Trong 2 ngày 17, 18/7 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Quốc tế “Thích ứng với Già hóa dân số” do Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình dương (APEC) phối hợp với Chính phủ Việt Nam tổ chức.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%.
Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, thế giới có khoảng 901 triệu người cao tuổi (năm 2015), chiếm 12,3% dân số. Số này sẽ tăng lên hơn 2 tỷ người vào năm 2050, chiếm 22% dân số thế giới. Trung bình cứ một giây có 2 người bước vào tuổi 60, tức mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người 60+ tuổi. Trung bình cứ 9 người sẽ có một người 60+ tuổi và tỉ lệ này sẽ là 5/1 vào năm 2050.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, từ năm 2010, Bộ Y tế đã nghiên cứu xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn. Gần đây, Bộ Y tế ban hành Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi với nhìn nhận một cách toàn diện, tăng cường chăm sóc người cao tuổi ngay tại cộng đồng vì nếu chỉ dựa vào bệnh viện hay nhà dưỡng lão sẽ tiêu tốn khoản chi phí cao. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi triển khai chính sách này, nhất là về kinh tế khi người cao tuổi luôn có ít nhất hai bệnh mãn tính trở lên và điều kiện kinh tế khá khó khăn. Vì thế, thích ứng với già hóa dân số là một thách thức lớn đòi hỏi đa ngành, đa lĩnh vực cùng tham gia.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, già hóa dân số vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Chẳng hạn để chăm sóc người cao tuổi, tất cả các vấn đề từ giáo dục, đào tạo, an sinh, xã hội, y tế, kinh tế kéo theo các lĩnh vực đó sẽ phát triển theo... Chưa kể, sẽ có nhiều vấn đề liên quan đến người cao tuổi như thiết kế xây dựng nhà ở, đường xá, các phương tiện hỗ trợ người già, đào tạo cho điều dưỡng, bác sĩ để phục vụ đối tượng này.
Theo đó, đây là cơ hội để các doanh nghiệp có thể nghiên cứu và phát triển những lĩnh vực để phục vụ nhu cầu cho người cao tuổi. Do đó, số lượng lớn người cao tuổi cũng tạo cơ hội cho phát triển kinh tế xã hội.
Hội thảo là dịp để các nền kinh tế thành viên APEC chia sẻ các mô hình, sáng kiến phát huy vai trò và chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng. Những khuyến nghị chính sách từ Hội thảo sẽ được bàn thảo trong Đối thoại Chính sách Y tế, trong các cuộc họp của Nhóm Công tác Y tế, cuộc họp cấp cao các Bộ trưởng Y tế APEC thuộc SOM 3 tại TP HCM.