Nhiều năm nay, gia đình bà Vũ Thị Tâm ở thôn 4, phường Bình Ngọc, TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) sống trong căn nhà lụp xụp. Bà Tâm có chồng đi bộ đội bị nhiễm chất độc da cam đã chết, con trai duy nhất cũng bị nhiễm chất độc di truyền từ bố, con dâu bị khuyết tật nặng...
Những ngày cuối tháng 5, những ngôi làng ven biển ở phường Bình Ngọc (TP Móng Cái) nắng như đổ lửa. Chúng tôi tìm đến nhà bà Vũ Thị Tâm ở thôn 4, phường Bình Ngọc. Từ đầu ngõ, đã thấy thấp thoáng bóng áo rằn ri xanh của các anh Bộ đội Biên phòng. Người xách vữa, người bê gạch, người đẩy từng xe cát tới chân công trình… Những giọt mồ hôi lăn dài trên má.
Nhiều năm nay, căn nhà của bà Tâm thiếu vắng hơi ấm, tiếng cười. Hoàn cảnh của gia đình bà Tâm khiến ai biết đến đều thấy thương cảm, xót xa.
Năm nay đã 70 tuổi, nhưng bà Tâm vẫn là lao động chính trong nhà. Dù ngày nắng hay mưa, người ta vẫn thấy bà lụi cụi khắp các cồn, bãi ven biển Bình Ngọc, Trà Cổ. Mùa nào thức ấy, bà có đủ các dụng cụ để cào ngao, đánh gọ, bắt ốc, hay đánh cá ven các lạch nhỏ. Mỗi buổi dầm dãi nắng mưa, bà Tâm cũng kiếm được 50 đến 100 nghìn đồng. Hôm nào “bãi đẹp” thì được 200 đến 300 nghìn đồng, nhưng cũng nhiều hôm chỉ đủ mang về nấu bát canh…
Ấy vậy mà từ nhiều năm nay, bà Tâm vẫn nuôi dưỡng, chăm sóc cả con trai và con dâu, cùng đứa cháu nội năm nay mới 7 tuổi. Trong căn bếp nóng như lò nung, bà Tâm kể: Ông nhà tôi bị nhiễm chất độc da cam từ chiến trường miền Nam, khi ông đi bộ đội trở về thì vợ chồng tôi sinh được 2 người con trai. 2 cháu lớn lên cơ thể cũng phát triển bình thường, nhưng cậu em thì trí tuệ không được minh mẫn, nhanh nhẹn như người khác, thể trạng lại yếu nên chỉ làm được những việc nhẹ ở nhà. Ông nhà tôi đến lúc cuối đời thì đau yếu, rồi mất cách đây hơn 3 năm.
Cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn khi người con trai thứ 2 của bà Tâm lập gia đình. Bản thân con trai là nạn nhân chất độc da cam, con dâu bà lại bị động kinh, khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp hàng tháng. Đứa cháu ra đời cũng bị di chứng từ ông và bố, nay đã học lớp 2 nhưng chậm hiểu, không nhanh nhẹn, cứ thấy người lạ là chạy đi nơi khác.
Gần chục năm nay, gia đình bà Tâm sống trong căn nhà chật chội, chưa đầy 40m2. Căn nhà cấp 4 được ông bà xây dựng từ năm 1990, từ lâu đã xuống cấp trầm trọng. Cứ mỗi khi nghe tin bão, bà Tâm lại lo sợ: “Căn nhà như cái thân già 70 của tôi, chỉ sợ gió mạnh là đổ sập”.
Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình bà Tâm, trong một cuộc họp của chỉ huy Đồn Biên phòng Trà Cổ, một quyết định được thống nhất, đó là bằng cách xã hội hóa, huy động sớm nhất để trao cho gia đình bà Tâm số tiền 100 triệu đồng để xây nhà mới.
Trung Tá Đào Xuân Nguyên - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trà Cổ, chia sẻ: “Là đơn vị quản lý địa bàn Trà Cổ, Bình Ngọc, hoàn cảnh của gia đình bà Tâm khiến anh em chúng tôi không yên, phải nghĩ làm được điều gì đó có ý nghĩa nhất, sớm cho gia đình bà”.
Nghĩ là làm, ngay từ đầu tháng 4/2025, Đồn Biên phòng Trà Cổ đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền phường Bình Ngọc khảo sát, đề xuất và triển khai xây dựng ngôi nhà mới cho gia đình bà Tâm. Phương án thiết kế, dự toán kinh phí nhanh chóng được lập. Ngôi nhà có diện tích 72m2, tổng kinh phí xây dựng hơn 400 triệu đồng, trong đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Cổ trực tiếp tham gia hỗ trợ ngày công san gạt mặt bằng và ủng hộ 100 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa, phần kinh phí còn lại do bà Tâm đối ứng, cùng họ hàng hỗ trợ. Ngày 29/4/2025, công trình xây dựng nhà cho gia đình bà Tâm được khởi công, dự kiến sẽ hoàn thành trong 3 tháng.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có khả năng xây được nhà mới, vì sức đã tàn, lực thì cạn. Biết ơn các chiến sĩ Biên phòng đã tiếp cho chúng tôi động lực, để có cuộc sống tốt đẹp hơn” - bà Tâm nói, giọng nghẹn ngào.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi việc làm thiết thực, nhân văn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Cổ. Từ năm 2020 đến nay, Đồn đã hỗ trợ xây dựng 3 căn nhà cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn 2 phường Trà Cổ và Bình Ngọc (TP Móng Cái), với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng. Những ngôi nhà mới không chỉ giúp các hộ vơi bớt khó khăn, mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn, thêm niềm tin vào “điểm tựa” vững chắc khu vực biên giới biển.