Kinh tế

Giá gạo quay đầu hạ nhiệt: Nông dân mong ổn định đầu ra

Thanh Tiến 26/02/2024 07:13

Nhiều tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân. Tuy nhiên, những ngày qua giá gạo giảm từ 1.000 - 1.200 đồng/kg. Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và các nước cũng giảm, gần về mốc 600 USD/tấn.

anhbaitren.jpeg
Nông dân xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp thu hoạch lúa. Ảnh: Thanh Tiến.

Vẫn đảm bảo lợi nhuận khá

Ngày 25/2, ghi nhận tại các địa phương như TP Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, giá lúa các loại dao động quanh mốc từ 7.200 - 8.000 đồng/kg. Tại An Giang, bình quân giá lúa tươi mua tại ruộng với lúa IR 504 ở mức 7.100 – 7.300 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 7.400 – 7.600 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 7.400 – 7.600 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 7.200 – 7.300 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 8.000 đồng/kg.

Còn mặt hàng gạo không có biến động. Cụ thể, ở Tiền Giang, giá gạo nguyên liệu OM 18 ở mức 12.300 – 12.400 đồng/kg; gạo Đài thơm 8 ở mức 12.600 – 12.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 dao động quanh mức 11.800 – 11.900 đồng/kg; OM 380 11.450 – 11.550 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chững lại và đi ngang sau phiên giảm mạnh. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo 25% tấm ở mức 584 USD/tấn; gạo 5% tấm ở mức 609 USD/tấn; gạo 100% tấm ổn định ở mức 508 USD/tấn.

Nhìn chung tuần qua, giá lúa biến động khá mạnh tại thị trường trong nước khi đồng loạt giảm từ 1.500 – 2.000 đồng/kg. Nếu tại Cần Thơ, lúa thơm OM18 bán ở mức 7.500 - 7.600 đồng/kg thì tại Sóc Trăng, thương lái chỉ thu mua ở mức 7.200 - 7300 đồng/kg. Còn tại An Giang, từ ngày 15/2, giá lúa bắt đầu giảm liên tục, đến nay đã hơn 1.000 đồng/kg, từ lúc thương lái đặt cọc là 8.500 đồng/kg hiện còn 7.600 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá này, nông dân vẫn đảm bảo có lợi nhuận khá.

Vừa nhận cọc của thương lái cách đây vài ngày, anh Nguyễn Minh Đà (xã Hoà Lợi, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) cho biết, giá lúa hiện thấp hơn kỳ vọng của người nông dân. Tuy nhiên, anh Đà cho rằng, mức giá hiện tại vẫn cao hơn so với vụ Đông Xuân những năm trước. Trừ các chi phí, nông dân vẫn có lãi.

“Tôi trồng 3ha lúa RVT. Trước Tết thương lái hỏi mua với giá đặt cọc khoảng 10.000 đồng/kg. Nhiều nông dân kỳ vọng giá lúa tiếp tục cao hơn nhưng qua Tết giá lúa giảm xuống rất nhanh. Ruộng của tôi còn mấy hôm nữa là thu hoạch, 5 ngày trước tôi vừa nhận cọc của thương lái với giá thu mua 8.000 đồng/kg. Dù giá lúa giảm nhiều nhưng so với vụ Đông Xuân những năm trước thì giá này vẫn cao hơn. Ước tính vụ này mỗi công đất (1.000m2) tôi lãi khoảng 4 triệu đồng” - anh Đà thông tin.

Ông Vũ Văn Hiếu (nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cũng cho biết, giá lúa hiện nay vẫn cao hơn nhiều so với những vụ Đông Xuân trước. “Tôi trồng 7 công (7.000m2) lúa ML202. Thương lái vừa đặt cọc 8.500 đồng/kg. Đến ngày thu hoạch, giá lúa giảm, họ giảm xuống còn 7.600 đồng/kg. Dù giảm so với trước Tết nhưng giá lúa vẫn cao hơn cùng kỳ các năm trước” - ông Hiếu cho hay.

Đây cũng là chia sẻ của nhiều nông dân huyện Tri Tôn (An Giang). Hiện với giá 7500 - 7.600 đồng/kg, nông dân vẫn đảm bảo có lợi nhuận khá tốt so với cùng kỳ những năm trước.

Giá lúa gạo thời gian tới thế nào?

Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc giá gạo giảm thời gian gần đây không có quá nhiều bất thường, bởi nó đang diễn ra theo quy luật cung cầu của thị trường. Từ tháng 7/2023 đến trước Tết Nguyên đán, giá gạo liên tục tăng mạnh là do nhu cầu thế giới tăng cao, trong khi nhiều nước hạn chế nguồn cung vì vậy đơn hàng của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cũng tăng, dẫn đến giá lúa gạo trong nước tăng.

“Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu nhập khẩu gạo của một số nước giảm. Ngoài ra, chúng ta đang bước vào đợt thu hoạch vụ Đông Xuân, lượng lúa gạo khá dồi dào. Cung tăng mà cầu không tăng dẫn đến giá lúa trong nước giảm là điều tất yếu. Ngoài ra, do chúng ta thiếu cơ sở dự trữ nên nhiều DN không thu mua nhiều” - ông Thịnh cho biết thêm.

Nhiều DN cũng cho biết, khi vào rộ vụ, nguồn cung dồi dào nên giá cả cũng giảm nhiệt. “Giá gạo Việt Nam trước đó cao hơn giá gạo của các nước khác khá nhiều, đặc biệt là cao hơn Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ. Ngoài ra, do thấy giá lúa cao, vụ lúa Đông Xuân này nông dân đồng loạt xuống giống sớm. Qua Tết nhiều nơi thu hoạch sớm trong bối cảnh các thương nhân chưa thu mua nhiều. Ngoài ra, một số thương nhân nhập khẩu thấy giá gạo Việt Nam đang cao nên họ sang Thái Lan, Pakistan… để mua, từ đó gạo Việt Nam khó đàm phán bán hơn. Từ các yếu tố nên thương nhân Việt Nam hạn chế thu mua” - ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Phước Thành 4 (tỉnh Vĩnh Long) lý giải việc giá lúa quay đầu giảm, đồng thời đưa ra dự đoán, thời gian tới giá lúa gạo trong nước sẽ ổn định với mức giá như hiện nay hoặc có thể tăng 100-200 đồng/kg. Nhận định về con số 10.000 đồng/kg lúa mà một số thương lái thoả thuận đặt cọc với nông dân hồi trước Tết, ông Thành cho rằng đây là mức giá khó có thể đạt được. “Với mặt bằng giá mới hiện nay tôi nghĩ giá từ 8.000 - 9.000 đồng/kg lúa tươi là đẹp nhất đối với người tiêu dùng và người trồng lúa. Nếu giá cao hơn nữa thì sẽ khó khăn cho người tiêu dùng” - ông Thành chia sẻ.

Kỳ vọng đầu ra ổn định

Một số thương lái thu mua lúa miền Tây cho biết, từ Tết đến nay, không ít thương lái bị lỗ vì giá lúa giảm, có nhiều trường hợp chấp nhận bỏ tiền đặt cọc vì nếu mua theo hợp đồng sẽ lỗ nặng hơn.

Còn gần 1 tháng nữa, 1,6ha lúa RVT của anh Lâm Văn Giáp (ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) mới thu hoạch. Trước Tết, anh Giáp nhận cọc 7 triệu đồng để bán hết số lúa với giá 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trước tình hình hiện tại anh Giáp đoán thương lái sẽ bỏ cọc, không thu mua như giá thoả thuận.

“Thông thường còn 1 tuần đến thu hoạch thương lái sẽ liên hệ lại. Ví dụ giá lúa mà giảm 1.000 đồng/kg so với lúc đặt cọc thì họ sẽ thương lượng với nông dân. Mỗi người chịu thiệt một nửa, thu mua với giá giảm 500 đồng/kg so với lúc đặt cọc. Còn với giá lúa hiện tại, giảm nhiều quá so với lúc đặt cọc thì chắc họ bỏ cọc không mua. Lúc đó mình phải tìm chỗ khác để bán” - anh Giáp chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Văn Bé Hai (68 tuổi, ở xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) - 1 trong “100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023” cho rằng, dù liên tiếp các vụ lúa gần đây nông dân liên tục lãi lớn nhưng điều mà ông cũng như nhiều bà con ở Châu Thành mong đợi là nông dân và DN có thể liên kết được với nhau, nông dân được bao tiêu giá cả với đầu ra ổn định.

“Giá lúa như thời gian qua dù có lợi nhuận nhiều nhưng nông dân không dám đầu tư lớn.. Thà rằng ngay từ đầu chúng tôi có đầu ra ổn định với một mức giá cụ thể, từ đó sẽ có tính toán để đầu tư cho đảm bảo, chứ giá lúc lên lúc xuống như vậy thì vẫn bấp bênh lắm” - ông Hai chia sẻ.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường thế giới hạ nhiệt và giá gạo xuất khẩu của các nước đồng loạt giảm. Trong đó gạo 5% tấm của Việt Nam giảm mạnh nhất 19 USD xuống còn 609 USD/tấn, thấp hơn Thái Lan đang ở mức 611 USD/tấn và Pakistan là 612 USD/tấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá gạo quay đầu hạ nhiệt: Nông dân mong ổn định đầu ra

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO