng khoảng 20%.Tại thời điểm này, dự báo đến tháng 1/2024, OPEC+ sẽ rút bớt một nửa kế hoạch cắt giảm sản lượng 1,7 triệu thùng/ngày được đưa ra hồi tháng 4, đã bị xô đổ do bất ổn tại Trung Đông. Goldman Sachs cho rằng, giá dầu Brent từ mức 100 USD/thùng có thể lên tới mức 107 USD/thùng vào đầu năm 2024. Trong khi đó, ngày 16/10, nhà phân tích Nadia Martin Wiggen của Công ty Pareto Securities cho rằng giá dầu có thể sớm đạt mốc 100 USD/thùng ngay từ tháng 11/2023 và “cơn sốt giá dầu mới sẽ phủ bóng lên thị trường tài chính toàn cầu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá dầu thế giới tiếp tục tăng