Kinh tế

Giá điện cần được thực hiện theo cơ chế thị trường

T.Hằng 08/05/2025 10:00

Tại Tọa đàm “Bảo đảm điện cho tăng trưởng – Yêu cầu và giải pháp" ngày 7/5 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, giới chuyên gia khẳng định, giá điện cần được thực hiện theo cơ chế thị trường thông qua việc tính đúng, tính đủ và phải sửa biểu giá điện hiện hành để xử lý những bất cập.

ảnh trên
Các vị khách mời tại Tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc.

3 bất cập lớn của giá điện

Nêu quan điểm về giá điện hiện nay, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, giá điện hiện nay có 3 bất cập lớn: Thứ nhất mang tính bao trùm và có thể coi là điểm nghẽn, giá điện hiện chưa theo cơ chế thị trường, nhiều năm qua không được tính đúng tính đủ các chi phí đầu vào để sản xuất ra 1 kWh điện.

Thứ hai, giá điện phải gánh quá nhiều mục tiêu. Thường giá điện phải bảo đảm để hỗ trợ ngành điện phát triển tăng trưởng ổn định, khuyến khích thu hút đầu tư nhưng cũng phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm sử dụng điện tiết kiệm.

Theo ông Thỏa, những mục tiêu này hội tụ trong giá điện lại không đồng thuận 100% với nhau mà có những xung đột trong quá trình thực hiện.

Thứ ba, cơ chế bù chéo trong giá điện như bù chéo giữa các hộ sinh hoạt với nhau, bù chéo giữa giá điện sinh hoạt và giá điện sản xuất, bù chéo giá điện giữa các vùng miền khác nhau. Cơ chế này đã kéo dài quá lâu khiến chúng ta không thể thực hiện được cơ chế giá thị trường đối với điện.

“Những bất cập đó gây ra nhiều hệ quả. Điển hình là giá điện không được tính đúng tính đủ thì sẽ lỗ, giá điện sẽ không phản ánh đúng giá trị của 1kWh điện đã sản xuất ra. Như vậy, giá điện sẽ trở thành giá bao cấp cho toàn xã hội, dẫn đến việc khó khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện. Đồng thời, không tạo áp lực mạnh để thực hiện chiến lược sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt trong sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ.

Một điểm rất quan trọng nữa là ngành điện luôn bị dòng tiền âm, có thể hiểu là lỗ. Điều đó có nghĩa là không cân đối được dòng tiền cho nên rất khó giúp ngành điện tái sản xuất, tái đầu tư và phát triển bền vững. Việc này cũng đe dọa đến mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng”- ông Thỏa nói.

Để khắc phục tồn tại trên, cần chuyển điều hành giá điện sang thực hiện theo cơ chế thị trường thông qua việc tính đúng, tính đủ giá điện và phải sửa biểu giá điện hiện hành để xử lý những bất cập.

“Công thức tính giá điện cần phải bỏ chi phí khác đi. Chi phí khác bản chất là chi phí chưa được tính đúng, tính đủ mà chúng ta phân bổ dần. Cho nên, công thức tính giá điện theo cơ chế thị trường phải tính lại, ví dụ như chi phí phát, chi phí truyền tải, chi phí bán lẻ, quản lý … Cần tính đủ chi phí và phải có lợi nhuận nhất định”- ông Thỏa gợi ý.

Cần có lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch

Theo chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, nếu so sánh với các nước trong khu vực và quốc tế, có thể thấy mức giá điện trung bình của Việt Nam đang ở ngưỡng tương đương với Trung Quốc và Ấn Độ. Mức giá này cao hơn một số quốc gia như Bangladesh hay Malaysia, những nước có lợi thế về tài nguyên thủy điện (Bangladesh) hoặc dầu khí nội địa (Malaysia), từ đó có thể xây dựng cơ chế bù giá hiệu quả.

Ngược lại, nhiều quốc gia khác trong khu vực lại có giá điện cao hơn Việt Nam, ví dụ như Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Philippines. Riêng Singapore, giá điện hiện đã tiệm cận mức của Nhật Bản. Tại Thái Lan, sau cải tổ cơ chế giá điện, đặc biệt chuyển sang mô hình tính theo giờ, giá điện trung bình đã tăng mạnh so với 3-4 năm trước, thậm chí cao gấp rưỡi.

Từ đó có thể thấy, vấn đề không đơn giản chỉ là "giá điện tăng hay giảm", mà là làm thế nào để giá điện phản ánh đúng bản chất chi phí sản xuất, đảm bảo ổn định, bền vững trong đầu tư và vận hành hệ thống điện quốc gia.

Nếu Việt Nam duy trì mức giá điện thấp hơn chi phí thực tế trong thời gian dài, có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh tạm thời cho sản xuất hoặc an sinh xã hội. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng trong đầu tư hạ tầng, không đảm bảo cung ứng điện ổn định, thiếu bền vững.

“Vì vậy, giải pháp căn cơ để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư là cần có lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch, phản ánh đúng chi phí, đồng thời có chính sách giảm thiểu tác động xã hội khi điều chỉnh. Việc này đòi hỏi sự hài hòa giữa mục tiêu an sinh và cơ chế thị trường”- ông Sơn nêu quan điểm.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công thương) Đoàn Ngọc Dương nhấn mạnh, việc phát triển bền vững của thị trường điện, của ngành điện liên quan đến chi phí, giá. Nguyên tắc tính giá, tính chi phí cũng đã được nêu trong Luật Điện lực và trong các nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Công thương, song phải có những bước chuyển phù hợp sao cho vừa đáp ứng được xu hướng thị trường, vừa tạo sự ổn định. Có những dự án điện đòi hỏi nguồn đầu tư về tiền rất lớn, thời gian dài (có những dự án kéo dài 3 năm, 5 năm hay 7 năm...). Vì vậy, việc áp dụng cơ chế thuận lợi, ưu đãi hơn giữa các dự án khác nhau nhiều khi dẫn đến tình trạng thiếu công bằng và minh bạch về mặt chi phí, giá... Những vấn đề này, Bộ Công thương vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa cụ thể.

“Quay trở lại vấn đề cung ứng điện đặc biệt trong năm nay và những năm sắp tới, có hai yếu tố quan trọng. Một là huy động tối đa được nguồn lực hiện hữu sẵn có để chuẩn bị tốt nhất cho các kịch bản, tình huống có thể xảy ra nhằm ứng phó những trường hợp đã dự báo. Hai là chuẩn bị cho việc đầu tư, phát triển và minh bạch về thị trường trong thời gian tới để đảm bảo phát triển ngành điện cũng như cung ứng điện ổn định, bền vững, mang lại hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế” – ông Dương nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá điện cần được thực hiện theo cơ chế thị trường