Giá điện: Linh hoạt theo thị trường

M.DUY - H.NHÂN 06/08/2023 07:23

Giá điện vừa tăng từ cuối tháng 4, nhưng mới đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục kiến nghị sớm điều chỉnh giá bán điện trong thời gian tới. Có ý kiến cho rằng, chính sách về giá điện như hiện nay không còn phù hợp do đó cần nới rộng khung giá bán lẻ điện bình quân nhằm điều chỉnh giá bán lẻ linh hoạt theo kịp biến động của thị trường. Bên cạnh đó là những giải pháp đồng bộ để nhanh chóng khắc phục những bất cập giá điện.

Đến thời điểm này, số lượng dự án chính thức được phát điện thương mại lên lưới là 17 dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 859,52 MW.

Chật vật với giá điện tăng

Tránh giật cục khi điều chỉnh giá điện

Chiều 5/8, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Về thẩm quyền điều chỉnh giá điện, EVN có thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân ở mức dưới 5% (cụ thể từ 3% đến dưới 5%) theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quy định này nhằm đảm bảo mức độ tự quyết của doanh nghiệp trong khung giá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về chu kỳ điều chỉnh giá điện, theo ông Đỗ Hải Thắng là do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị thế giới, giá nhiên liệu thế giới tăng cao từ cuối quý I/2022, chi phí nhiên liệu mà Việt Nam phải nhập khẩu để sản xuất điện cũng tăng theo giá thế giới, làm chi phí mua điện của EVN tăng cao, ảnh hưởng đến cân đối tài chính và dòng tiền của EVN.

Trong quá trình xem xét đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN các năm 2022 và 2023, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến cần phải nghiên cứu điều chỉnh giá điện theo lộ trình từng bước cho phù hợp, tránh giật cục (trên cơ sở nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg), tránh gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô, sản xuất của do-anh nghiệp và đời sống của người dân.

Lần tăng giá điện mới đây, vớ mức tăng 3% đã được một số chuyên gia nhận định bảo đảm việc điều hành giá có lộ trình, không giật cục, hài hòa lợi ích các bên. Cụ thể, khi giá bán lẻ bình quân tăng lên mức 1.920 đồng/KWh (chưa bao gồm VAT), tức là tăng xấp xỉ 60 đồng/kWh, tương đương với 3% so với giá bán điện cũ. Tuy nhiên, tác động của việc tăng giá lại khiến đời sống người lao động chật vật hơn. Theo ghi nhận, các chủ trọ “té nước theo mưa” tăng giá điện vô tội vạ với đối tượng thuê nhà là sinh viên và người lao động. Sinh viên Nguyễn Ngọc Linh (quê Thanh Hóa) hiện đang học năm 4 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho biết: Hiện em đang trọ tại khu vực Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Giá điện chủ trọ hiện đang thu là 4.000 đồng/kWh. Mấy ngày gần đây, chủ trọ lại thông báo sẽ tiếp tục tăng giá điện vào tháng tới. Giá điện đi thuê nhà đã cao nay lại cao hơn nữa khiến em phải cân nhắc chi tiêu nhiều hơn. Tiền ăn đã ít nay lại phải gánh thêm một khoản tiền điện.

Tại một số khu vực có nhiều nhà trọ trên địa bàn quận Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Tây Hồ (Hà Nội), không ít sinh viên, người thuê nhà phản ánh việc chủ nhà trọ tự ý tăng tiền điện, không đúng mức giá bán theo niêm yết của ngành điện lực khiến việc chi tiêu của sinh viên cũng như người thuê trọ thêm khó khăn, áp lực.

Cũng với lý do giá điện tăng, nhiều chủ quán đã đẩy giá phở thêm 5.000 đồng/bát. Anh Trung Dũng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Anh phải trả 35.000 đồng/bát phở sau khi giá điện tăng. Quán nhỏ bán tại nhà nên chủ quán giữ giá 30.000 đồng/bát từ nhiều năm qua. Hỏi lý do tăng thêm thì được biết giá điện tăng nên giá nguyên liệu tăng, cộng với thời tiết nắng nóng, khách ăn trong phòng điều hòa nên chủ quán buộc phải tăng giá thì mới có lãi.

Với doanh nghiệp, một trong những lĩnh vực gặp khó hiện nay là ngành dệt may. Bày tỏ lo lắng về việc chi phí sản xuất “đội lên” khi giá điện tăng, ông Hà Mạnh - Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 chia sẻ: Việc tăng giá điện sẽ có tác động đến chi phí sản xuất của công ty. Giá điện tăng cũng đồng nghĩa chi phí các nguyên vật liệu đầu vào tăng, song phần chi phí đó không thể chuyển vào giá thành sản phẩm nên chúng tôi sẽ phải chịu toàn bộ. Công ty đang phải chịu sức ép từ hai đầu. Ở đầu vào, giá điện tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng theo đẩy chi phí sản xuất tăng cao. Trong khi ở đầu ra, đơn hàng suy giảm mạnh, Công ty còn bị khách hàng ép giá để tăng sức cạnh tranh.

Nhận định về thực tế trên, giới chuyên gia cho rằng: Doanh nghiệp hoạt động trong mọi ngành nghề, lĩnh vực đều phụ thuộc vào điện. Thêm nữa, đang là cao điểm nắng nóng, việc tăng giá điện càng đẩy hóa đơn tiền điện tăng cao, gây áp lực lên cả doanh nghiệp và người dân. Hệ quả dễ thấy nhất là tăng giá điện sẽ làm giảm sức mua thị trường, làm chậm quá trình thúc đẩy phục hồi thị trường.

Giá điện tăng khiến ngành dệt may càng thêm khó khăn.

Cần chính sách phù hợp

Mức tăng giá điện 3% từ cuối tháng 4 giúp tăng doanh thu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng 8.000 tỉ đồng trong năm 2023, tuy nhiên áp lực tài chính vẫn ngày càng gia tăng. Mới đây, EVN lại vừa tiếp tục kiến nghị tiếp tục sớm điều chỉnh giá bán điện trong thời gian tới nhằm đảm bảo cân đối tài chính.

Trước thông tin trên, nhiều ý kiến bày tỏ, chính sách về giá điện như hiện nay không còn phù hợp cho giai đoạn tiếp theo. Chỉ ra những bất hợp lý, theo ông Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực Hà Nội, dù Quyết định 24/2017 của Thủ tướng ban hành từ năm 2017 nhưng việc thực thi lại không theo các quy định. Dẫn chứng là đợt điều chỉnh gần nhất là tháng 5/2023, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% so với mức giá năm 2019. Như vậy, trong 4 năm trước đó, giá bán điện bình quân không được điều chỉnh, không được điều tiết theo tín hiệu thị trường.

Đồng quan điểm, ông Trần Đình Long - Hội Điện lực Việt Nam cho rằng: Việc quy định cụ thể biên độ tăng/giảm giá bán lẻ điện và thẩm quyền điều chỉnh sẽ làm căn cứ để giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với diễn biến giá đầu vào của ngành điện. Thời gian điều chỉnh là 3 tháng thay vì 6 tháng như trước là phù hợp với sự biến động liên tục của thị trường điện cạnh tranh đang được vận hành. "Cần thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, tạo tiền đề cho giá điện thực sự có tăng có giảm, linh hoạt theo thị trường", ông Long nhấn mạnh.

Mặt khác, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng trong thực tế không ai muốn tăng giá điện. Giá điện do Nhà nước quyết định trong khi EVN cũng là doanh nghiệp nên không thể có chuyện buộc bán điện thấp hơn giá vốn để rồi phải bù lỗ. Nhưng cần có sự công bằng hơn. Đó là khi đã để EVN độc quyền phân phối điện thì phải có cơ chế để giá bán bảo đảm doanh nghiệp không phải gồng lỗ kéo dài hay tăng giá điện vô tội vạ.

PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả bày tỏ: EVN cũng đã chủ động công bố thông tin, là doanh nghiệp độc quyền của ngành và không được quyết định giá điện mà do cơ quan quản lý nhà nước quyết. Thế nên, phải đủ chi phí thì doanh nghiệp mới tồn tại. Nếu để lỗ chồng lỗ kéo dài, sẽ bị nén như lò xo rất nguy hiểm. Tuy vậy, thông tin của EVN có đúng hay không thì phải có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Các công đoạn trong quá trình này cần công khai minh bạch để người dân nắm rõ vấn đề. Như vậy, việc tăng giá điện hay giảm giá điện lúc đó không còn là vấn đề bức xúc nữa.

Để giải quyết bài toán giá điện, thiếu điện thì việc đảm bảo các nguồn cung về điện là vấn đề đang được đặt ra. Một trong những giải pháp được cho là tối ưu chính là phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên hiện việc mua điện gió, điện mặt trời trong nước vẫn đang tiến hành khá chậm. EVN cho biết, đến ngày 1/8, đã có 74/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.999,86 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Nhưng số lượng dự án chính thức được phát điện thương mại lên lưới là 17 dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 859,52 MW.

Nói như chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên nhân sâu xa cần “mổ xẻ” để khắc phục là phải thay đổi cách thức vận hành của các cơ chế chính sách và cách tiệm cận giải quyết vấn đề đúng theo cơ chế thị trường. Cần nhìn nhận sự thiếu hụt về điện sẽ tạo cơ hội kinh doanh, đầu tư chứ không phải là nút thắt như hiện nay.

TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Nhanh chóng khắc phục những bất cập về giá điện

Thực tế cung ứng điện thời gian qua cho thấy, việc tiếp tục giao EVN - một doanh nghiệp nhà nước có nhiệm vụ đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế không còn phù hợp.

Để nhanh chóng khắc phục những bất cập trên, trước hết cần nới rộng khung giá bán lẻ điện bình quân, cho phép Bộ Công Thương, EVN chủ động hơn trong điều chỉnh giá bán lẻ linh hoạt theo kịp biến động của thị trường. Đồng thời giảm, tiến tới xóa bỏ bù chéo về giá bán lẻ điện, thực hiện một mức giá bán lẻ đối với hộ tiêu dùng sinh hoạt và một mức giá bán lẻ đối với sản xuất - kinh doanh, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Mặt khác, cần xem xét, huy động tối đa công suất điện mặt trời, điện gió đã lắp đặt theo nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, bên mua điện, Nhà nước và người tiêu dùng điện vì sự phát triển chung của đất nước. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy điện mới, nhất là các nhà máy đã có trong Quy hoạch Điện VII, đã bị chậm tiến độ so với kế hoạch. Chúng ta cũng cần đẩy nhanh và sớm vận hành thị trường điện bán buôn và bán lẻ cạnh tranh.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú: Làm rõ chi phí của ngành điện trước khi yêu cầu tăng

Việc EVN muốn tăng giá điện theo biến động các thông số đầu vào cũng hợp lý, nhưng trước tiên, cần minh bạch các con số đầu vào. Nếu kiểm toán, thanh tra làm rõ số lỗ là do khách quan thì buộc phải tăng giá điện. Tuy nhiên, tại sao đang lỗ triền miên mà chi lương bổng của ngành này lại cao đến vậy. Số liệu từ báo cáo tài chính đối với các công ty con của EVN cho thấy tiền lương công nhân ngành này trên dưới 30 triệu đồng/tháng từ năm 2011.

Lúc này, EVN kiên quyết xin tăng giá điện rất dễ tạo cú sốc cho doanh nghiệp và người dân bởi nền kinh tế đang quá nhiều khó khăn. Đơn hàng doanh nghiệp giảm, người lao động thất nghiệp, vật giá thực phẩm thiết yếu đều tăng… Việc người dân phản đối giá bán điện sinh hoạt đang bù cho giá điện sản xuất, đến nay chưa cơ quan nào, đơn vị nào đứng ra điều chỉnh, sửa đổi. Trong khi điện dành cho sản xuất chiếm phần lớn lượng điện tiêu thụ. Do đó, cần thanh tra toàn diện ngành điện, làm rõ các chi phí của ngành điện trước khi yêu cầu tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá điện: Linh hoạt theo thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO