Giá dầu thô trên thị trường thế giới Brent có lúc giảm xuống còn 83,44 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm 20/8. Trong khi dự báo đến cuối năm nay, giá dầu thô có thể leo lên mức hơn 100 USD/thùng.
Tại thời điểm này, giá dầu thô đã giảm 4 phiên liên tiếp, nhưng vẫn ở mức cao. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), việc cắt giảm nguồn cung của Arab Saudi và Nga, các nước thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga (OPEC+) dự kiến làm giảm dự trữ dầu toàn cầu khoảng 2,2 triệu thùng/ngày trong thời gian còn lại của năm nay. Động thái này sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn. Giá có thể xuống chút ít nhưng chỉ rơi vào chu kỳ ngắn, được coi là “loạn nhịp” nhưng về trung và dài hạn thì giá sẽ cao, tác động tới tất cả các nền kinh tế trên thế giới.
"Triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức khi đối mặt lãi suất tăng cao và tín dụng ngân hàng thắt chặt hơn. Trong khi đó giá dầu tăng cao càng khiến tình hình căng thẳng” - nhận xét của IEA.
Theo nhà phân tích Tina Teng (Công ty Dịch vụ tài chính CMC Markets, Vương quốc Anh), người ta đã không thấy đà lao dốc của giá dầu, cho dù nó có “chập chờn”. Suy thoái ở một số nền kinh tế lớn cũng không khiến giảm mức sử dụng nguồn nhiên liệu này, vì thế nó vẫn sẽ leo thang khi nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ cắt giảm sản lượng.
Bà Vandana Hari - người sáng lập Công ty Phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights cho biết, một trong những nguyên nhân giá dầu bị đẩy lên là do thị trường đã mua vào quá nhiều để tích trữ khi nhóm OPEC+ phát tín hiệu sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để thắt chặt nguồn cung. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chưa thấy dòng "vàng đen" bổ sung nào mang lại hy vọng giảm giá. Việc OPEC giảm sản lượng có thể làm xói mòn lượng dầu dự trữ trong thời gian còn lại của năm, do đó giá sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi đó tờ Les Echos (Pháp) đưa ra nhận xét nhu cầu dầu toàn cầu đang đạt kỷ lục mới do du lịch hàng không tăng mạnh. Con số dự báo cho thấy trong năm 2023 mỗi ngày thế giới tiêu thụ 102,2 triệu thùng dầu, tăng 2,2 triệu thùng so với năm 2022, mức cao nhất chưa từng được ghi nhận. Đỉnh điểm tưởng chừng là 103 triệu thùng/ngày vào tháng 6 vừa qua, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy kỷ lục đó sẽ bị xô đổ khi tháng 8 kết thúc.
Theo dự báo của IEA, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2023 sẽ ghi dấu mức hàng năm cao nhất từ trước đến nay. Hồi tháng 2/2023, IEA đã dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ lên mức kỷ lục trong năm 2023 là 101,9 triệu thùng/ngày; nhưng nay dự báo đó đã lạc hậu.
Về phía những quốc gia xuất khẩu dầu, nói như tờ Arab News của Saudi Arabia thì việc cắt giảm sản lượng sẽ khiến cho “thị trường dầu mỏ thế giới khởi sắc trong những tháng còn lại của năm 2023”. Dẫn số liệu từ OPEC, Arab News cho biết giá dầu ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 1 năm nay khi giá dầu Brent được giao dịch ở mức trên 88 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 10/8. Tuy nhiên, đó chưa là mức giá cuối cùng vì trong những phiên giao dịch gần đây nhất thì nó cũng chỉ rơi xuống 86 USD/thùng, cho thấy dẫu có dấu hiệu “loạn nhịp” nhưng không phải xu hướng mà chỉ là “phút giải lao giữa hai hiệp đấu” mà thôi.
Ông Bob McNally - Chủ tịch Công ty phân tích Rapidan Energy, nói với đài CNBC rằng thị trường không kỳ vọng nhiều vào quyết định đơn phương cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày của Arab Saudi. “Chúng tôi nhận thấy mức thâm hụt lớn trên toàn cầu sẽ xảy ra vào nửa cuối năm 2023 và giá dầu thô sẽ vượt trên 100 USD/thùng vào năm tới".
Tương tự, Trưởng bộ phận nhu cầu toàn cầu và phân tích châu Á Kang Wu tại Công ty S&P, ước tính sự gia tăng đáng kể của nhu cầu sẽ khiến lượng dầu dự trữ giảm và đẩy giá dầu tăng cao hơn trong những tháng tới.
Ngày 20/8, bất chấp các biến động trong ngắn hạn, Tập đoàn tài chính UBS (Thuỵ Sĩ) đưa ra nhận định giá dầu thô sẽ vượt ngưỡng 90 USD/thùng ngay đầu tháng 9. Trong đó, giá dầu thô Brent có thể chạm mức 95 USD/thùng, giá dầu thô WTI đạt 91 USD/thùng do nhu cầu tăng cao kỷ lục và nguồn cung bị thắt chặt.
“Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 ở mức 3%. Tuy nhiên, với việc giá dầu mỏ leo thang thì có lẽ dự báo của Ngân hàng Thế giới thực tế hơn: chỉ tăng 2,1% và điều đó làm lụi tắt giấc mơ của nhân loại tăng tốc sau đại dịch Covid-19” - Michaell Radalfe, chiến lược gia tài chính khối Thị trường chung châu Âu nhận xét.
Trong khi Saudi Arabia tiến hành cắt giảm sản lượng dầu thì Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) chính là quốc gia “đang âm thầm giành chiến thắng” trên thị trường dầu mỏ. Việc sửa đổi tăng hạn ngạch của UAE sẽ đưa sản lượng của nước này tăng thêm 200.000 thùng mỗi ngày, lên mức 3,2 triệu thùng. Ellen Wald - người sáng lập Công ty Tư vấn năng lượng Transversal Consulting nói: “Việc tăng hạn ngạch sản xuất của UAE có vẻ không được chú ý nhưng đó là một chiến thắng lớn cho nước này khi giá dầu lên cao”.