Kinh tế

Giá điện cần theo cơ chế thị trường

H.Hương 06/12/2023 08:04

Cần quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường để thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng và hiệu quả.

Năm 2024 vẫn thiếu điện

Năm 2023, giá điện được điều chỉnh tăng 2 lần với tổng mức tăng 7,5%. Lần thứ nhất, giá điện tăng vào ngày 4/5 với mức tăng 3%. Lần thứ hai Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) có quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5% từ ngày 9/11. Giá điện hiện nay ở mức 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

Với hai lần tăng giá, EVN cho rằng, khó khăn về tài chính sẽ được giảm phần nào. Nói cách khác, tăng giá điện nhằm tháo gỡ khó khăn của ngành điện, khi mà giá nhiên liệu đầu vào đã tăng liên tiếp trong những năm qua; từ đó EVN có thể tái đầu tư vào các dự án điện còn dang dở hoặc chậm triển khai vì thiếu vốn, góp phần giảm tình trạng thiếu điện.

Nói về tình hình cung ứng điện năm 2024, EVN cho hay, việc cân đối cung - cầu điện năm 2024 được tính toán với dự báo tăng trưởng phụ tải điện cơ sở (8,96%), 2 kịch bản lưu lượng nước về: bình thường (tần suất nước về 65%); cực đoan (tần suất nước về 90%). Trong đó, cập nhật tiến độ các nguồn điện mới (Ialy mở rộng và các nguồn điện nhập khẩu từ Lào...). Với phương án lưu lượng nước về bình thường, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện nhưng do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm (từ 13h-16h, 19h-22h) trong các ngày nắng nóng. Đối với trường hợp lưu lượng nước về cực đoan, việc đảm bảo cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420÷1.770MW) trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và tháng 7.

Nhiều ý kiến cho rằng, giá điện thấp, nói là tốt cho sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân nhưng thực tế là, khi chi phí đầu vào không được tính đúng, sản phẩm đầu ra sẽ không phản ánh đúng giá trị thị trường.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, giá các mặt hàng nếu quy định thấp hơn so với thị trường thì doanh nghiệp sẽ thua lỗ, không thể tồn tại, phát triển được. Do đó, cần tính toán đầy đủ chi phí, tính hợp lý và kịp thời để có nguồn cung ứng điện đảm bảo. Cùng với việc điều chỉnh giá, ông Long cũng cho rằng, cần đảm bảo dự trữ nhiên liệu đầu vào. “Nguồn nhiệt điện chiếm tỷ trọng tương đối lớn mà nguồn than trong nước hạn chế, còn phải nhập khẩu. Cho nên chúng ta phải dự phòng”- ông Long nói và cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất đối với điện hiện nay là giá. Trong đó, cơ chế điều hành giá điện của nước ta phân thành: Sản xuất, hành chính sự nghiệp và giá điện sinh hoạt. Bên cạnh đó, dư luận đang đòi hỏi xem xét lại việc giá điện sinh hoạt bù cho sản xuất. Điều này cũng có mặt tích cực nhưng đồng thời cũng có mặt hạn chế. Tích cực là giá điện sản xuất thấp thì sẽ thu hút được đầu tư, tiết kiệm được chi phí, làm cho giá thành giảm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng mặt hạn chế là thông qua giá điện thấp DN sẽ sử dụng công nghệ lạc hậu để giảm chi phí.

Xây dựng chính sách giá điện cần tăng tính cạnh tranh

PGS.TS Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho rằng, về cơ cấu, giá thành, cung ứng điện gồm có 4 phần: sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ. Riêng phần sản xuất đang chiếm 70-80% cơ cấu giá thành. Phần nguồn điện cơ bản hiện nay, các biến động của đầu vào sẽ dẫn đến biến động của nguồn điện.

Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, xây dựng chính sách giá điện cần tập trung để làm sao tăng tính cạnh tranh. Các chi phí mềm trong sản xuất điện, phân phối điện, bán lẻ điện như thủ tục hành chính hay chi phí tuân thủ pháp luật cũng phải giảm.

"Cần đưa ra chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau. Ví dụ như đưa ra các chính sách thúc đẩy tiết kiệm điện, chính sách thúc đẩy tiêu thụ điện xanh… làm sao hài hòa chung cho cả nền kinh tế" - ông Hiếu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá điện cần theo cơ chế thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO